Ở Mauritania, các cô gái trẻ bị ép ăn một cách dã man với chế độ ăn lên tới 16.000 calo mỗi ngày - gấp hơn 4 lần so với một nam lực sĩ - tất cả chỉ vì cái đẹp và việc kết hôn.
Không biết bắt đầu từ bao giờ, trong mắt của nhiều phụ nữ, gầy mới là đẹp nên họ luôn cố gắng nỗ lực để bản thân thật gầy. Chính vì vậy, giảm cân đã trở thành xu thế làm đẹp của hầu hết các chị em và cả nam giới. Nhiều người sẵn sàng dùng những hình thức cực đoan để ép cân.
Tuy nhiên ở châu Phi, có một đất nước có tiêu chuẩn về cái đẹp khác biệt hoàn toàn, họ cho rằng càng béo mới càng đẹp, đó là quốc gia Mauritania. Nhưng điều đáng sợ hơn là quan điểm về béo và cách để trở thành "mỹ nữ vạn người mê" của đất nước này lại không hề bình thường.
Người phụ nữ nặng 300kg được vinh danh đệ nhất mỹ nhân
Nước Cộng hòa Hồi giáo Mauritanie, gọi tắt là Mauritanie, nằm ở phía tây bắc châu Phi, có diện tích 1.030.700 km², trong đó 2/3 là sa mạc, là một trong những khu vực kém phát triển nhất thế giới. Đồng thời, Mauritania cũng là quốc gia cuối cùng trên thế giới bãi bỏ chế độ nô lệ (2007).
Tuy nhiên, dù chính phủ đã nhiều lần ban hành luật bãi bỏ chế độ nô lệ nhưng đáng tiếc rằng 10%-20% dân số nước này vẫn là nô lệ, người dân thường không được ăn nên tiêu chuẩn thẩm mỹ “béo là đẹp” đã ra đời.
Cô Susan nặng tới 300kg, đã đẻ 6 con nhưng vẫn khiến đàn ông mê đắm.
Susan được mệnh danh là đệ nhất mỹ nhân ở Mauritanie dù nặng tới 300kg. Từ khi còn nhỏ, cô bị gia đình ép ăn rất nhiều, hàng ngày chỉ ngủ và ăn, không tập thể dục hay làm việc. Khi Susan 20 tuổi, cân nặng của cô đã đạt 200kg và ngày càng ăn nhiều. Dựa vào lợi thế cân nặng phi thường của mình, Susan đã được rất nhiều người theo đuổi.
Điều đặc biệt là mặc dù đã sinh đến 6 người con nhưng thân hình của cô vẫn hấp dẫn các chàng trai tại đất nước này.
Nghe qua thì có vẻ như cuộc sống của Susan quả thực rất tuyệt vời nhưng thực tế phía sau "vẻ đẹp ngàn cân" ấy lại là một thực tế tàn khốc về quá trình theo đuổi ngoại hình béo đẹp.
Phụ nữ càng béo càng đẹp, chứng tỏ gia đình giàu có
Trong lịch sử, người Moor của Mauritania, chiếm 2/3 trong tổng số 3,1 triệu người của đất nước, quan niệm rằng nếu một người phụ nữ mập mạp nghĩa là gia đình cô ta giàu có, có của ăn của để, thậm chí còn là biểu tượng của địa vị xã hội nên ai cũng đổ xô muốn cưới cô gái như vậy. Còn những phụ nữ gầy gò là dấu hiệu của sự nghèo đói, gia đình không đủ khả năng nuôi sống cô ấy. Vì vậy quan niệm “càng béo càng xinh, càng nổi tiếng” được sinh ra.
Kết quả là những cô gái ở đây được vỗ béo ngay từ khi còn nhỏ để chứng tỏ sự giàu có và thu hút nhiều đối tác tiềm năng hơn. Và để có thể đạt được tiêu chuẩn béo đẹp mà những hành vi ép ăn cực đoan đã ra đời.
Phương pháp leblouh được áp dụng với phụ nữ Mauritanie thực chất là quá trình biến họ thành người béo phì.
Theo đó, có một phương thức "làm đẹp" của người dân Mauritanie gọi là “leblouh” hay “gavage”, một thuật ngữ tiếng Pháp chỉ quá trình vỗ béo ngỗng để sản xuất gan ngỗng. Đây thực chất là quá trình vỗ béo phụ nữ và thậm chí có những người chuyên làm nghề ép người khác tăng cân.
Quá trình leblouh này đã được tiến hành ngay từ khi các bé gái mới 5 tuổi. Những đứa trẻ sẽ được gửi đến những "trại hè vỗ béo", nơi chúng được ăn những thức ăn giàu calo như sữa lạc đà, sữa dê, đồng thời ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo và calo. Có lúc lượng calo tiêu thụ lên tới 16.000 calo (một người trưởng thành được khuyến cáo tiêu thụ 1.500 calo mỗi ngày).
