Dịch bệnh mẹ ở chỗ làm, khi về phải ôm con 2 tuổi đi khám vì ngôn ngữ bất thường

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 03/12/2021 19:34 PM (GMT+7)

Các chuyên gia cho biết tình hình dịch bệnh phức tạp có thể khiến tình trạng trẻ chậm nói gia tăng. Thực tế có những trẻ đã phải đi khám, nhờ chuyên gia can thiệp vì vấn đề này.

Cảnh báo tình trạng trẻ chậm nói vì dịch COVID-19

Dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế xã hội. Với trẻ nhỏ ít được ra ngoài giao tiếp, vận động cũng ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển.

Chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Văn Hòa – Giám đốc một Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng tâm lý giáo dục ở Hà Nội cho biết thời gian gần đây, trung tâm tiếp nhận khoảng 70 trường hợp/ngày đến khám hoặc gọi nhờ tư vấn qua điện thoại về vấn đề sức khỏe tâm thần.

Đáng chú ý, trong số đó có tới 90% liên quan đến việc trẻ trậm nói, các trẻ ở độ tuổi từ 18 đến 32 tháng. Con số này gia tăng rất nhiều so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

COVID-19 ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, trong đó có vấn đề chậm nói.

COVID-19 ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, trong đó có vấn đề chậm nói.

Điển hình như trường hợp của bé N.V.C (bé Bon, ở Hà Nội) đến nay 2 tuổi mới nói được vài từ đơn như “bà, mẹ, ba”. Lo lắng hơn, bé Bon chỉ nói khi thích, lúc được hỏi không trả lời. Ngoài chậm nói, bé Bon phát triển thể chất bình thường khi vẫn tăng cân, tăng chiều cao.

Mẹ bé Bon chia sẻ do dịch bệnh bé rất ít được ra ngoài, có thời gian bố mẹ đi làm ở lại luôn công ty, bé ở nhà với bà trong một thời gian dài. Việc tương tác với bố mẹ chỉ qua điện thoại, còn ở nhà bà cho xem tivi nhiều. 

“Có lẽ chính việc ít tương tác, xem nhiều thiết bị điện tử khiến con chậm nói. Biết trước thế này tôi xin nghỉ làm công ty ở nhà với con, để con được phát triển hoàn thiện”, mẹ bé Bon ngậm ngùi chia sẻ.

Hay trường hợp khác là bé Lê, ở Hưng Yên trước khi nghỉ học do dịch bệnh (lúc 20 tháng) bé đã nói được từ đơn, nhưng đến nay khi đã được 28 tháng, cháu không nói thêm được từ nào. 

Xem tivi, điện thoại nhiều sẽ ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ của trẻ. (Ảnh minh họa)

Xem tivi, điện thoại nhiều sẽ ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ của trẻ. (Ảnh minh họa)

Chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Văn Hòa cho biết điểm chung của các bé chậm nói là ít được ra ngoài giao tiếp, ở nhà thường xuyên được cho xem tivi, điện thoại, không được đến trường do dịch bệnh. Nhiều trẻ khi đến trung tâm thăm khám không chịu ngồi yên, chỉ khi bà hoặc mẹ bật điện thoại cho xem mới hết quấy khóc…

Một trong số nguyên nhân khiến trẻ chậm nói là do dịch COVID-19 khiến các trường mầm non ở một một số địa phương phải đóng cửa suốt nhiều tháng qua. Khi giãn cách ở nhà, trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử như ipad, điện thoại, tivi nhiều hơn. 

“Theo nghiên cứu của TS. Heuvel, BV Nhi, Canada, thiết bị điện tử có thể liên quan đến khoảng 50% nguy cơ chậm nói và ít giao tiếp ở trẻ. Đây là một thực tế rất đáng báo động, nhất là trong thời điểm dịch bệnh vẫn phức tạp, chưa biết bao giờ mới kết thúc”, ông Hòa cho hay.

Chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Văn Hòa đang thăm khám, đánh giá cho một trẻ chậm nói.

Chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Văn Hòa đang thăm khám, đánh giá cho một trẻ chậm nói.

Biểu hiện trẻ chậm nói cần đi khám để can thiệp

Ông Hòa cho biết trẻ bị chậm nói thường có biểu hiện: nói không rõ lời, diễn đạt khó khăn, nói nhại lời hoặc nói lắp, nói ngược, nói ngọng. Mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ bị chậm so với cột mốc phát triển. Trẻ tới 2, 3 tuổi mà vẫn chỉ nói được 1 hoặc 2 từ đơn. 

Khi khả năng ngôn ngữ chậm dẫn tới một số kĩ năng khác của trẻ cũng bị hạn chế theo (thu mình, không muốn tiếp xúc với thế giới xung quanh, nhút nhát, không tự tin) và có thể ảnh hưởng chỉ số IQ, chỉ số cảm xúc. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ tăng động, giảm chú ý, tư duy logic ngôn ngữ của trẻ bị hạn chế, thậm chí tự kỷ.

