Tác dụng của atiso và cách ngâm hoa atiso

H.M - Ngày 14/07/2021 16:30 PM (GMT+7)

Atiso được coi là một loại thực phẩm "vàng" cho sức khỏe. Vậy tác dụng của atiso là gì và cách sử dụng atiso như thế nào?

Atiso là loại cây có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và được sử dụng trong nhiều thế kỷ vì các đặc tính y học tiềm năng của nó.

Những lợi ích sức khỏe của atiso bao gồm giảm lượng đường trong máu và cải thiện tiêu hóa, sức khỏe tim mạch và sức khỏe gan. 

Giá trị dinh dưỡng

Atiso chứa nhiều chất dinh dưỡng mạnh mẽ. Một bông atiso trung bình 128 gam chứa:

- Carb: 13,5 gam

- Chất xơ: 6,9 gam

- Chất đạm: 4,2 gam

- Chất béo: 0,2 gam

Ngoài ra, atiso còn chứa folate và một số vitamin như vitamin C, vitamin K, vitamin B6, vitamin B1, vitamin B2,... Chúng cũng cung cấp các khoáng chất quan trọng, chẳng hạn như magiê, phốt pho, kali, canxi và sắt. Atiso cũng được xếp hạng trong số các loại rau giàu chất chống oxy hóa nhất.

Atiso chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe

Atiso chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe

Tác dụng của atiso

Atiso có tác dụng điều chỉnh cholesterol

Chiết xuất lá atiso có thể có tác động tích cực đến mức cholesterol. Chiết xuất atiso ảnh hưởng đến cholesterol theo hai cách: Đầu tiên, atiso chứa luteolin, một chất chống oxy hóa ngăn ngừa sự hình thành cholesterol. Thứ hai, chiết xuất lá atiso thúc đẩy cơ thể bạn xử lý cholesterol hiệu quả hơn, dẫn đến mức cholesterol tổng thấp hơn.

Một đánh giá với hơn 700 người cho thấy việc bổ sung chiết xuất lá atiso hàng ngày trong 5-13 tuần dẫn đến giảm tổng lượng cholesterol LDL xấu. Một nghiên cứu khác ở 143 người trưởng thành bị cholesterol cao cho thấy chiết xuất lá atiso được dùng hàng ngày trong 6 tuần làm giảm 18,5%-22,9% tổng lượng cholesterol LDL “xấu”.

Hơn nữa, thường xuyên tiêu thụ chiết xuất atiso có thể tăng cholesterol HDL “tốt” ở người lớn có cholesterol cao.

Atiso có tác dụng giúp điều hòa huyết áp

Chiết xuất atiso có thể hỗ trợ điều trị cho những người bị huyết áp cao. Một nghiên cứu ở 98 nam giới bị huyết áp cao cho thấy tiêu thụ chiết xuất atiso hàng ngày trong 12 tuần làm giảm huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu lần lượt là 2,76 và 2,85 mmHg.

Các nhà khoa học chưa biết chính xác cách thức chiết xuất atiso làm giảm huyết áp nhưng các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật chỉ ra rằng chiết xuất atiso thúc đẩy enzyme eNOS, có vai trò làm giãn nở mạch máu, từ đó giúp hạ huyết áp. Ngoài ra, atiso là một nguồn cung cấp kali dồi dào, giúp điều hòa huyết áp.

Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu việc sử dụng toàn bộ atiso có mang lại lợi ích tương tự hay không vì chiết xuất atiso được sử dụng trong các nghiên cứu này có nồng độ các chất cao hơn.

Atiso có thể cải thiện sức khỏe gan

Chiết xuất lá atiso có thể bảo vệ gan khỏi tổn thương và thúc đẩy sự phát triển của các mô gan mới. Nó cũng làm tăng sản xuất mật, giúp loại bỏ các độc tố có hại khỏi gan.

Trong một nghiên cứu, những con chuột sử dụng thuốc quá liều được cho dùng chiết xuất atiso có tổn thương gan ít hơn, mức độ chống oxy hóa cao hơn và chức năng gan tốt hơn so với những con chuột không được cung cấp chiết xuất atiso.

Atiso có tác dụng tốt đối với gan

Atiso có tác dụng tốt đối với gan

Các nghiên cứu trên người cũng cho thấy tác dụng tích cực đối với sức khỏe của gan. Ví dụ, một thử nghiệm ở 90 người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cho thấy tiêu thụ 600 mg chiết xuất atiso mỗi ngày trong hai tháng đã giúp cải thiện chức năng gan.

Các nhà khoa học cho rằng một số chất chống oxy hóa được tìm thấy trong atiso như cynarin và silymarin có thể là nguyên nhân khiến atiso có tác dụng này. Cần thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định vai trò của chiết xuất atiso trong điều trị bệnh gan.

