Dù tiền sử gia đình không có người bị đột quỵ, bản thân không mắc các bệnh nền, nhưng vì có thói quen sinh hoạt thiếu khoa học khiến Long mắc căn bệnh nguy hiểm. May mắn, anh được người nhà phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Ngô Minh Trường, Khoa Cấp cứu của một bệnh viện tại TP Cần Thơ cho biết vừa điều trị thành công cho trường hợp bị đột quỵ ở tuổi còn trẻ là anh Hoàng Long (25 tuổi).
Trước đó, anh có sức khỏe bình thường, không bị huyết áp, tiểu đường hay các bệnh nền khác. Tuy nhiên, anh có thói quen hút thuốc lá, mỗi ngày hút 2-3 điếu thuốc. Một phần, do tính chất công việc, anh thường tan làm về nhà muộn và thường xuyên tắm muộn, đi ngủ lúc 12 giờ đêm.
Một ngày đầu tháng 8, Long đang ngồi chơi ở nhà thì có cảm giác chóng mặt, đau đầu. Ban đầu, Long nghĩ, chắc nằm nghỉ một lúc sẽ hết, hoàn toàn không biết bản thân đang mắc căn bệnh nguy hiểm.
Trước đó, Long thường có thói quen thức khuya và tắm muộn. Ảnh minh họa.
Gần 30 phút sau, tay chân Long bị mất sức rồi ngã quỵ tại chỗ. May mắn, Long được người nhà phát hiện, đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán Long bị đột quỵ và chuyển đến bệnh viện tuyến trên.
Bác sĩ Trường cho biết, Long nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn tay chân trái, nói đớ, méo miệng, còn tri giác.
Sau 1 ngày điều trị tiêu sợi huyết, sức khỏe của Long cải thiện rõ. “Bệnh nhân cũng đã nói rõ, còn méo miệng, tay phải và 2 chân đã vận động bình thường. Chỉ còn tay trái của bệnh nhân cử động nhẹ nhưng chưa có sức. Đây là ca đột quỵ khá trẻ khi mới 25 tuổi được người nhà phát hiện kịp thời, đưa đến cấp cứu trong thời gian vàng và phục hồi sau 1 ngày điều trị”, bác sĩ Trường chia sẻ.
Bác sĩ Trường cũng cho biết, trong thời gian tới, Long sẽ được tập vật lý trị liệu để cải thiện hơn quá trình hồi phục chức năng thần kinh và tiếp tục theo dõi để tầm soát các nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ.
Bác sĩ Trường cho biết, may mắn Long được người nhà phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp. Ảnh: BVCC.
Từ trường hợp của Long, bác sĩ Trường khuyến cáo, đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê cho thấy, cứ 4 người trưởng thành trên 25 tuổi sẽ có 1 người có thể bị đột quỵ trong tương lai. Đây là điều đáng lo ngại của ngành y tế hiện nay.
Nguyên nhân gây đột quỵ ngoài yếu tố di truyền, mắc các bệnh nền như cao huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, các bệnh lý về tim mạch… còn do thói quen sinh hoạt không đúng. Trong đó, hút thuốc lá, thức khuya, thường xuyên tắm đêm như Long là một ví dụ. “Khi bị đột quỵ, tôi mới nhận ra thói quen sinh hoạt sai lầm của mình là tắm đêm, thức khuya và hút thuốc lá. Tôi mong các bạn trẻ khác hãy biết xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, khoa học để bảo vệ sức khỏe của mình”, Long chia sẻ sau khi được cấp cứu đột quỵ.
Bác sĩ Trường khuyến cáo, hiện nay, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ đang có xu hướng gia tăng. Để phòng ngừa mắc bệnh, mọi người cần:
- Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh.
- Tập thể dục điều độ, tăng cường vận động mỗi ngày.
- Nói không với chất kích thích, thuốc lá.
- Cần xây dựng thói quen ăn uống khoa học.
- Khám sức khỏe định kỳ là cách bảo vệ bản thân trước căn bệnh đột quỵ.
* Tên người bệnh đã thay đổi.