Nếu không đến đó thì dù ở nhà, những bé gái cũng bị mẹ áp dụng leblouh. Trong bộ phim tài liệu Unreported World năm 2018, phóng viên Sahar Zand đã tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của phương pháp này. Theo Zand, khoảng 25% phụ nữ Mauritanie chịu đựng leblouh, nhưng tỷ lệ này có thể lên tới 75% ở các vùng nông thôn.
Các cô gái sẽ bị ép ăn thật nhiều những thực phẩm giàu calo, có lúc một ngày tiêu thụ tới 16.000 calo.
Theo chân một nhóm dân du mục đang thực hiện leblouh với 2 cô gái trẻ, Zand đã chứng kiến họ ăn một bữa sáng 3.000 calo, bữa trưa 4.000 calo và bữa tối 2.000 calo. Mỗi bữa có thể mất 2 tiếng để ăn. Và có thời điểm, các cô gái sẽ tiêu thụ 16.000 calo mỗi ngày.
Mặc dù hành vi ép ăn uống này thật sự kinh khủng nhưng theo quan niệm của người dân nơi đây, việc ép buộc con gái thực hiện leblouh là một hành động yêu thương. Chia sẻ về lý do tại sao các bà mẹ có thể hành hạ con gái mình để ép buộc họ phải ăn, Zand cho biết: “Đây là một xã hội mà sức mạnh lớn nhất của phụ nữ là xinh đẹp, và để đẹp thì bạn phải béo”.
Để ép các bé gái hay các cô gái phải ăn số lượng thực phẩm lớn như vậy, cha mẹ hoặc chính những người làm nghề "vỗ béo" sẽ sử dụng những hình phạt như kéo tai, véo đùi trong, bẻ ngón tay, hay đánh đập để ép họ ăn hết phần ăn của mình. Vì mong đạt được mục tiêu tăng cân, một số kẻ ép ăn còn chuyển từ sử dụng sữa lạc đà sang hóa chất vỗ béo động vật dùng cho các cô gái.
Từ khi 5 tuổi, các bé gái đã bị ép ăn và nếu không ăn hết, chúng sẽ bị trừng phạt đau đớn.
Hậu quả sức khỏe lâu dài của Leblouh
Quá trình ép ăn tàn khốc của người dân Mauritania và quan niệm béo đẹp đã dẫn tới việc phụ nữ ở đây bị rơi vào tình trạng béo phì. Và béo phì chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và sinh hoạt khó khăn.
Như trường hợp của "mỹ nhân" Susan kể trên, cân nặng quá khổ đã mang đến rất nhiều phiền toái cho cô, chẳng hạn như cô chỉ có thể chống gậy khi đi lại, rất khó để tự chăm sóc bản thân. Đồng thời cô còn mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tim mạch, và tình trạng thể chất cũng rất kém.
Trước tình hình đó, chồng cô và các thành viên trong gia đình vẫn tiếp tục cho cô ăn. Để tránh người khác “thèm vợ” mình, chồng không cho Susan ra ngoài nên cô chỉ ở nhà.
Cô Susan vì quá béo nên phải chống gậy mới có thể đi lại được.
Bác sĩ Mohammed Ould Madene, một chuyên gia y tế khẩn cấp ở trung tâm thành phố Nouakchott cho biết, béo phì là một vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng ở Mauritania. Ông lo lắng về số lượng bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim và trầm cảm sẽ ngày càng nhiều vì béo phì.
Bác sĩ Mohammed Ould Madene nhớ lại một bệnh nhân mà mình từng điều trị: “Cô bé mới 14 tuổi, nhưng cơ thể to lớn đến nỗi tim bị ép đến mức muốn hỏng".
Thực tế y học hiện đại đã chứng minh sống chung với béo phì có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe từ nhẹ đến nặng. Các vấn đề sức khỏe trong sinh hoạt hàng ngày như:
- Khó thở
- Tăng tiết mồ hôi
- Ngáy
- Khó khăn khi thực hiện các hoạt động thể chất
- Thường cảm thấy rất mệt mỏi
- Đau khớp và lưng.
Các vấn đề tâm lý liên quan đến bệnh béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với gia đình và bạn bè, từ đó dễ dẫn đến trầm cảm .
Ngoài ra, béo phì cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển nhiều tình trạng sức khỏe nghiêm trọng tiềm ẩn, bao gồm:
- Bệnh tiểu đường tuýp 2
- Huyết áp cao
- Cholesterol cao và xơ vữa động mạch, có thể dẫn đến bệnh tim mạch vành và đột quỵ
- Hen suyễn
- Hội chứng chuyển hóa
- Ung thư bao gồm ung thư ruột, ung thư vú và ung thư tử cung
- Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GORD)
- Sỏi mật
- Giảm khả năng sinh sản
- Viêm xương khớp
- Chứng ngưng thở khi ngủ
- Bệnh gan và bệnh thận
- Các biến chứng khi mang thai, chẳng hạn như bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc tiền sản giật
- Béo phì cũng làm giảm tuổi thọ trung bình từ 3 đến 10 năm, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng.