Thấy con không có phản ứng khi nói chuyện, đi khám mẹ sốc vì thủ phạm lại chính từ… ráy tai.
Con suýt điếc vì bị ráy tai bịt kín
Cậu con trai của cô Vương (đến từ Hoa Liên, Đài Loan) năm nay 3 tuổi, tuy nhiên dạo gần đây, mỗi lần cô Vương gọi hoặc nói chuyện với con trai, hầu như đứa trẻ không có phản ứng gì. Ban đầu cô nghĩ con hư, ngang bướng nên cố tình không nghe nhưng sau đó tình trạng diễn ra khá lâu nên cô đã đưa con đến Khoa Nhi ở Bệnh viện Môn Nặc để khám.
Bác sĩ Trịnh Vĩnh Long, người trực tiếp khám cho con trai cô Vương, sau kiểm tra phát hiện, ống tai bên phải của cậu bé đã bị ráy tai bít chặt. Bác sĩ lập tức gắp ráy tai đang bịt kín trong lỗ tai của cậu bé. Cục ráy tai được lấy ra đo khoảng 2cm. Lúc này, đứa trẻ đã có phản ứng với âm thanh.
Tai của đứa trẻ bị ráy tai bịt kín.
Cô Vương nói rằng, sau khi cậu con trai được làm sạch ráy tai, mỗi lần gọi con, đứa trẻ đều quay lại mỉm cười, lúc này trong lòng cô mới được nhẹ nhõm.
Ráy tai quá nhiều gây ảnh hưởng như thế nào?
Bác sĩ Trịnh Vĩnh Long, trưởng Khoa Nhi cho biết: Thông thường ráy tai mỏng không cần ngoáy nó cũng có thể tự đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp lại tiết ra ráy tai quá nhiều, hoặc ráy tiết ra quá khô hay quá dính. Điều này khiến cho ráy bị kết dính thành một khối ngày càng to, gây bít kín hoặc gần kín ống tai như cái nút chặn nên thường được gọi là “nút ráy tai”.
Nút ráy tai có thể gây ra các triệu chứng như ù tai, nghe kém, ngứa tai, chóng mặt, đau, hoặc ho (vì khi ráy tai quá to có thể chèn ép và kích thích dây thần kinh phế vị, vốn có nhánh nối tai với cơ hoành, kích thích này gây ra phản xạ ho). Nếu không được lấy ra kịp thời, rất có thể xảy ra tình trạng hủy xương và gây viêm ống tai.
Nếu thấy tai trẻ có quá nhiều ráy tai, cha mẹ không nên tự làm sạch ráy tai cho trẻ tránh gây tổn thương cho tai
Theo bác sĩ Trịnh Vĩnh Long: “Tai của trẻ nhỏ trong thời gian dài bị tắc bởi ráy tai, thính lực ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng không kiến nghị bố mẹ tự làm sạch ráy tai, bởi vì ống tai của trẻ tương đối nhỏ, một khi không cẩn thận có thể gây chảy máu ống tai hoặc thủng màng nhĩ, lợi bất cập hại”.
Bác sĩ nhắc nhở người lớn nếu phát hiện đứa trẻ có vấn đề về thính lực, hoặc là phát hiện tai bị ráy tai bịt chặt, vạn lần không được tự mình làm sạch ống tai, ngoáy tai trẻ, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ Khoa nhi hoặc Khoa tai mũi họng, để tránh trường hợp tai trẻ bị tổn thương.
Bác sĩ Trịnh Vĩnh Long nói rằng, có rất nhiều phương thức để làm sạch ráy tai, ngoài việc trực tiếp dùng dụng cụ lấy ráy tai, cũng có thể dùng nước làm sạch tai, thuốc nhỏ tai hoặc là sử dụng thuốc kháng sinh cho vào trong tai để làm tan ráy tai, giúp ráy tai được lấy ra thuận lợi.
Tuy nhiên có một số cha mẹ sử dụng kẹp để kẹp ráy tai, điều này không chỉ gây nguy cơ nhiễm trùng mà còn làm tổn thương ống tai. Ngoài ra, có một số cha mẹ còn dùng tăm bông để ngoáy tai cho trẻ, nhưng trong quá trình làm sạch, có thể vô tình đẩy ráy tai vài ống tai sâu hơn, gây bịt tắc ống tai, do vậy yêu cầu cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ, đây mới là biện pháp an toàn nhất.
Ráy tai được lấy ra từ tai của cậu bé 3 tuổi, dài khoảng 2cm.
Theo bác sĩ, đại đa số ráy tai của mọi người sẽ tự rơi ra khỏi ống tai và không cần phải làm sạch. Đặc biệt ráy tai cũng có chức năng bảo vệ ống tai ngoài, khiến tai không bị ảnh hưởng bởi ngoại lực và ngăn chặn côn trùng xâm nhập vào tai. Tuy nhiên nếu có quá nhiều ráy tai, gây tắc nghẽn ống tai, gây ảnh hưởng tới thính lực hoặc đau tai, khuyên mọi người cố gắng đến viện càng sớm càng tốt.
Những điều không nên làm với tai
- Không nên làm sạch tai thường xuyên vì hại nhiều hơn lợi và có thể làm tổn thương các bộ phận nhạy cảm bên trong tai, gây nhiễm trùng.
- Không dùng tăm bông để ngoáy tai cho trẻ, vì trẻ hay bắt chước gây nguy hiểm cho tai. Dùng tăm bông còn đẩy sâu ráy tai vào trong tai hơn.
- Không dùng nến, hay chọc các vật nhọn (que, nắp bút, tăm…) làm sạch tai vì rất nguy hiểm, dễ gây trầy xước, viêm nhiễm ống tai, quá tay thì thủng màng nhĩ, điếc.
- Không thọc ngón tay, móng tay vào tai vì đó là thói quen xấu. Móng tay có chứa rất nhiều vi khuẩn cực nhỏ có thể gây nhiễm trùng tai.
- Khi thấy ngứa nhiều, ù tai, chảy dịch bất thường cần đi khám chuyên khoa tai mũi họng ngay để điều trị kịp thời, không tự mua thuốc uống, thuốc nhỏ vào tai.