Có cách giảm cân nhanh nào vừa hiệu quả vừa không hại sức khỏe? Sự thật ai cũng cần biết nhưng cố lờ đi

Ngày 19/02/2023 00:00 AM (GMT+7)

Ăn nhiều mà không béo, giảm cân nhanh mà không gây hại cho sức khỏe có lẽ là ước mong của không ít người, nhất là phụ nữ và nhiều người vẫn mải miết đi tìm cách biến ước mơ này thành sự thật. Liệu có cách thực sự như thế?

Trong giới thượng lưu thời Victoria tại Anh, một số trào lưu kỳ quái xuất hiện tràn lan nhưng có lẽ không gì kỳ lạ bằng chế độ ăn sán dây: Những người ăn kiêng nuốt một con sán dây chưa nở và để nó lớn lên bên trong cơ thể mình bằng cách hấp thụ những thức ăn chưa được tiêu hóa.

Tất nhiên, đây là một cách giảm cân cực kỳ nguy hiểm và có hại cho sức khỏe. 

Tuy những mốt ăn kiêng hiện đại thường không cực đoan như vậy, nhưng chúng đều hứa hẹn kết quả tương tự: Giúp giảm cân nhanh.

Vậy, liệu có chế độ giảm cân nhanh nào hiệu quả? Và có cách nào trong số đó thực sự có lợi cho sức khỏe của bạn? Để trả lời những câu hỏi này, hãy cùng xem một thí nghiệm giả tưởng.

Sam và Felix là một cặp song sinh và họ đều có dự định ăn kiêng. Họ có cùng chiều cao, cân nặng, khối lượng mỡ và cơ bắp. Nhưng Sam thì mong muốn giảm cân chậm, trong khi Felix lại muốn giảm cân nhanh.

Giảm ăn uống kết hợp với tập thể dục là cách giảm cân nhiều người áp dụng. (Ảnh minh họa)

Giảm ăn uống kết hợp với tập thể dục là cách giảm cân nhiều người áp dụng. (Ảnh minh họa)

Kế hoạch của Sam là từ từ giảm lượng calo nạp vào cơ thể và tăng cường tập thể dục đều đặn. Với nguồn năng lượng nạp vào ít hơn và được tiêu hao nhiều hơn qua tập luyện, Sam tạo ra sự thâm hụt năng lượng bên trong cơ thể mình. 

Để bù đắp, cơ thể Sam bắt đầu phân giải nguồn cung glucose khẩn cấp được tích trữ trong gan dưới dạng glycogen. Và sau từ 4 tới 6 tiếng, cơ thể anh bắt đầu đốt các tế bào mỡ như một nguồn năng lượng chính. Quá trình này giải phóng các giọt lipid - thứ bị phân giải thành các hợp chất trôi nổi trong máu và cung cấp năng lượng cho các cơ quan và các mô.

Felix cũng muốn tạo ra sự thâm hụt năng lượng tương tự bằng cách cắt giảm đột ngột lượng calo nạp vào. Nếu Sam vẫn ăn nhưng ít hơn thì Felix hầu như không ăn gì cả. Và cơ thể anh phản ứng lại bằng cách đi vào trạng thái bị bỏ đói.

Cơ thể của Felix phân giải toàn bộ glucose dự trữ khẩn cấp chỉ trong 18 tiếng. Trong khi Sam đều đặn bổ sung lại glycogen với mỗi bữa ăn lành mạnh, chế độ ăn ít calo của Felix thì không.

Ăn đúng cách tốt cho sức khỏe và cả hiệu quả giảm cân hơn là cố nhịn. (Ảnh minh họa)

Ăn đúng cách tốt cho sức khỏe và cả hiệu quả giảm cân hơn là cố nhịn. (Ảnh minh họa)

Vì thiếu năng lượng, cơ thể Felix bắt đầu phân giải các vật chất khác, bao gồm cả cơ bắp. Trong khi đó, việc tập thể dục đều đặn vẫn duy trì khối lượng cơ bắp của Sam. Nghĩa là Sam sử dụng nhiều năng lương hơn cả trong lúc luyện tập và nghỉ ngơi, khiến cho anh dễ dàng giảm cân hơn.