Atiso có thể cải thiện sức khỏe tiêu hóa

Atiso là một nguồn chất xơ tuyệt vời, có thể giúp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh bằng cách thúc đẩy các vi khuẩn có lợi cho đường ruột, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư ruột, giảm táo bón và tiêu chảy.

Trong một nghiên cứu, 12 người trưởng thành đã được cải thiện vi khuẩn đường ruột khi họ tiêu thụ chiết xuất atiso có chứa inulin mỗi ngày trong ba tuần. Chiết xuất atiso cũng có thể giúp giảm các triệu chứng khó tiêu, chẳng hạn như đầy hơi, buồn nôn và ợ chua.

Cynarin, một hợp chất tự nhiên có trong atiso, có thể gây ra những tác động tích cực này bằng cách kích thích sản xuất mật, tăng nhu động ruột và cải thiện quá trình tiêu hóa một số chất béo.

Atiso có thể giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một tình trạng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và có thể gây đau dạ dày, chuột rút, tiêu chảy, chướng bụng, táo bón và đầy hơi.

Trong một nghiên cứu ở những người bị IBS, tiêu thụ chiết xuất lá atiso hàng ngày trong 6 tuần đã giúp giảm bớt các triệu chứng.

Một số hợp chất trong atiso có đặc tính chống co thắt. Điều này có nghĩa là chúng có thể giúp ngăn chặn tình trạng co thắt cơ thường gặp ở bệnh nhân IBS, cân bằng vi khuẩn đường ruột và giảm viêm.

Atiso có thể giúp giảm lượng đường trong máu

Atiso và chiết xuất từ ​​lá atiso có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Một nghiên cứu ở 39 người lớn thừa cân cho thấy tiêu thụ chiết xuất đậu tây và atiso hàng ngày trong hai tháng làm giảm lượng đường trong máu lúc đói.

Một nghiên cứu nhỏ khác chỉ ra rằng ăn atiso luộc trong bữa ăn làm giảm lượng đường trong máu và mức insulin 30 phút sau khi ăn. Đáng chú ý, hiệu ứng này chỉ được thấy ở người lớn khỏe mạnh không mắc hội chứng chuyển hóa.

Tuy nhiên những tác dụng này cần phải nghiên cứu thêm.

Atiso có thể hỗ trợ chống ung thư

Các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm ghi nhận rằng chiết xuất atiso làm giảm sự phát triển của ung thư. Một số chất chống oxy hóa nhất định bao gồm rutin, quercetin, silymarin và axit gallic trong atisô được cho là có thể có tác dụng chống ung thư.

Cách sử dụng atiso

Atiso có thể được hấp, luộc, nướng, quay hoặc áp chảo. Bạn cũng có thể dùng atiso làm gia vị cho món ăn. 

Phương pháp sử dụng atiso phổ biến nhất là ngâm hoa atiso làm thành siro. Nguyên liệu gồm atiso và đường theo tỉ lệ 1:1. Rửa sạch hoa atiso, cắt bỏ phần đài hoa và để ráo nước. Chuẩn bị bình thủy tinh để đựng. Trải một lớp hoa atiso và một lớp đường, cứ thế cho đến khi hết 2 nguyên liệu. Để khoảng 5 tháng là có thể sử dụng được. Siro atiso có thể pha với nước, thêm đá uống rất ngon. Phần atiso đã ngâm cũng có thể ăn được.

Lưu ý là cả cánh và tâm hoa atiso đều có thể ăn được.

Tác dụng phụ của atiso

Tiêu thụ chiết xuất atiso thường khá an toàn và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên vẫn có một số tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm:

- Gây đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy.

- Dị ứng: Một số người có thể bị dị ứng với atiso hoặc chiết xuất atiso. Nguy cơ cao hơn đối với bất kỳ ai bị dị ứng với các cây cùng họ với atiso bao gồm hoa cúc, hoa hướng dương, hoa cúc và cúc vạn thọ.

- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên tránh dùng chiết xuất atiso vì thiếu thông tin an toàn.

- Những người bị tắc nghẽn ống mật hoặc sỏi mật: Bất kỳ ai có những tình trạng này nên tránh dùng atiso và chiết xuất atiso do khả năng thúc đẩy chuyển động của mật.

Nguồn tham khảo:

Top 8 Health Benefits of Artichokes and Artichoke Extract - đăng tải trên trang tin y tế Health Line. Xuất bản ngày 16/1/2019.

Tác dụng của khoai lang và cách sử dụng khoai lang để giảm cân
Khoai lang rất quen thuộc nhưng có nhiều tác dụng của khoai lang với sức khỏe và trong việc giảm cân mà ít người biết.

Thực phẩm phòng bệnh

H.M (Dịch từ Healthline)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe