“Con học giỏi lắm nhưng không thể đi học nữa vì bạn bè cứ trêu chọc. Các bạn nói con trai mà phải ngồi tiểu như con gái…”- đó là câu trả lời xót xa của cậu bé 14 tuổi phải tiểu ngồi từ lúc sinh ra.
Theo lời kể của bé D.K (14 tuổi, ngụ Cần Thơ), mặc dù là con trai nhưng em phải tiểu ngồi suốt 14 năm qua. “Con đi học thì bị bạn bè trêu chọc rất nhiều vì thói quen lạ này, gia đình con rất nghèo nên không có điều kiện chữa trị. Mặc cảm quá, con đành xin cha cho nghỉ học lúc đang học lớp 3”, bé K thuật lại.
TS.BS Lê Thanh Hùng, Khoa Ngoại Tổng hợp BV Nhi đồng 1 TP.HCM (nơi bé K vừa trải qua ca phẫu thuật chỉnh sửa dương vật) cho biết dị tật mà bé trai mắc phải được gọi tên là lỗ tiểu thấp - một dị tật bẩm sinh dương vật thường gặp khiến bé trai phải tiểu ngồi như bé gái.
Bé trai phải ngồi tiểu suốt 14 năm.
BS Hùng cho biết bệnh nhi K nhập viện trong tình trạng lỗ tiểu thấp lâm sàng rất nặng, bộ phận sinh dục như nữ, lỗ tiểu thấp gần lỗ hậu môn. “Sau khi đánh giá tình trạng bệnh, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật giải quyết tình trạng mà bé đang gặp phải. Hiện sức khỏe bé K đã ổn định, mặc dù còn phải trải qua thêm một cơn phẫu thuật nữa nhưng bé đã có thể đứng tiểu”, BS Hùng nói.
Bé K bị lộ tiểu thấp buộc phải trải qua phẫu thuật.
Theo BS Hùng, lỗ tiểu thấp là dị tật bẩm sinh của dương vật thường gặp nhất chiếm tỷ lệ 3,2/1000 bé trai hay xấp xỉ 1/300 trẻ em nam. Dị tật này bao gồm 3 thương tổn chính là: miệng niệu đạo nằm lệch thấp hơn vị trí bình thường so với đỉnh quy đầu từ rãnh dương vật cho tới tầng sinh môn, thiếu da ở mặt bụng dương vật và dương vật cong ở nhiều mức độ tùy theo thương tổn.
“Chẩn đoán các dạng lỗ tiểu thấp kể cả dạng nhẹ nhất thường dễ nhận thấy ngay lúc sau sinh. Khi thấy da vùng lưng dương vật dư, cần phải ghi nhận có sự khiếm khuyết của niệu đạo. Gần đây lỗ tiểu thấp cũng đã được chẩn đoán trước sinh bằng siêu âm, dấu hiệu kinh điển là đầu xa dương vật rộng dư da vùng lưng”, BS Hùng phân tích.
Mặc dù đây là một dị vật thường gặp, tuy nhiên nguyên nhân gây ra tình trạng lỗ tiểu thấp vẫn chưa được biết chính xác. Chủ yếu là do yếu tố mang tính gia đình gia đình, môi trường và nội tiết. Ngoài ra còn một số nguyên nhân mà BS Hùng liệt kê:
- Các yếu tố môi trường có thể giải thích cho việc dùng thuốc trừ sâu, estrogen hay là các chất có bản chất estrogen và các chất có bản chất độc tố. Hơn nữa các chất kháng androgen trong môi trường cũng đóng vai trò như thuốc kháng nấm. Các yếu tố môi trường cũng làm gia tăng tỷ lệ ung thư tinh hoàn và tinh hoàn ẩn tại các quốc gia phương Tây.
- Nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng thiếu các yếu tố phát triển thượng bì da ở vùng bụng dương vật.
- Khiếm khuyết về mạch máu cũng được ghi nhận khi người ta luôn không tìm thấy động mạch nuôi niệu đạo đoạn xa trong lỗ tiểu thấp.
- Men (enzym) cũng có liên quan khi có báo cáo nhận thấy có sự thiếu hụt trong sinh tổng hợp testosterone trong lỗ tiểu thấp thể gần.
- Thụ tinh trong ống nghiệm cũng gia tăng tỷ lệ lỗ tiểu thấp
Để điều trị tình trạng trên, theo BS Hùng, bệnh nhân sẽ được cắt bỏ các mô xơ chung quanh hang dương vật, dựng thẳng dương vật lên và dùng các vạt da/mô tạo hình ống niệu đạo. Thời gian phẫu thuật phù hợp nhất là khi trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi.