Mướp có nhiều lợi ích với sức khỏe, một số tác dụng của quả mướp như tốt cho mắt, tiêu hóa,... Tuy nhiên mướp cũng có một bất lợi cần lưu ý.
Mướp được trồng trên khắp thế giới nhưng chủ yếu ở châu Á, cụ thể là ở Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines sau đó ở Trung Đông và thậm chí ở Mỹ.
Loại cây này phát triển tốt nhất ở vùng khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới và phát triển mạnh ở nơi đất thoát nước tốt. Quả mướp có hình trụ dài, vỏ mỏng và mịn màu xanh lục, thịt màu trắng và hạt hình bầu dục dẹt. Hương vị của nó khá giống với bí xanh.
Mướp thường được sử dụng trong nấu ăn và có thể giúp xử lý không ít vấn đề sức khỏe như táo bón, hạ đường huyết, giải độc...
Mướp chứa nhiều chất chống oxy hóa, khoáng chất, vitamin... Nó cũng là một nguồn tuyệt vời của vitamin A, carbohydrate, vitamin B5, vitamin B6, vitamin C, mangan, kali, sắt, magie, đồng và chất xơ.
Tác dụng của quả mướp
1. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Mướp chứa vitamin B5. Nếu dùng 900mg vitamin B5 có thể giúp giảm cholesterol. Tuy nhiên 900mg B5 là lượng khá lớn nên nếu bạn muốn hấp thụ tới mức này từ mướp thì nên hỏi ý kiến bác sĩ.
2. Cải thiện chức năng não
Mướp có chứa chất sắt giúp tiếp nhận oxy trong não hoạt động tốt. Thiếu sắt có thể dẫn đến trí nhớ kém, thờ ơ, bồn chồn, kém chú ý và giảm năng suất làm việc.
3. Tăng cường hệ miễn dịch
Nước ép chiết xuất trong quả mướp có thể giúp điều hòa cơ chế bảo vệ trong cơ thể bạn và cho phép nó chống lại nhiễm trùng và virus một cách tốt hơn.
4. Ngăn ngừa bệnh tiểu đường
Mangan trong mướp là một thành phần cần thiết cho việc sản xuất các enzyme tiêu hóa, chịu trách nhiệm cho một quá trình gọi là gluconeogenesis. Mangan giúp thúc đẩy quá trình tiết insulin, giảm quá trình peroxy hóa lipid và tăng cường chức năng của ty thể.
5. Ngăn ngừa các vấn đề về mắt
Mướp rất giàu vitamin A giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, có thể dẫn đến mù lòa. Nghiên cứu do Viện Mắt Quốc gia của Mỹ thực hiện cho thấy những người bổ sung vitamin C, vitamin A, đồng, vitamin E và kẽm, khả năng bị thoái hóa điểm vàng của họ giảm 25% trong khoảng thời gian 6 năm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thuốc nhỏ mắt chứa vitamin A có tác dụng điều trị hiệu quả chứng khô mắt. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A như quả mướp trong chế độ ăn hàng ngày có thể giúp giảm các bệnh về mắt.
6. Hỗ trợ điều trị viêm khớp
Mướp là một nguồn cung cấp đồng tuyệt vời giúp cung cấp các đặc tính chống viêm, làm dịu cơn đau và cứng có liên quan đến viêm khớp. Nó cũng có thể hỗ trợ sức mạnh cơ bắp, sửa chữa các mô liên kết.
7. Điều trị chứng thiếu máu
Mướp có chứa một lượng lớn vitamin B6 cần thiết để sản xuất hemoglobin trong máu, giúp vận chuyển oxy đến các tế bào và huy động sắt. Tiêu thụ đầy đủ vitamin B6 có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh thiếu máu như đau nhức, mệt mỏi và ngăn ngừa bệnh này.
8. Hoạt động như một máy lọc máu
Mướp có thể giúp loại bỏ các yếu tố độc hại trong máu. Ăn mướp giúp chăm sóc sức khỏe của gan và giảm bớt các tác dụng phụ gây ra do uống nhiều rượu trong thời gian dài.
9. Nhuận tràng
Mướp đã được công nhận là có đặc tính nhuận tràng lành mạnh, có thể dùng để giảm bớt các vấn đề táo bón và thậm chí có thể được sử dụng để chữa các bệnh về táo bón.
10. Tốt cho da
Nghiên cứu cho thấy việc hấp thụ nhiều vitamin C có thể làm giảm tình trạng khô da, nếp nhăn và làm chậm quá trình lão hóa. Vitamin C cần thiết cho việc sản xuất protein để hình thành gân, da, mạch máu và dây chằng. Nó hỗ trợ quá trình chữa lành vết thương và cũng hình thành mô sẹo. Mướp có chứa không ít vitamin C nếu bạn cần bổ sung chất này.
11. Giảm đau nửa đầu
Lượng magiê không đủ có liên quan đến chứng đau nửa đầu. Magiê giúp cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Expert Review of Neurotherapeutics cho thấy liều 300 mg magiê làm giảm sự tái phát của chứng đau nửa đầu.
Tác hại của quả mướp
Mướp lành tính và gần như không gây ra bất cứ tác hại nào cho sức khỏe. Tuy nhiên hãy cẩn thận nếu ăn phải quả mướp có vị đắng. Mướp bị đắng là do trong đó có chứa một chất gọi là alkaloid glycoside, một loại độc tố có trong thực vật. Nếu ăn mướp bị đắng có thể gặp các triệu chứng như chóng mặt, suy nhược, co thắt dạ dày và các triệu chứng ngộ độc khác sau khi ăn.
Ngoài ra, do mướp có tính chất mát, thanh nhiệt nên những người tỳ vị kém, hay bị đau bụng, tiêu chảy đều không nên ăn mướp thường xuyên để bệnh không nặng hơn.
Quả mướp kỵ với món gì?
Củ cải trắng: Hai loại rau củ này đều có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe nhưng không nên ăn kết hợp với nhau hoặc ăn cùng lúc vì có thể gây tổn hại cơ thể. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, nam giới nếu ăn cùng lúc củ cải trắng và mướp có thể làm suy giảm chức năng tình dục, gây tổn hại sinh lực nghiêm trọng. Dù vậy vẫn cần có thêm nghiên cứu để xác thực thêm.
Ngoài ra, cả củ cải trắng và mướp đều là thực phẩm có tính lạnh nên nếu ăn cùng nhau sẽ khiến cơ thể bị lạnh hơn nhất là khi bị cảm lạnh, điều này sẽ dễ gây ra sự khó chịu cho sức khỏe.
Rau chân vịt: Rau chân vịt (rau bina, cải bó xôi) có tính lạnh, chứa nhiều chất xơ và chất bột đường. Ăn chung rau chân vịt với mướp có thể đẩy nhanh nhu động đường ruột, có thể gây rối loạn đường tiêu hóa, thậm chí gây tiêu chảy nặng.
Nguồn tham khảo: - Luffa facts and health benefits - Health benefit |
Xem thêm:
Loại rau bổ chẳng kém nhân sâm, giúp trường thọ nhưng người Việt ít ăn, chê nhạt vị
Pha trà gừng thêm 3 thứ này giúp thải sạch độc tố, thoát khỏi bụng to dễ dàng