Không chỉ những vụ việc thương tâm khi bị chó tấn công, việc nuôi thú cưng mà cụ thể là chó mèo còn đối mặt với nguy cơ kép khác đó là bệnh dại và bệnh liên quan đến ký sinh trùng.
Nuôi thú cưng cũng có nguy cơ mắc bệnh
“Không có nước nào chết vì bệnh dại nhiều như Việt Nam" đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi nhận định về tình hình bệnh dại tại Việt Nam. Ông Long dẫn chứng, chỉ chưa đầy 3 tháng đầu năm, có đến 27 người chết vì bệnh dại. Tính từ năm 2013 đến nay, có 887 ca tử vong vì bệnh dại. Theo ông Long, mặc dù vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó mèo luôn được cung ứng đầy đủ, nhưng tỷ lệ tiêm phòng còn rất thấp và đó là nguyên nhân khiến nhiều người tử vong vì bệnh dại.
Bệnh dại là bệnh do virus lây truyền từ động vật sang người, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương nhưng có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, bệnh dại gần như gây tử vong 100%. Trong 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân truyền virus dại sang người.
Đôi khi những hành động vô tình khi chơi với thú cưng cũng làm lây virus dại. Ảnh minh họa.
Virus dại lây lan sang người và động vật qua nước bọt, thường là qua vết cắn, vết trầy xước hoặc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (ví dụ như mắt, miệng hoặc vết thương hở). Vì thế, việc nuôi thú cưng dù chúng không cắn chủ nhưng nếu dịch tiết nước bọt có virus dại dính vào viết thương hở vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Do vậy, để phòng bệnh thì tiêm vắc xin phòng dại là điều cần thiết. Đây là loại vắc xin được sản xuất từ virus dại đã bất hoạt, do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác.
Bệnh bùng nổ do nuôi thú cưng
TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, mỗi năm, có hàng chục nghìn người Việt phải nhập viện vì bệnh lý do các loại giun sán. Đáng chú ý, việc gia tăng nuôi chó mèo làm thú cưng đã khiến bệnh giun đũa chó mèo đang bùng nổ. “Những người thường xuyên ôm ấp thú cưng, ngủ cùng thú cưng sẽ dễ nuốt phải trứng giun đũa chó mèo và mắc bệnh", TS Cảnh thông tin.
TS Hoàng Đình Cảnh cảnh báo, bệnh giun đũa chó mèo đang bùng nổ vì nuôi thú cưng.
Riêng tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (bệnh viện chuyên khoa điều trị về bệnh ký sinh trùng, côn trùng), trong năm 2023 đã điều trị 15.527 bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó mèo. Ước tính cả nước có 30.000 người bị bệnh do nhiễm giun đũa chó, mèo tại các cơ sở y tế.
Theo ông Cảnh, giun đũa chó, mèo (toxocara canis) khi trên vật chủ (sống trong ruột chó, mèo) sẽ đẻ trứng. Trứng giun theo phân ra ngoài môi trường, con người có thể nuốt phải trứng này do quá trình ăn uống vệ sinh cá nhân không đảm bảo, do ôm ấp thú cưng. Sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh.
Theo khuyến cáo của Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng T.Ư, để phòng nhiễm sán, người dân cần ăn chín, không ăn đồ tái sống. Với người nuôi thú cưng, cần tẩy sạch giun cho vật nuôi và đặc biệt là quản lý tốt phân từ chúng, bởi đây là nguồn chứa trứng giun đũa. Nếu vệ sinh không sạch sẽ, người nuôi rất dễ nhiễm trứng giun.
Việc nuôi thú cưng không có tiêm phòng, không rọ mõm rất nguy hiểm. Ảnh minh họa.
Một vấn đề nữa cũng đáng cảnh báo, là tình trạng nhiều người, nhất là trẻ nhỏ bị chó tấn công phải nhập viện trong tình trạng thương tâm. "Ở Hà Nội, ngay tại chung cư tôi đang sống, vẫn có nhiều chó mèo không rọ mõm, chạy lung tung", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ sự lo ngại.
Bà Hương đề xuất, để giải quyết được vấn đề dịch bệnh do chó mèo gây nên, cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức khi nuôi chó mèo: Chủ động tiêm phòng, tẩy giun sán cho vật nuôi, thú nuôi khi ra đường cần được đeo rọ mõ bảo vệ...