Một lớp học đặc biệt dành riêng cho những trẻ chậm nói tại Hà Nội.

Một "lớp học" đặc biệt dành riêng cho những trẻ chậm nói tại Hà Nội.

Giải quyết vấn đề không khó nhưng phải kiên trì

Để giải quyết tình trạng chậm nói của trẻ, các chuyên gia cho biết trẻ cần phải có chế độ sinh hoạt điều độ, tăng tương tác, dinh dưỡng. Theo chuyên gia Hòa, khi trẻ 4-6 tháng tuổi, bố mẹ đã cần theo sát sự phát triển ngôn ngữ của con bởi trẻ bắt đầu ê - a, thậm chí có những trẻ ở giai đoạn này nói được những từ như “bà, mẹ, ti…”. Tuy nhiên đây là âm ngữ chứ không phải ngôn ngữ, trẻ không nói lại được khi có yêu cầu. 

Trẻ15-32 tháng tuổi, nếu có các biểu hiện chậm nói cần phải có biện pháp can thiệp phù hợp. “Nếu trẻ chậm nói, trước tiên, cần đưa trẻ đi khám sàng lọc cơ quan tiếp nhận, xử lý thông tin và sản sinh lời nói (thính giác, tai, mũi, hầu, họng, thanh quản, lưỡi) rồi sau đó kiểm tra về tâm lý của trẻ”, ông Hòa cho hay.

Việc tương tác với trẻ rất quan trọng, đặc biệt là vai trò của bố mẹ. “Bố mẹ dù biết yêu cầu của con cũng không nên đáp ứng, nên để trẻ trẻ có cơ hội đòi hỏi yêu cầu của mình qua lời nói. Thay đổi những thói quen sinh hoạt xấu như xem ti vi quá nhiều, ăn ngủ không theo thời gian nhất định, ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài…”, chuyên gia Nguyễn Văn Hòa hướng dẫn.

Ngoài tương tác, tạo lối sống lành mạnh thì bổ sung omega cũng rất quan trọng với trẻ trong giai đoạn tập nói.

Ngoài tương tác, tạo lối sống lành mạnh thì bổ sung omega cũng rất quan trọng với trẻ trong giai đoạn tập nói.

Đối với chế độ dinh dưỡng, PGS.TS Trần Đình Toán - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng cho biết dinh dưỡng có vai trò quan trọng với sự phát triển não bộ của trẻ nói chung và với bé chậm nói nói riêng.

“Ngoài việc chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng, các nhóm chất cho trẻ theo khuyến cáo của ngành dinh dưỡng, với những trẻ chậm nói, tăng động giảm chú cần bổ sung thêm omega. Đây là dưỡng chất thiết yếu cơ thể không tổng hợp được, phải bổ sung từ bên ngoài qua thực phẩm như: mỡ của cá, cá biển,… Hoặc các hạt có dầu như dầu lanh, hạt chia, hạt óc chó…”, PGS Trần Đình Toán khuyến cáo.

Một số mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ:

- 4 tháng: Đôi lúc trẻ phát ra được âm "A, Ba, Bà", nhưng khi người lớn yêu cầu nói lại thì chưa làm được.

- 8 tháng: Trẻ biết chơi phun mưa, chu môi làm xấu, đàn môi.

- 12 tháng: Trẻ bắt đầu có ngôn ngữ câu một từ "bà, ba, bi, ơi, đi, măm". 

- Ở 15 tháng tuổi, bé nói được phần lớn câu một từ khi được yêu cầu, biết giả vờ gọi điện thoại nói xì xồ. Đồng thời, biết giả vờ uống nước, giả vờ ho, hắt xì, làm tiếng các con động vật kêu. Nhiều trẻ đã có thể nói được câu 2 từ ở 16-18 tháng. 

- 20 tháng: Trẻ biết nói câu 3 từ, gọi tên phần lớn các đối tượng quen thuộc.

- 26 tháng: Phần nhiều biết gọi tên màu sắc, khối hình, biết hỏi câu hỏi ở đâu. Biết hát một số bài hát, có thể đọc một số bài thơ

- 32 tháng: Trẻ biết sử dụng câu phủ định, kết hợp danh từ với nhiều tính từ và động từ, hỏi được câu hỏi khi nào, hát biểu diễn

- 40 tháng: Trẻ biết chơi đóng vai, tự ra điều kiện trò chơi, tự tổ chức trò chơi, hỏi rất nhiều loại câu hỏi khác nhau.

Bé 9 tuổi hỏng mắt dù không xem tivi, điện thoại nhưng lại có thói quen tưởng là rất tốt
Dù không dùng thiết bị điện tử quá nhiều nhưng bé trai 9 tuổi vẫn bị cận thị sau thời gian nghỉ dịch do duy trì thói quen đọc sách không đúng cách.

Bệnh nam giới

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nuôi dạy con