Trong cuộc sống có rất nhiều thói quen khiến gan bị tổn thương, nhưng mọi người thường “đổ lỗi” cho rượu bia mà quên mất rằng cách ăn uống hàng ngày cũng tàn phá lá gan không kém,
Hiện nay, các bệnh lý về gan, trong đó có ung thư gan, đa số là có thể phòng tránh được, tuy nhiên rất nhiều người còn chủ quan khiến khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn chuyển nặng.
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - GĐ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ông từng tiếp nhận nhiều người mắc ung thư gan do không đi khám sớm, thậm chí có trường hợp đã ở giai đoạn cuối, không đáp ứng điều trị.
Theo bác sĩ Cường, có nhiều lý do khiến lá gan bị tàn phá, đầu tiên là việc uống rượu bia, sau đó đến thói quen sử dụng thuốc bừa bãi, bỏ điều trị hoặc không quản lý viên gan B và cuối cùng là thói quen ăn uống.
Không chỉ rượu bia, thói quen ăn uống hàng ngày ảnh hưởng đến lá gan. (Ảnh minh họa)
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho rằng, các nguyên nhân như hút thuốc, uống rượu, lạm dụng thuốc ảnh hưởng đến gan thì dường như ai cũng biết, nhưng thói quen sử dụng đồ ăn thì mọi người có vẻ vẫn mơ hồ. Bà Ngọc cho rằng, ăn uống nếu đúng cách sẽ bảo vệ gan rất tốt, còn ngược lại có thể gây hại cho lá gan.
Dưới đây PGS Ngọc chỉ ra 3 thói quen ăn uống người Việt hay gặp phải nhất khiến lá gan bị bào mòn:
- Ăn quá nhiều thịt: Việc này gây gánh nặng cho đường tiêu hóa, cho gan và thận. Đặc biệt, việc ăn thịt nhất là các loại thịt chiên, rán sẽ làm gia tăng nguy cơ tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ. Thống kê cho thấy, hiện nay người Việt đang ăn gần gấp đôi lượng thịt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo đó, trung bình một người trưởng thành đang ăn khoảng 136,4g thịt/ngày, trong khi theo khuyến cáo của WHO là 68 đến 74g.
Ăn quá nhiều thịt, nhất là thịt chiên rán nướng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe lá gan. (Ảnh minh họa)
- Thường xuyên dùng gỏi, rau sống: Đây là thói quen đã được cảnh báo nhiều, tuy nhiên số người ăn không những không giảm mà ngày càng tăng lên. Việc ăn gỏi tôm, cá hay các loại rau sống ngoài liên quan đến tiêu hóa, tích tụ hóa chất tồn dư ở gan thì nhiễm ký sinh trùng cũng là vấn đề đáng bàn. Những người hay ăn gỏi, rau sống dễ mắc sán lá gan - loại sán này ký sinh sẽ gây tổn thương gan khá nặng nề.
- Dùng thức ăn đường phố: Đây là “lỗi” ăn uống thường gặp ở giới trẻ, có thể ngay lập tức chưa phát hiện những ảnh hưởng xấu, nhưng thực tế lại bào mòn lá gan từng ngày. Theo phân tích của PGS Ngọc, các loại thức ăn đường phố thường là những món ăn giàu năng lượng, chất béo được chế biến chiên, rán, nướng. Bên cạnh, đó các món ăn đường phố thường khó kiểm soát được nguồn gốc do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khoẻ trong đó có lá gan.
Để bảo vệ lá gan khỏe mạnh, PGS Nguyễn Thị Ngọc khuyến cáo, mọi người nên chế biến bữa ăn lành mạnh tại nhà thay vì ăn ở quán xá bên đường. Ngoài ra, nên ăn những đồ hấp luộc hơn là chiên rán. Cuối cùng cần ăn giảm thịt, nhất là các loại thịt đỏ, tăng cường ăn cá và các loại rau xanh, quả chín đủ theo khuyến nghị.
Ngày Viêm gan thế giới (28/7) năm nay có chủ đề “Chúng ta không nên chờ đợi”. Theo PGS Đỗ Duy Cường, chủ đề này nhằm khuyến khích người dân đi khám, xét nghiệm sàng lọc để phát hiện virus viêm gan, từ đó được quản lý theo dõi và điều trị sớm, tránh biến chứng xơ gan, ung thư gan. “Phụ nữ trước khi kết hôn hoặc có thai nên được sàng lọc xem có bị nhiễm virus viêm gan B hay không để được theo dõi, quản lý và điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Hiện nay tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con vẫn rất lớn, đa số là do phụ nữ có thai không được sàng lọc viêm gan B và khi trẻ sinh ra không được tiêm kháng huyết thanh và vắc xin viêm gan B. Hậu quả là trẻ sẽ bị nhiễm virus từ lúc còn nhỏ, để lại gánh nặng bệnh tật rất lớn sau này”, ông Cường chia sẻ. |