GiadinhNet - Nhiều người tranh thủ ngày Tết ngủ bù cho những ngày giáp Tết làm việc cật lực mà sinh ra nặng đầu, mỏi mệt, đau cổ vai gáy. GiadinhNet xin giới thiệu bài viết của Lương y Quốc gia Phạm Anh Đào hướng dẫn cách đánh bay sự khó chịu này.
Năm nay chị Trần Thị Hoa (Hà Nam) được về ngoại ăn Tết với bố mẹ ở thành phố. Chị xin nghỉ phép để cùng hai con về sớm lo Tết, còn chồng chị mùng 2 Tết sẽ về ngoại cùng chung vui sau.
Lâu rồi ba mẹ con mới về ngoại nên cả nhà vui lắm. Sau khi tắm rửa chị và các con vào phòng nghỉ ngơi và ngủ một mạch tới sẩm tối mới giật mình thức dậy. Chị vội xuống bếp đã thấy mẹ nấu nướng xong rồi, ba mẹ con chỉ việc mời bố cùng vào mâm. Chị trách mẹ không gọi mình dậy nấu ăn, mẹ cười đáp 7 năm ăn Tết nhà chồng mệt mỏi rồi, giờ về nhà đẻ thì tranh thủ nghỉ ngơi cho thoài mái. Làm bữa cơm đón con cháu mình mẹ làm là đủ, đó cũng là niềm vui của mẹ.
Nghe mẹ nói chị thấy cay cay khóe mắt. Hơn 20 năm bố mẹ nuôi con gái, lo cho ăn học đàng hoàng… rồi chị lấy chồng xa là bố mẹ như mất con luôn bởi chẳng dễ gì chị được về nhà ngoại ăn Tết. Tết nào chị cũng hùng hục lo cỗ bàn truyền thống để nhà chồng thắp hương, đãi họ hàng từ chiều 30 và mấy ngày Tết đủ nghi thức cổ truyền. Đến khi xong xuôi thì đã hết vèo mấy ngày Tết, chị chả được vui chơi, nghỉ ngơi ngày nào.
Chị Hoa đưa mẹ 5 triệu và nói sáng mai đưa mẹ đi sắm đồ Tết. Mẹ cười bảo rằng ở thành phố chả thiếu thứ gì. Bánh chưng với giò, chả mẹ đã đặt, 29 Tết người bán ship tới tận nhà. Nem rán, xốt vang, gà hầm... đổi món cho đỡ ngán mẹ đã chuẩn bị hết rồi, tới 29 - 30 nấu lên rồi chia ra các tủi nhỏ, những ngày Tết thì ăn tới đâu mở túi tới đó. Cả nhà "ăn ít chơi nhiều" mới đúng là Tết.
Ngủ quá nhiều sẽ nặng đầu, đau cổ vai gáy. Ảnh minh họa.
Nghe mẹ đẻ nói, chị Hoa sung sướng vì năm nay có được một cái Tết nhàn nhã, ăn mặc sang chảnh đi chơi Tết, ngủ nghỉ thoái mái, đi chơi vô tư, không phải túc trực cỗ bàn gì cả. Chị nhủ thầm từ Tết sang năm sẽ dần đặt cỗ Tết ở nhà chồng để bớt vất vả.
Ai dè chị ăn chơi ngủ nghỉ cho đã đôi mắt thì tới chiều 30 sau giấc ngủ trưa dậy chị có cảm giác nặng đầu, mỏi cổ vai gáy. Tưởng ăn uống vận động đi lại chút sẽ đỡ đau, ai dè tới tối thì đau cổ vai gáy, đau cả lưng và mỏi mệt hơn.
