Định tần sống thọ tới 97 tuổi, trở thành phi tần có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử nhà Thanh, có một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn với con cháu sum vầy.
Vào thời Khang Hy đế nhà Thanh, có một vị Phi tần vô cùng đặc biệt. Bà là Định tần, tên thật Vạn Lưu Cáp Thị (1661-1757) sinh vào thời Thuận Trị, làm Tần thời Khang Hy, làm Phi thời Ung Chính, bà qua đời vào ngày 7 tháng 4 năm Càn Long thứ 22. Bà sống qua 4 đời đế vương, thọ tới 97 tuổi và trở thành phi tần thọ nhất trong 300 năm lịch sử nhà Thanh.
Bí quyết sống thọ của Vạn Lưu Cáp Thị?
Vạn Lưu Cáp Thị sống thọ tới 97 tuổi. (Ảnh minh họa)
Nhiều người sẽ thắc mắc, trong số tất cả các phi tần của Khang Hy, tại sao chỉ có Vạn Lưu Cáp Thị là có thể sống trường thọ như vậy?
Xuất thân của Vạn Lưu Cáp Thị không hề cao, gia tộc bà thuộc tầng lớp Bao y, nhiều đời làm việc tại nhà bếp trong Hoàng cung. Năm 14 tuổi, Nội vụ phủ chọn Vạn Lưu Cáp Thị tham gia tuyển tú, bà nhập cung và trở thành quan nữ tử. Với dung mạo vượt trội so với các cung nữ khác nên bà đã được Hoàng đế Khang Hy sủng hạnh.
Thời kỳ đầu của nhà Thanh, trong hậu cung chưa có hệ thống phân vị cụ thể, chính vì thế bà chỉ nhận được danh hiệu Thứ phi và không có phong hiệu chính thức. Vào năm Khang Hy thứ 24, Vạn Lưu Cáp Thị 26 tuổi đã hạ sinh một vị hoàng tử, xếp thứ 12 và đặt tên là Dận Đào.
Khi Vạn Lưu Cáp Thị đang chìm đắm trong niềm vui được làm mẹ, thì Hoàng đế đột nhiên ra lệnh giao lại con trai của bà cho Tô Ma Lạt Cô chăm sóc. Bởi vì trong hậu cung lúc bấy giờ có quy định, phi tần cấp thấp không được nuôi con trai, phải giao cho thê thiếp có địa vị nuôi dưỡng.
Sau khi sinh Dận Đào, tuổi tác Vạn Lưu Cáp Thị ngày càng tăng trong khi ân sủng ngày càng giảm, nhưng điều ấy chẳng khiến bà thấy muộn phiền. Có thể nói trời sinh tính tình Vạn Lưu Cáp thị không ganh đua nên dù không được Hoàng đế sủng hạnh, bà vẫn vui vẻ lạc quan mà sống, thân thể khỏe mạnh hơn rất nhiều so với các phi tần cùng lứa.
Mãi cho đến năm Khang Hi thứ 57, Vạn Lưu Cáp Thị mới được Khang Hi phong làm Tần. Đến khi Ung Chính lên ngôi, thấy bà tính tình khiêm nhường, ôn hòa mà vẫn ở tước Tần quá lâu nên tấn tôn bà lên làm Phi.
Vì Khang Hy trước khi chết có di chúc quy định tất cả thê thiếp có con đều được ra khỏi cung để sống cùng con. Vạn Lưu Cáp Thị rời cung về sống ở phủ đệ của con trai Dận Đào hưởng niềm vui tuổi già bên cháu chắt, không quan tâm bất cứ điều gì trong triều đình.
Bí quyết sống thọ của Vạn Lưu Cáp Thị chính là sống tích cực, suy nghĩ lạc quan. (Ảnh minh họa)
Trong thời Càn Long, các phi tần của Khang Hy lần lượt qua đời, Vạn Lưu Cáp Thị trở thành người duy nhất còn sống. Triều đình quan tâm nhiều hơn đến bà, mỗi dịp năm mới và lễ hội trong cung điện, Vạn Lưu Cáp Thị sẽ được mời tham gia các hoạt động này. Mặc dù khi đã ngoài 90 tuổi nhưng Vạn Lưu Cáp Thị vẫn không bị điếc, mắt không mờ, đầu óc nhanh nhẹn và luôn cười. Sự lạc quan và cởi mở của bà lan tỏa đến mọi người xung quanh, bất cứ nơi nào bà đi đến, đều có những tràng pháo tay tán thưởng. Mọi người tranh nhau bắt tay bà, mong nhận được chút phúc lành từ bà. Chính những suy nghĩ tích cực và lạc quan của Vạn Lưu Cáp Thị là chìa khóa giúp bà sống thọ. Năm 1757, Vạn Lưu Cáp Thị rời khỏi thế giới này với nụ cười trong giấc ngủ ở tuổi 97.
Lợi ích của suy nghĩ tích cực đối với người hiện đại
Những lợi ích sức khỏe mà suy nghĩ tích cực mang lại bao gồm:
- Tăng tuổi thọ.
- Giảm tỷ lệ trầm cảm.
- Giảm mức độ đau khổ.
- Tăng khả năng chống lại các bệnh cảm lạnh thông thường.
- Sức khỏe thể chất tốt hơn và tâm lý vững vàng hơn.
- Sức khỏe tim mạch tốt hơn và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch.
- Năng lực giải quyết vấn đề tốt hơn trong giai đoạn khó khăn và căng thẳng.
Sức mạnh của suy nghĩ tích cực giúp ta đối phó tốt hơn với các tình huống căng thẳng, làm giảm tác hại sức khoẻ của căng thẳng lên cơ thể. Những người tích cực và lạc quan cũng sẽ có xu hướng sống lành mạnh hơn, hoạt động thể chất nhiều hơn, có chế độ ăn uống tốt hơn và không lạm dụng bia rượu hoặc thuốc lá.