Mặt khác, Felix sẽ mất đi khối lượng cơ bắp của mình và đốt ít năng lượng hơn bao giờ hết cho các chức năng cơ bản của cơ thể, khiến việc giảm cân thậm chí càng khó hơn.

Mặc dù vậy, có một yếu tố về chế độ ăn kiêng nhanh của Felix có thể đã khiến anh nghĩ mình đang đi đúng hướng. Mỗi gam glycogen được liên kết với vài gam nước. Tức là, khi glycogen của Felix được tiêu thụ hết thì đồng thời 2kg trọng lượng nước của anh cũng mất đi. Đối với Felix, điều này có vẻ như anh đang giảm cân nhanh. Nhưng ngay khi Felix dừng nhịn đói, cơ thể anh sẽ bổ sung glycogen dự trữ và trở lại trọng lượng ban đầu.

Hiển nhiên, kế hoạch của Felix có hại hơn là có lợi, nhưng bữa ăn cắt giảm lượng calo đột ngột không phải là chế độ ăn duy nhất hứa hẹn giảm cân nhanh chóng.

Các kế hoạch ”chế độ ăn giải độc” khuyến khích hoặc hạn chế một số thực phẩm để cung cấp các chất dinh dưỡng cụ thể với hàm lượng cao. Điều này có thể có lợi đối với việc giải quyết một số vấn đề về dinh dưỡng, nhưng chúng không phù hợp với mọi người, càng không phải phương thuốc chữa bách bệnh.

Ví dụ, đối với một người thiếu vitamin A, thực đơn với nước ép hoa quả có thể sẽ hữu ích. Nhưng đối với người có nhiều vitamin A, thêm nước ép có thể là thảm họa.

Nhiều người cố uống nhiều nước ép để giảm cân và thanh lọc cơ thể. (Ảnh minh họa)

Nhiều người cố uống nhiều nước ép để giảm cân và "thanh lọc" cơ thể. (Ảnh minh họa)

Ngay cả khi không tính đến yếu tố dinh dưỡng cá nhân, việc duy trì một thực đơn với nước ép trong nhiều tuần có thể sẽ làm tổn hại hệ thống miễn dịch do sự thiếu hụt các chất béo và chất đạm cần thiết. Vấn đề với chế độ ăn giảm cân quá nhanh nằm ở chỗ cho dù bạn cắt giảm lượng calo hay các nhóm thực phẩm, chế độ ăn kiêng cực đoan là một cú sốc với cơ thể.

Tốc độ giảm cân được coi là tốt cho sức khỏe khi nó được thúc đẩy bởi chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp, trong khi đó, mỗi người là một cá thể khác biệt về mặt di truyền và tình trạng sức khỏe nên không thể có công thức chung. Hơn nữa, việc duy trì việc giảm cân theo thời gian đòi hỏi một lối sống với chế độ ăn uống lành mạnh bền vững.

Thực tế, một số tác dụng phụ có hại của chế độ ăn kiêng cực đoan hiếm khi được thảo luận vì ít người kiên trì theo đuổi chúng. Việc này cũng phản ánh tình trạng nhiều xã hội đang khuyến khích những mối quan hệ không lành mạnh với cân nặng khi mọi người thường áp lực phải ăn kiêng vì các lý do khác hơn là vì sức khỏe và hạnh phúc.

Vậy thì, thay vì cố gắng giảm cân nhanh, tất cả chúng ta nên dành thời gian để tìm ra đâu mới là lối sống lành mạnh nhất cho chính bản mình.

Hầu hết người Việt coi món này là phế phẩm nhưng người Nhật lại ăn để giảm cân, canxi gấp 5 lần sữa đậu
Nhiều người coi bã đậu là phế phẩm, vứt bỏ đi nhưng ở bên Nhật, ăn bã đậu để giảm cân là một trào lưu.

Giảm cân

Nguồn: Ted-Ed
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thói quen có hại