Người đàn ông khỏe mạnh bỗng "đổ gục" bên máy tính, bác sĩ chỉ ra thói quen dễ dẫn tới đột quỵ của "dân văn phòng"

DIỆU THUẦN - Ngày 06/03/2024 14:37 PM (GMT+7)

Dù có cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, không sử dụng chất kích thích nhưng anh Hà vẫn bị nhồi máu cơ tim khi đang ngồi làm việc bên máy tính.

Anh Trần Huy Hà (45 tuổi), đang sinh sống và làm lập trình viên ở TP.HCM. Anh là người có cơ địa khỏe mạnh, không hút thuốc lá, không thừa cân, cũng không mắc các bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường. Tuy nhiên, vì phải làm việc trên máy tính cả ngày, anh Hà ít khi vận động.

Ngày 2/3, khi đang ngồi làm việc, anh thấy khó thở, vã mồ hôi, đau ngực từng cơn kéo dài nên được người nhà đưa đến Trung tâm Can thiệp tim mạch tại một bệnh viện tư gần nhà cấp cứu.

Anh Hà bị nhồi máu cơ tim khi đang ngồi làm việc bên máy tính. Ảnh minh họa.

Anh Hà bị nhồi máu cơ tim khi đang ngồi làm việc bên máy tính. Ảnh minh họa.

Kết quả siêu âm tim và chụp mạch vành cho thấy, chỉ số phân suất tống máu EF (Ejection Fraction) của anh Hà chỉ còn 40%, tim không còn khả năng bơm máu một cách hiệu quả để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể. Bác sĩ chuyên về tim mạch Lê Văn Tuyến chẩn đoán người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ tim), kèm suy tim cấp. “Nguồn cơn khiến người bệnh khỏe mạnh như anh Hà gặp tình trạng này là do công việc cả ngày ngồi máy tính, ít vận động, không tập thể dục”, bác sĩ Tuyến chia sẻ.

Do đó, bác sĩ Tuyến chỉ định, anh Hà cần can thiệp nong mạch ngay, nếu không sẽ khiến thất trái tê liệt, không thể đưa máu đến nuôi tim gây thiếu máu cơ tim, suy tim nặng, nguy cơ đột tử.

Bác sĩ Tuyến cho biết, sau ca phẫu thuật, anh Hà cảm thấy nhẹ ngực, dễ thở, nhịp tim ổn định. Hiện người bệnh hồi phục, sinh hoạt bình thường và đã được xuất viện.

Căn bệnh người trẻ dễ gặp nếu lười vận động

Theo Ths.BS Ngô Võ Thị Ngọc Hương, khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện 115 Nhân dân (TP.HCM), nhồi máu cơ tim (đột quỵ tim) là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm, có thể gây tổn thương tim vĩnh viễn và tử vong. 

Nhánh mạch vành bị tắc nghẽn (hình A) và sau khi được tái thông (hình B) của anh Hà.

Nhánh mạch vành bị tắc nghẽn (hình A) và sau khi được tái thông (hình B) của anh Hà.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, trong đó rất nhiều trường hợp dưới 30 tuổi.

Bác sĩ Hương cho biết, trước đây, người bị nhồi máu cơ tim thường ở tuổi trung niên thì hiện nay rất nhiều người trẻ mắc, có những trường hợp mới hơn 20 tuổi. Các nguyên nhân thường được ghi nhận chủ yếu là do thói quen sống có hút thuốc lá, thừa cân - béo phì, có hội chứng chuyển hóa, rối loạn đông máu hơn là các yếu tố kinh điển như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Ngoài ra, đáng cảnh báo là nhiều người gặp tình trạng này ở nhóm còn trẻ và đang làm các công việc liên quan tới máy tính, nghiên cứu…

Theo BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch, nhồi máu cơ tim xảy ra ở tuổi 45 như anh Hà được đánh giá là trẻ, dưới 35 tuổi là rất trẻ. “Trường hợp đột quỵ tim như anh Hà là khá đặc biệt, vì bệnh nhân còn trẻ, không có các yếu tố nguy cơ nhồi máu cơ tim. Khả năng cơn nhồi máu cơ tim bộc phát là do anh Hà duy trì lối sống tĩnh nhiều năm, không tập thể dục”, Bác sĩ Long đánh giá.

Bác sĩ Long lý giải, vận động gắng sức góp phần giúp chúng ta thấu hiểu cơ thể, bộc lộ sớm các bất thường như hụt hơi, khó thở, đau ngực… để tầm soát phát hiện sớm, tránh tình trạng mạch vành tắc nghẽn nặng đe dọa tính mạng. “Nếu ngồi lâu, ít vận động trong thời gian dài như bệnh nhân Hà, nhất là những người trẻ đang phải làm việc với máy tính, dân văn phòng... sẽ cản trở việc phát hiện sớm các tình trạng bệnh lý”, bác sĩ Long khuyến cáo.

Hơn nữa, thói quen ít vận động cũng khiến những mảng bám cholesterol dễ tích tụ trong mạch máu, đồng thời khiến máu lưu thông chậm, lắng đọng axit béo trong mạch máu, làm tắc mạch vành và gây nhồi máu cơ tim.

Theo các bác sĩ, nhiều người trẻ hiện nay bị nhồi máu cơ tim vì thói quen lười vận động, có lối sống không lành mạnh. Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, nhiều người trẻ hiện nay bị nhồi máu cơ tim vì thói quen lười vận động, có lối sống không lành mạnh. Ảnh minh họa.

 Bác sĩ Long cảnh báo, người trẻ có sức đề kháng tốt, ít bệnh lý kèm theo nên khả năng vượt qua cơn nhồi máu cơ tim tốt hơn người lớn tuổi. Tuy nhiên, điểm khác biệt là sự hình thành cục máu đông gây tắc mạch vành của người trẻ thường cấp tính và đột ngột. Còn ở người lớn tuổi, quá trình này thường kéo dài, diễn ra từ từ, giúp trái tim dần thích nghi. Do đó, rủi ro gặp phải biến chứng sau nhồi máu cơ tim cấp ở người lớn tuổi ít hơn so với người trẻ. 

Theo bác sĩ Hương, nếu không muốn bị cơn nhồi máu cơ tim ập đến, chúng ta cần xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và thường xuyên khám, xét nghiệm định kỳ.

“Trong trường hợp bị nhồi máu cơ tim, người bệnh cần nhớ triệu chứng điển hình là đau thắt ngực, cảm giác giống như lồng ngực bị bóp, siết hoặc đá đè trên ngực. Cơn đau có thể ở vị trí lồng ngực hoặc lan rộng sang tay trái, lan tới cằm, kèm theo vã mồ hôi, khó thở, kéo dài 20-30 phút, thậm chí vài giờ. Ngoài ra, triệu chứng còn là loạn nhịp tim, chướng bụng, buồn nôn và ói mửa, tụt huyết áp, mặt tái và nhợt nhạt”, bác sĩ Long cảnh báo.

Theo các bác sĩ, thời gian vàng cấp cứu nhồi máu cơ tim là trong vòng 24 giờ đầu tiên từ khi khởi phát triệu chứng đau ngực. Thời gian tốt nhất để tái thông mạch vành là trong 12 giờ đầu tiên từ khi khởi phát triệu chứng đau ngực. 

“Tái thông mạch máu nuôi tim càng sớm thì hiệu quả càng cao. Vì thế, khi nghi ngờ một người bị nhồi máu cơ tim, cần khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất, không trì hoãn để tránh các hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Tuyến nhấn mạnh. 

* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.

Hy hữu: Bố và con trai cùng bị nhồi máu cơ tim một ngày, gia đình tiết lộ họ cùng chung một thói quen không tốt này
Trong cùng một ngày, cả hai bố con đều xuất hiện dấu hiệu đau ngực trái kèm khó thở, vã mồ hôi và được bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp.

Thói quen có hại

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhồi máu cơ tim