Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe nói rằng ăn tỏi, bông cải xanh, táo,… có thể ngừa ung thư, vậy thực sự ăn chúng có tác dụng không? Bài viết dưới đây sẽ phân tích khả năng chống ung thư đúng hay sai của một số thực phẩm phổ biến.
Viện Ung thư Mỹ đã chia các thực phẩm chống ung thư thành ba loại, dựa trên các bằng chứng khác nhau:
- Thực phẩm có bằng chứng chắc chắn có thể chống lại bệnh ung thư;
- Thực phẩm có bằng chứng có thể chống lại bệnh ung thư;
- Thực phẩm có ít bằng chứng về khả năng chống lại bệnh ung thư.
1. Tỏi
Một số thí nghiệm trong ống nghiệm và thí nghiệm trên động vật cho thấy các hợp chất chứa lưu huỳnh và các hợp chất chứa selen trong tỏi có tác dụng tích cực nhất định đối với việc phòng chống ung thư, đặc biệt là một số bệnh lý ác tính ở đường tiêu hóa như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư ruột kết...
Nhưng hiệu quả đối với động vật không có nghĩa là có hiệu quả đối với con người, vì vậy tỏi là một thực phẩm có thể chống ung thư.
Lưu ý: Tỏi có tác dụng kháng khuẩn rất tốt, tuy nhiên không nên ăn quá nhiều sẽ sinh đầy hơi, ăn không đúng cách (như dùng nồi nhiệt độ cao, rang tỏi...) có thể sinh ra acrylamide và các chất có thể gây ung thư khác, không tốt cho sức khỏe của bạn. Vì vậy, tỏi tốt nhất được dùng làm gia vị cho các loại thực phẩm khác.
2. Bông cải xanh
Các loại rau họ cải như bông cải xanh cũng được nhắc đến là thực phẩm ngăn ngừa ung thư. Bông cải xanh cũng chứa một số chất có chứa lưu huỳnh (sulforaphane, isothiocyanate, indole-3-carbinol,…). Trong một số thí nghiệm trên động vật và thí nghiệm tế bào, người ta thấy rằng các chất chứa lưu huỳnh này (đặc biệt là sulforaphane) có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn và tế bào ung thư.
Tuy nhiên, không có nhiều chất chứa lưu huỳnh trong bông cải xanh, nếu nấu ở nhiệt độ cao cũng sẽ làm mất hoạt tính của một số chất dinh dưỡng, từ đó làm giảm tác dụng chống ung thư của bông cải xanh. Vì vậy bông cải xanh cũng là một thực phẩm có thể chống ung thư.
3. Trà xanh
Các polyphenol trong trà xanh có thể ngăn ngừa sự tổng hợp của các chất gây ung thư khác nhau như amoni nitrit, có thể trực tiếp tiêu diệt các tế bào ung thư và cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể.
Tuy nhiên, hàm lượng polyphenol trong trà có giới hạn, nó chỉ có hiệu quả trong các thí nghiệm trên tế bào và động vật. Do đó, trà xanh cũng là một thực phẩm có thể chống ung thư.
Lưu ý: Muốn uống trà xanh tốt cho sức khỏe, cần đảm bảo 2 điều sau:
Một là không nên quá lạm dụng, người lớn khỏe mạnh uống khoảng 12g trà xanh mỗi ngày, mỗi lần 3g pha với 150ml nước nóng. Nếu uống vượt quá lượng trà này sẽ không tốt cho cơ thể.
Hai là không nên uống trà quá nóng, trà nóng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư miệng và ung thư thực quản, vì vậy hãy cố gắng uống sau khi hãm trà khoảng 4 phút.
4. Quả việt quất
Quả việt quất rất giàu anthocyanins, catechin, quercetin, kaempferol và các flavonoid khác, cũng như ellagitannin, resveratrol,… đều là những dưỡng chất có khả năng chống oxy hóa rất mạnh. Chất chống oxy hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại, bao gồm cả tổn thương DNA do đột biến tế bào ung thư gây ra, nhưng cần phải đạt đến một lượng nhất định mới có tác dụng. Do đó, quả việt quất có thể chống lại ung thư.
5. Quả táo
Chúng ta thường nghe nói: Ăn một quả táo mỗi ngày, không cần tìm bác sĩ. Điều này có lý, bởi quả táo rất giàu vitamin và các nguyên tố vi lượng, các chất dinh dưỡng khác như axit malic, axit tartaric,…
Các polyphenol trong táo có đặc tính chống ung thư, đặc biệt là ung thư ruột kết, ung thư phổi và ung thư vú. Tuy nhiên, các nghiên cứu chống ung thư này chủ yếu là quan sát và thiếu bằng chứng thực tế.
6. Cà rốt
Carotenoid như β- carotene và α-carotene trong cà rốt được chuyển hóa thành vitamin A sau khi vào cơ thể, chất này rất quan trọng để giúp cải thiện chức năng miễn dịch, đồng thời duy trì các tế bào khỏe mạnh và kích hoạt các enzyme chuyển hóa chất gây ung thư. Tuy nhiên, carotenoid trong cà rốt cũng rất hạn chế, nếu ăn quá nhiều, da sẽ bị vàng.
7. Đậu bắp
Đậu bắp có những tên gọi như “vàng thực vật” và “nhân sâm xanh”, cũng là một loại thực phẩm phổ biến nhiều người cho rằng có tác dụng chống ung thư. Tuy nhiên, đậu bắp cũng chỉ là một loại rau có giá trị dinh dưỡng cao. Chất nhầy của đậu bắp, được coi là có tác dụng chống ung thư, thực ra không phải vậy mà là làm ẩm và nhuận tràng.
Về cơ bản tất cả các loại thực phẩm trên đều có thể là thực phẩm chống ung thư, chứ không phải thực phẩm chắc chắn có khả năng chống ung thư. Bởi những lý do sau:
- Thực phẩm có chứa thành phần chống ung thư, nhưng hàm lượng ít và không có nghĩa là ăn càng nhiều loại thực phẩm này sẽ có tác dụng chống ung thư.
- Ăn cùng một loại thực phẩm nhưng có sự khác biệt rất lớn về mức độ trao đổi chất và mức độ hấp thụ giữa người và động vật.
- Nguyên nhân gây bệnh ung thư hiện nay vẫn chưa thể xác định được hoàn toàn, nguyên nhân gây bệnh ở mỗi người là khác nhau, chủ yếu là do đột biến gen trong cơ thể. Và thức ăn không thể thay đổi gen.
Tuy nhiên, những thực phẩm có khả năng chống ung thư này được bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày sẽ giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng toàn diện, tăng cường khả năng miễn dịch và mang lại lợi ích cho sức khỏe.