Tụt huyết áp nên ăn gì và cách phòng tránh tụt huyết áp

Ngày 05/07/2020 17:36 PM (GMT+7)

Tụt huyết áp là một trong những tình trạng phổ biến. Việc bổ sung thực phẩm nhằm đẩy huyết áp tăng lên là điều rất quan trọng. Vậy tụt huyết áp nên ăn gì và cách phòng tránh tình trạng này như thế nào?

Tụt huyết áp là gì?

Huyết áp thấp, còn được gọi là tụt huyết áp là trường hợp huyết áp của chúng ta bị hạ đột ngột gây ra một số triệu chứng cho cơ thể.

Chỉ số huyết áp bình thường nằm trong khoảng từ 90/60 đến 120/80 mm thủy ngân (mm Hg), nhưng các con số nằm ngoài phạm vi này sẽ vẫn ổn nếu nó không gây ra những triệu chứng không tốt cho cơ thể.

Chỉ số huyết áp khỏe mạnh của bạn dựa trên: tiền sử bệnh, tuổi tác, tình trạng chung...

Biểu hiện của tụt huyết áp

Bác sĩ có thể chẩn đoán bạn bị tụt huyết áp nếu chỉ số huyết áp của bạn dưới 90/60 mm Hg và bạn có các triệu chứng khác, bao gồm: mờ mắt, nhầm lẫn hoặc khó tập trung, chóng mặt, ngất xỉu, buồn nôn hoặc nôn mửa, cơ thể yếu ớt, thiếu sức sống,...

Hãy đến bệnh viên ngay lập tức nếu bạn xuất hiện những triệu chứng sau:

- Mạch nhanh

- Hô hấp yếu

- Da lạnh hoặc dính

Những triệu chứng này có thể là biểu hiện cơ thể bị sốc và cần phải cấp cứu.

Tụt huyết áp nên ăn gì và cách phòng tránh tụt huyết áp - 1

Nguyên nhân gây ra tụt huyết áp

Có một loạt các nguyên nhân có thể gây nên tình trạng tụt huyết áp như:

- Thay đổi vị trí đột ngột

- Thiếu máu

- Rối loạn hệ thống thần kinh tự trị

- Mất nước

- Chế độ ăn không hợp lý

- Ăn một bữa quá no

- Rối loạn nội tiết

- Phản ứng dị ứng cực đoan (sốc phản vệ)

- Mất máu nhiều

- Đau tim hoặc bệnh tim

- Lượng đường trong máu thấp

- Tác dụng phụ của một số loại thuốc

- Mang thai

- Nhiễm trùng nặng

- Tình trạng tuyến giáp

- Tập thể dục mạnh mẽ

- Bệnh thần kinh như Parkinson

Tụt huyết áp nên ăn gì

Với những người bị tụt huyết áp hoặc huyết áp thấp, việc thay đổi chế độ ăn là một trong những điều mà bạn nên thực hiện. Ăn một số loại thực phẩm có thể giúp huyết áp tăng lên. Theo dõi các triệu chứng của bạn và thường xuyên đo huyết áp của bạn để xem chế độ ăn như vậy đã phù hợp hay chưa. Những loại thực phẩm nên ăn khi tụt huyết áp và phòng tránh tụt huyết áp:

Nước: Hãy luôn cung cấp đủ nước cho cơ thể. Mất nước sẽ làm giảm thể tích máu, khiến huyết áp tụt. Đặc biệt trong các hoạt động thể dục thể thao, bạn cần cấp đủ nước để tránh tụt huyết áp. Khi bị tụt huyết áp, đơn giản nhất là uống nhiều nước lọc để kích thích nhịp tim, nâng huyết áp lên.

Thực phẩm giàu vitamin B-12: Quá ít vitamin B-12 có thể dẫn đến một loại thiếu máu nhất định, có thể gây ra tụt huyết áp và mệt mỏi. Thực phẩm giàu B-12 bao gồm trứng, ngũ cốc tăng cường, thịt động vật và men dinh dưỡng.

Thực phẩm giàu folate: Quá ít folate cũng có thể góp phần gây thiếu máu. Ví dụ về thực phẩm giàu folate bao gồm măng tây, đậu, đậu lăng, trái cây họ cam quýt, rau xanh, trứng và gan.

Muối: Thực phẩm mặn có thể làm tăng huyết áp. Hãy thử ăn súp đóng hộp, cá hun khói, phô mai, các món ngâm và ô liu khi huyết áp bị tụt.

Caffeine: Cà phê và trà chứa caffein có thể tạm thời tăng huyết áp bằng cách kích thích hệ thống tim mạch và tăng nhịp tim của bạn. Khi có dấu hiệu tụt huyết áp, hãy uống ngay một cốc trà đặc, trà gừng hoặc cà phê sẽ giúp huyết áp tăng lên.

Tụt huyết áp nên ăn gì và cách phòng tránh tụt huyết áp - 2

Phòng tránh tụt huyết áp

Nếu thường xuyên bị tụt huyết áp, hãy tới bệnh viện hoặc những trung tâm tư vấn sức khỏe uy tín để được chuyên gia hướng dẫn về thực phẩm lành mạnh phù hợp với tình trạng của bạn.

Bạn cũng có thể thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt của mình nhằm tăng huyết áp.

Ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên hơn. Những bữa ăn quá no có thể khiến huyết áp giảm mạnh hơn, vì cơ thể bạn làm việc nhiều hơn để tiêu hóa những bữa ăn nặng nề.

Uống nhiều nước và hạn chế rượu, bia. Mất nước có thể làm giảm huyết áp.

Ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống, bạn cũng có thể tăng huyết áp bằng cách thực hiện những thay đổi sinh hoạt:

Nếu bạn tập thể dục ngoài trời trong thời tiết quá nóng, hãy nghỉ ngơi thường xuyên và cấp nước đầy đủ.

Tránh dành nhiều thời gian trong phòng xông hơi, bồn tắm nước nóng vì điều này có thể gây mất nước.

Thay đổi vị trí cơ thể (chẳng hạn như đứng lên) từ từ.

Tránh nằm quá lâu trên giường.

Tụt huyết áp khi mang thai

Tụt huyết áp khá phổ biến trong 24 tuần đầu tiên của thai kỳ. Khi này, hệ thống tuần hoàn bắt đầu mở rộng, và sự thay đổi nội tiết tố khiến các mạch máu của bạn giãn ra.

Nếu bạn gặp các triệu chứng của tụt huyết áp, hãy trao đổi với bác sĩ khi thăm khám định kỳ. Bạn cũng phải chú ý nhiều hơn đến việc cấp nước đầy đủ trong thời gian này.

Tụt huyết áp nên ăn gì và cách phòng tránh tụt huyết áp - 3

Tụt huyết áp liên quan đến thai kỳ thường biến mất trong giai đoạn sau của thai kỳ hoặc ngay sau khi sinh.

Điều quan trọng là phải kiểm tra và theo dõi huyết áp trong thai kỳ để loại bỏ bất kỳ nguyên nhân cơ bản nào gây ra bệnh này, chẳng hạn như thiếu máu hoặc chửa ngoài tử cung.

Nguồn tham khảo:

Raise Low Blood Pressure Naturally Through Diet - đăng tải trên trang tin y tế Healthline. Xuất bản ngày 8/6/2020.

H.M
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Huyết áp thấp