Các thực phẩm giàu tinh bột như cơm, mì, bánh mì, khoai tây,... vốn rất quen thuộc và cần thiết trong chế độ ăn hàng ngày nhưng đừng lạm dụng kẻo sẽ tổn hại đến gan.
Mì hay bánh mì là những món ăn không hề xa lạ và được nhiều người sử dụng, thậm chí còn ăn hàng ngày vào các bữa chính. Tuy nhiên nếu thường xuyên ăn những thực phẩm này, liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không?
Bác sĩ chuyên khoa gan mật và tiêu hóa người Đài Loan Chen Bingjian mới đây đã chia sẻ trong chương trình y tế "Doctor is Hot" về một bệnh nhân là kỹ sư cao 1m68 nhưng nặng hơn 90kg.
Khi nam bệnh nhân đi khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ Chen Bingjian đã rất bất ngờ khi người đàn ông bị gan nhiễm mỡ rất nặng, gần như không thể nhìn rõ lá gan. Không chỉ vậy, chức năng gan vượt quá tiêu chuẩn bình thường gấp 5 lần, cholesterol và huyết sắc tố glycosyl hóa cũng vượt quá tiêu chuẩn, thuộc giai đoạn tiền đái tháo đường.
Người đàn ông thường xuyên ăn mì và bánh mì 3 bữa hàng ngày. (Ảnh minh họa)
Qua thăm hỏi mới biết nam bệnh nhân do công việc quá bận rộn, phải làm 3 ca mỗi ngày nên không có thời gian nấu nướng, thường chỉ ăn mì hoặc bánh mì thay cơm. Vì không thấy cơ thể có biểu hiện gì quá bất thường nên anh cũng chẳng chủ động đi khám cho tới khi công ty cho đi khám sức khỏe định kỳ mới biết bản thân đã mắc bệnh.
Thói quen ăn uống kiểu này khiến bác sĩ Chen Bingjian không thể chấp nhận được. Bác sĩ giải thích rằng chế độ ăn uống quá nhiều carbohydrate và protein có thể được chuyển đổi thành chất béo trung tính. Chúng được lưu trữ trong các tế bào mỡ và có thể được tích tụ trong gan. Kháng insulin có thể dẫn đến tăng chất béo trung tính và tăng hấp thu axit béo trong gan, gây tích tụ thêm chất béo trung tính ở gan. Hơn nữa ăn như vậy sẽ dẫn đến béo phì kéo theo trào ngược dạ dày.
Để điều trị hiệu quả, bác sĩ Chen Bingjian ngoài kê thuốc bảo vệ gan, hạ đường huyết còn yêu cầu nam bệnh nhân phải giảm cân. Sau khi giảm 5,6kg và uống thuốc đều đặn, chức năng gan của người đàn ông đã dần cải thiện.
Bác sĩ cảnh báo khi gan chứa quá nhiều chất béo sẽ hình thành chứng viêm mãn tính, dẫn tới xơ gan và cuối cùng là ung thư gan. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Chen Bingjian cũng cảnh báo một khi gan có quá nhiều chất béo sẽ hình thành chứng viêm mãn tính, sau đó sẽ biến chứng thành viêm gan và xơ gan, có thể dẫn đến nguy cơ ung thư gan. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ như nghiện rượu, béo phì, thuốc và cả virus cũng có thể khiến bạn bị gan nhiễm mỡ.
Tuy nhiên, tại phòng khám ngoại trú, bác sĩ Chen Bingjian cho biết có nhiều người dù gầy nhưng vẫn bị gan nhiễm mỡ và họ đều có chung thói quen là tiêu thụ quá nhiều đồ ăn nhiều đường. Vì đường phải đi vào gan trước, một khi dư thừa quá mức gan có thể không chuyển hóa được và hình thành gan nhiễm mỡ, vì vậy cần cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ bất kể béo hay gầy.
Cải thiện gan nhiễm mỡ như thế nào? Bác sĩ Chen Bingjian giải thích rằng cách dễ nhất là tránh ăn quá nhiều thực phẩm nhiều đường, tăng cường vận động, thông qua quá trình trao đổi chất của cơ bắp, ngăn chặn lượng đường trong máu liên tục tích tụ trong gan.
Khi duy trì thói quen tập thể dục, lưu lượng máu trong cơ bắp tăng lên, khối lượng cơ bắp tăng lên, đường và chất béo ăn vào dễ dàng được chuyển hóa. Vì vậy, bác sĩ luôn nhắc nhở các bệnh nhân cách tốt nhất để duy trì sức khỏe là tập thể dục nhiều hơn.
Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng rất quan trọng với người mắc gan nhiễm mỡ. Họ nên hạn chế ăn thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, cơm trắng, bánh mì… vì đây là những thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột. Khi chức năng gan bị suy giảm¸ lượng carbohydrate dư thừa sẽ không được chuyển hóa hết tạo thành gánh nặng cho gan. Lúc này, nên thay thế các loại tinh bột như cơm trắng, bún, phở, bánh mì ăn thường xuyên bằng gạo lứt, bánh mì nguyên cám...
Nên tăng cường bổ sung rau xanh chứa nhiều vitamin và chất xơ, có tác dụng kích thích nhu động ruột, giảm nguy cơ táo bón và hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch. Nguồn vitamin A và vitamin E dồi dào trong rau quả có thể làm giảm nguy cơ tích tụ mỡ trong gan.