Vì đang có dịch bệnh, lại sắp đón giao thừa nên chị Hoa không vào viện, mà được mẹ dẫn sang nhà tôi để chữa bệnh. Sau khi hỏi han, thăm khám tôi bảo do chị Hoa nằm ngủ nhiều quá mức (bình thường ngủ chỉ 7 - 8 tiếng ban đêm và khoảng 30 – 60 phút buổi trưa), nên trung khu thần kinh bị ức chế, lượng máu lên não giảm xuống, sự trao đổi chất trong cơ thể chậm lại... nên khi dậy thấy mệt mỏi, đau nhức đầu và chóng mặt. Chưa kể nếu nằm ngủ sai tư thế (như ngủ không kê gối, nằm gối quá cứng, gối quá cao, đầu không thẳng với cổ, nằm nghiêng một bên, hoặc nằm úp sấp mặt một chỗ mà không thay đổi tư thế...) nên ngủ dậy bị đau đầu, cổ vai gáy và mệt mỏi.
Tôi chữa cho chị Hoa, dặn chị ngày Tết nhiều thời gian nhưng cần vận động bình thường, đừng nằm ngủ quá nhiều. Nếu sau này thấy có bị đau đầu, nặng đầu sau khi ngủ dậy cần tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp khắc phục ngủ đúng cách và hiệu quả, nâng cao chất lượng giấc ngủ. Dù Tết cũng chỉ ngủ trưa chỉ từ 15-30 phút để tránh tình trạng đau đầu. Cần loại bỏ các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, socola, thuốc lá, và các loại thực phẩm được chế biến sẵn.
Sau này nếu hay bị nặng đầu, đau đầu sau khi ngủ dậy – nhất là sau giấc ngủ trưa thì nên ăn các thực phẩm có thể giúp cải thiện tình trạng đau đầu như: Cải bó xôi (giàu riboflavin - loại vitamin B rất tốt để ngừa đau đầu), các loại ngũ cốc (rất giàu magie có tác dụng làm dịu cơn đau đầu), sữa và các chế phẩm từ sữa (có các chất giúp não giảm các cơn đau đầu), các loại cá hồi, cá nục, cá ngừ... giàu omega-3 kháng viêm, cải thiện chứng đau đầu).
Hoặc mát xa cải thiện đau đầu, nặng đầu sau khi ngủ dậy bằng cách day ấn vào huyệt Thái dương làm dịu các cơn đau đầu sau khi ngủ dậy, giúp cho thần kinh được thư giãn, máu được lưu thông.
3 củ gừng nướng chữa chứng đau đầu, nặng đầu sau khi ngủ dậy sau 5 phút. Ảnh minh họa.
Ngoài ra tôi hướng dẫn cho chị Hoa bài thuốc tự chữa chứng đau đầu, nặng đầu sau khi ngủ dậy như sau:
Nguyên liệu
- 3 củ gừng
- 1 bát rượu trắng nguyên chất
- 1 bình thủy tinh.
Cách làm
3 củ gừng để nguyên cả vỏ, nướng trên bếp, hoặc bếp than củi cho đến khi lớp vỏ ngoài đen hết thì lấy xuống.
Đem cả 3 củ gừng nguyên vỏ cháy sém đó vào và giã nát, rồi đổ vào lọ thủy tinh ngâm cùng rượu trắng.
Ngâm hỗn hợp trong 15 ngày.
Hàng ngày người bị đau lưng, đau cổ vai gáy chỉ cần đổ rượu gừng ra và xoa bóp lên vùng đau lưng, mỏi cổ vai gáy khoảng 15 phút sẽ thấy giảm đau ngay.
Tuy bài thuốc dùng chữa đau cổ vai gáy, nặng đầu, nhưng bài thuốc này còn dùng chữa bệnh đau xương khớp rất hiệu quả. Những người bệnh đau xương khớp nặng dùng khoảng 1 tháng, người bệnh nhẹ chỉ cần khoảng 1 tuần sẽ hết đau nhức, khó chịu.
Chiết xuất giảm đau từ gừng cùng tinh dầu chống viêm của chúng sau khi được nướng nóng sẽ phát huy công dụng giảm đau gấp 3 lần bình thường. Vì thế bài thuốc gừng nướng được nhiều người bệnh tin tưởng sử dụng hơn vì hiệu quả chúng đem đến.
Nếu cơn đau đầu sau này ảnh hướng tới công việc, cuộc sống, thì cần đến ngay các phòng khám chuyên khoa thần kinh để tìm ra nguyên nhân, cũng như có được biện pháp điều trị bệnh kịp thời.