Một bé gái 7 tháng tuổi đã phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thuốc hạ sốt parateramol. Sau khi bị ngộ độc, bé gái bị men gan tăng cao và đang được điều trị tại Hà Nội.
TS.BS Lê Ngọc Duy chia sẻ về việc sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol.
Mới đây, khoa Cấp cứu – Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) vừa tiếp nhận một trường hợp bé gái 7 tháng tuổi bị ngộ độc do uống quá liều thuốc hạ sốt paracetamol. Hiện bé gái này vẫn đang tiếp tục được theo dõi và điều trị vì tình trạng nhiễm trùng và men gan tăng.
Chị L.T.T (mẹ bệnh nhi, quê Thanh Hóa) cho biết, ngày 12/8 con chị có biểu hiện bất thường nên đã đưa đến bệnh viện địa phương thăm khám, sau đó được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Trước khi nhập viện 3 ngày, con gái chị T sốt cao trên 38 độ C, thấy con sốt chị ra trạm xá mua thuốc hạ sốt và được bán loại thuốc paracetamol 150mg. “Khi mua thuốc, tôi có nói con tôi được 7,5kg và họ bán cho tôi paracetamol loại 150mg, vị cam nói là về cho uống và tôi cứ thế làm theo”, chị T nhớ lại.
Con chị T đang được điều trị tại BV Nhi Trung ương.
Về nhà chị T cho con uống thuốc được khoảng 2,5 tiếng thì con sốt lại, thời điểm đó chị tiếp tục chườm nóng cho con ở nách, đầu và bẹn. Thấy cháu sốt không đỡ, bà nội lo lắng giục vợ chồng chị T cho con uống hạ sốt tiếp, nhưng hai vợ chồng chưa đồng ý.
Sau khi uống được 3 tiếng, con vẫn sốt chị T tiếp tục cho con uống hạ sốt loại 150mg, sau đó cứ khoảng 3 tiếng con lại sốt lại, chị T lại tiếp tục cho con uống thuốc. “Đến chiều cùng ngày (12/8), thấy con sốt quá tôi đưa đi viện, khi đến viện bác sĩ chườm để hạ sốt và con có hạ.
Nhưng sau đó lại sốt tăng lên và bác sĩ nói rằng với cân nặng hiện tại con chị chỉ dùng lượng tối đa là 120mg, và khi cho uống nên chừa lại một ít chứ không dùng hết gói 120mg”, chị T nói.
Chị T nhận sai khi cho con uống hạ sốt.
Sau khi ở bệnh viện địa phương không chẩn đoán ra bệnh, gia đình chị T xin chuyển con ra Bệnh viện Nhi Trung ương, tại đây các bác sĩ xác định cháu bị men gan tăng do ngộ độc paracetamol vì uống quá liều, ngoài ra còn bị nhiễm trùng máu, nhiễm trùng đường ruột.
Chị T chia sẻ: “Ở nhà mỗi khi con bị sốt, tôi thường ra trạm xá, nếu trạm xá không có ai lại ra quầy thuốc mua thuốc cho con uống. Tại quầy thuốc đa số họ thường nói uống liều thấp không có tác dụng gì và uống liều cao hơn cho nhanh khỏi.
Khi đến bệnh viện Nhi Trung ương, nghe bác sĩ phân tích tôi mới thấy mình dùng thuốc hạ sốt sai, các bác sĩ ở đây cho uống phải nhân theo cân nặng của con. Bác sĩ cũng nói, con tôi 7kg thì dùng 120mg là chưa hết, chứ chưa nói gì đến 150mg. Khi đó tôi mới biết là tôi cho con uống không chỉ sai về liều lượng, mà còn về thời gian cho con uống thuốc cũng chưa đủ khoảng cách an toàn”.
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Tuấn Anh (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, khi đến viện bệnh nhi đã sốt được 3 ngày, có kèm biểu hiện nôn trớ, người nhà cho đi khám và được chẩn đoán sốt virus. Bệnh nhi được 7,8kg mà cho uống liên tục hạ sốt 150mg là quá liều.
“Liều khuyến cáo thống thường là 10-15mg/kg. Nhưng với bé này gia đình cho uống với mức 20mg/kg là quá liều. Hiện bệnh nhi men gan vẫn tăng, bị nhiễm trùng nên vẫn đang tiếp tục được điều trị”, bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ.
Bác sĩ Duy khuyến cáo khi cho trẻ uống paracetamol phải đúng thời gian, liều lượng.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, paracetamol là thuốc thông thường nhưng vẫn có những chỉ định khi sử dụng, ví dụ như trẻ sốt trên 38,5 độ C, số lần và liều lượng do bác sĩ chỉ định hoặc đọc kỹ trên đơn thuốc. Còn nếu sốt quá 3 ngày không hạ sốt thì vẫn phải đưa đến cơ sở y tế.
Liều dùng thông thường là 10-15mg/kg cho một lần dùng. Mỗi ngày uống không quá 4 lần, khoảng cách giữa các lần dùng là từ 4-6 tiếng. Liều hạ sốt an toàn là không quá 60mg/kg trong một ngày. Khi dùng kết hợp với các thuốc hạ sốt khác phải theo sự tư vấn của bác sĩ.
Bác sĩ Duy cũng cảnh báo, những trẻ có bệnh mãn tính từ trước, đặc biệt là bệnh gan mật, nếu sử dụng phải có hướng dẫn của bác sĩ. Bởi nếu liều dùng chỉ cần quá 100mg/kg/ngày cũng thể dẫn tới ngộ độc. Đối với trẻ bình thường, liều ngộ độc thường là trên 150mg/kg/ngày.
Trước đó, khoa Cấp cứu (Trung tâm sản Nhi Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhi T.V.D (2 tuổi, ở Thanh Sơn, Phú Thọ) nhập viện với những biểu hiện ngộ độc thuốc Paracetamol do sử dụng quá liều. Tại bệnh viện, qua thăm khám các bác sĩ phát hiện tim bệnh nhi đập nhanh, phổi thông khí kém, gan to dưới bờ sườn 2cm và được chẩn đoán suy hô hấp toan chuyển hóa nặng trên bệnh nhi viêm phổi, theo dõi ngộ độc paracetamol. Sau khi được bác sĩ sơ cấp cứu ban đầu bệnh nhi được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, tại đây bệnh nhi được đặt ống nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, bù kiềm... 2 giờ sau khi vào viện bệnh nhi rơi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao... Nhận định đây là trường hợp nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan, vì thế khi được điều chỉnh các chức năng sống cơ bản bệnh nhi được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị. |