Hay la hét vào ban đêm, người phụ nữ tưởng điên, nào ngờ mắc căn bệnh "lơ là một phút hối hận cả đời"

DIỆU THUẦN - Ngày 09/08/2024 07:07 AM (GMT+7)

Có tiền sử bị bệnh tim mạch, nhưng vì chủ quan, một phần kinh tế gia đình khó khăn, bà Mai không đi điều trị, làm bệnh tình ngày một nặng hơn.

Mới đây, Bệnh viện TP Thủ Đức đã chia sẻ lá thư tay của bà Nguyễn Ngọc Mai (66 tuổi, ở TP Thủ Đức) gửi đến để cảm ơn các y bác sĩ của bệnh viện đã điều trị căn bệnh suy tim cho mình. 

Bà Mai từng có tiền sử suy tim EF (phân suất tống máu) giảm, rung nhĩ mạn. Nhưng vì chủ quan, một phần kinh tế gia đình khó khăn, bà không điều trị. Khoảng một năm qua, bà có nhiều biểu hiện kích động, la hét vào ban đêm và thường xuyên bị sốt nhẹ không rõ nhiệt độ. Vì điều này, nhiều người nghĩ bà bị điên hay mắc bệnh thần kinh. 

Ngày 22/4, bà Mai bị sốt cao không hạ, kèm dịch chảy từ vết loét mới được người nhà đưa đến Bệnh viện TP Thủ Đức khám. Từ các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán, bà bị suy tim, kèm huyết áp cao. Bà được điều trị bằng nội khoa kháng sinh, kiểm soát huyết áp, suy tim, dinh dưỡng và chăm sóc vết loét.

Sau 2 tuần điều trị, sức khỏe bà hồi phục và được xuất viện. “Tôi khỏi bệnh ngoài sự chăm sóc của người nhà còn nhờ công rất lớn của các y bác sĩ trong bệnh viện”, bà Mai viết trong thư cảm ơn.

Phù nề chân là một trong các dấu hiệu của bệnh suy tim. Ảnh minh họa.

Phù nề chân là một trong các dấu hiệu của bệnh suy tim. Ảnh minh họa.  

Theo bác sĩ Lương Hải Đăng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tim có chức năng quan trọng đó là bơm máu để nuôi cả cơ thể. Nhưng nó phải bơm theo chu kỳ và lượng máu được bơm phải đủ lớn để đảm bảo cơ thể hoạt động bình thường. Ở một người khỏe mạnh, chỉ số EF thường nằm trong khoảng 50 - 70%. Khi phân suất tống máu cao trên 75%, bạn có thể đang mắc chứng cơ tim phì đại, dẫn đến công bơm máu của tim tăng cao. 

Còn nếu phân suất tống máu thấp dưới 50% là báo hiệu chức năng bơm máu của tim suy giảm, tim không còn khả năng bơm máu đủ với nhu cầu của cơ thể. Trường hợp này, nếu không phát hiện và điều trị sẽ rất dễ dẫn đến suy tim, đe dọa tính mạng.

Nguyên nhân khiến một người dễ mắc suy tim EF ngoài có các bệnh lý về tim mạch còn có các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, bệnh động mạch vành…

Bác sĩ Đăng khuyến cáo, khi có các biểu hiện: nhịp tim bất thường, khó thở khi gắng sức, mệt, giảm khả năng gắng sức, phù nhẹ mắt cá chân… mọi người nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Suy tim