Người nhiễm HIV đang ngày càng trẻ hóa, số lượng người đồng giới mắc bệnh gia tăng

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 10/11/2023 08:30 AM (GMT+7)

Nếu như trước đây, tỉ lệ người mắc HIV lây qua đường tiêm chích chiếm tỉ lệ khá nhiều, thì hiện nay số người mắc bệnh lây qua quan hệ tình dục đồng giới gia tăng mạnh.

Đó là những thông tin được các chuyên gia Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cung cấp nhân Tháng Hành động quốc gia, phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS.

Theo ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, nước ta đang đứng trước nhiều thách thức trong phòng chống căn bệnh này, đặc biệt là sự dịch chuyển về đường lây bệnh, cũng như tỉ lệ trẻ hóa của người nhiễm HIV.

Trong 9 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 10.200 ca mắc mới, trong đó có tới 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP.HCM. Hiện ước tính, cả nước có khoảng 249.000 người nhiễm HIV. Con đường lây nhiễm bệnh cũng có sự thay đổi, trước đây đường lây truyền chủ yếu qua máu, nay dịch chuyển sang đường lây truyền qua quan hệ tình dục.

Về sự trẻ hóa của người mắc HIV, ông Bùi Hoàng Đức - Phó trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, người mắc bệnh ở nhóm tuổi 16-29 tăng từ 37,2% năm 2019 lên 48,7% năm 2022. Trong 9 tháng đầu năm ghi nhận 47,3% người nhiễm ở độ tuổi này.

Nhóm nam giới đồng tính mắc HIV đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Ảnh minh họa.

Nhóm nam giới đồng tính mắc HIV đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Ảnh minh họa. 

Theo ông Đức, việc tiếp cận nhóm nhiễm HIV cũng không dễ dàng, vì vẫn còn nhiều rào cản về mặt xã hội, đặc biệt là tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn trong cộng đồng. Trong khi đó, những người đồng giới thường chỉ ở trong một nhóm hoặc cộng đồng nhất định nên khả năng lây nhiễm càng cao. Đặc biệt là tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex (sử dụng chất khi quan hệ), quan hệ tập thể… khiến nguy cơ nhiễm bệnh càng tăng.

Để tiếp cận với những nhóm nhiễm HIV mới, nhiều tổ chức xã hội cũng tổ chức các chương trình truyền thông, tư vấn HIV. Trong đó, có nhóm cộng đồng người chuyển giới nữ (VENUS), hay các phòng khám dành cho cộng đồng LGBT, cung cấp PrEp (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV),… giúp những người trong cộng đồng nguy cơ cao như MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế.

Các chuyên gia cũng cho biết, hiện nay HIV không còn là “án tử” như trước đây, mà người mắc hoàn toàn có thể chung sống trong cộng đồng nếu tuân thủ điều trị. Thống kê cho thấy, năm 2022, việc điều trị gia tăng và giảm được người nhiễm HIV tại Việt Nam, đây là tín hiệu đáng mừng và Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, theo các báo cáo cho thấy vẫn còn 10% người nhiễm HIV bị kỳ thị trong cộng đồng. Chính sự kỳ thị dai dẳng ấy sẽ là rào cản để Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt HIV. Do vậy, chúng ta cần thay đổi nhận thức của cộng đồng trong thời gian tới.

Ngoài điều trị dự phòng, Cục phòng, chống HIV/AIDS cũng khuyến cáo các giải pháp song song khác như sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch, tăng cường nhận thức về phòng, chống HIV để tránh lây nhiễm.

Xôn xao bé 2 tuổi ở Hà Nội nhiễm HIV vì mẹ xin sữa ngoài, BS nói một câu khiến nhiều người thở phào
Các chuyên gia cho rằng, về lý thuyết HIV có thể lây qua sữa mẹ nhưng thực tế việc này không dễ, nhất là trong thời đại “quý con hơn vàng” như hiện...

Bệnh HIV

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh HIV