Nếu biết tác động đúng cách vào khu vực này trên cơ thể, không ít bệnh tật ở cả nam và nữ đều có thể được giải quyết.
Hiện nay, ngày càng có nhiều người mắc các bệnh liên quan tới phụ khoa ở nữ, nội tiết tố ở nam... Với sự gia tăng của tuổi tác, các vấn đề sức khỏe chắc chắn sẽ xuất hiện.
Trên thực tế, một số vấn đề khó chịu có thể được điều trị thông qua y học cổ truyền, thậm chí có thể loại bỏ hoàn toàn gốc rễ của bệnh.
Kinh lạc và khí huyết - nền tảng của sức khỏe
Theo Đông y, lý thuyết bảo toàn sức khỏe thực ra có hai điểm, thứ nhất là kinh lạc có thông suốt hay không, thứ hai là khí huyết có đủ hay không. Tất cả sức khỏe của con người đều liên quan tới 2 vấn đề này.
Theo Đông y, sức khỏe của con người liên quan tới kinh mạch và khí huyết trong cơ thể. (Ảnh minh họa)
Hầu hết, phụ nữ đều bị bệnh do khí và huyết thiếu. Từ xa xưa, y học cổ truyền Trung Quốc đã có quan điểm “phụ nữ lấy huyết làm nền”, họ tin rằng phụ nữ dựa vào khí huyết để nuôi dưỡng và sử dụng cho cơ thể, do đó khí huyết rất quan trọng đối với phụ nữ.
Hoạt động sinh lý của phụ nữ như kinh nguyệt, mang thai, sinh nở, cho con bú không tách rời khí huyết. Bất cứ việc gì cũng cần phải tiêu hao khí huyết, dẫn đến nhiều phụ nữ thường không đủ khí huyết, từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động sinh lý của cơ thể.
Vấn đề của nam giới cũng vậy, thực chất nguyên nhân chính là do kinh lạc bị tắc nghẽn, khí huyết không đủ. Ngày nay, mọi người thường ngồi quá nhiều và ít vận động khiến kinh mạch không thông, tắc khí huyết.
Vì vậy, dù là nam hay nữ cũng cần giải quyết thông suốt kinh mạch. Các kinh mạch tương thông với nhau, tất cả các bệnh tật đều có thể được tiêu trừ.
Vậy làm sao để kinh mạch luôn thông thoáng?
Trên cơ thể có một vùng có huyệt đạo quan trọng để điều trị các bệnh phụ khoa, nội tiết tố, có thể giúp đả thông kinh mạch, dưỡng khí, bổ huyết. Nó thậm chí còn được ví như công tắc của toàn bộ kinh mạch, khí huyết trong cơ thể. Tuy nhiên rất ít người biết đến vùng này trên cơ thể, đó là huyệt Bát Liêu.
Huyệt Bát Liêu không phải là một huyệt duy nhất, mà là một thuật ngữ chung cho tám huyệt. Bát là số 8, Liêu là bên cạnh. Tên gọi Bát Liêu ý chỉ 8 huyệt nằm gần bên cạnh xương cùng. Vùng huyệt đạo này chỉ rộng bằng lòng bàn tay nhưng lại có vai trò quan trọng, là mấu chốt trong việc điều trị các bệnh phụ khoa và nam khoa.
Bát Liêu huyệt nằm trên đường kinh Túc Thái dương Bàng Quang, bao gồm 4 cặp huyệt nằm đối xứng nhau qua xương sống, được gọi tên lần lượt là: Thượng Liêu, Thứ Liêu, Trung Liêu và Hạ Liêu
Bộ phận này tình cờ là vị trí của tử cung nữ giới. Kích thích bộ phận này có thể kích thích trực tiếp vào điểm cốt lõi của tử cung. Còn với nam giới, huyệt Bát Liêu có tác dụng điều trị và phòng ngừa tốt các bệnh về phần dưới cơ thể con người, đặc biệt là các vấn đề về hệ tiết niệu sinh dục.
Cách tác động lên huyệt Bát Liêu để cải thiện sức khỏe
Xoa bóp
Cách đơn giản và hiệu quả nhất là xoa huyệt Bát Liêu. Khi xoa, tốt nhất bạn nên xoa đều từ thắt lưng đến vùng huyệt.
Nếu nhờ người khác xoa thì người massage đứng nghiêng và xoa nhanh lên xuống hoặc trái phải bằng lòng bàn tay. Nếu tự xoa, bạn có thể nằm thẳng trên giường, vòng tay ra sau lưng và dùng lòng bàn tay xoa lên xuống.
Thông thường xoa khoảng 3-5 phút, với tốc độ 60-80 nhịp mỗi phút, xoa cho đến khi da hơi đỏ và nóng, bạn sẽ cảm thấy có một luồng nhiệt truyền đến vùng cọ xát và thậm chí đến chân.
Phụ nữ vô kinh, kinh thưa đặc biệt có thể xoa nhiều hơn. Xoa huyệt Bát Liêu có thể giảm đau thắt lưng, táo bón, đau thần kinh tọa, tê liệt chi dưới, tiểu tiện khó.
Ngoài ra, các bệnh phụ khoa như kinh nguyệt không đều, đau bụng dưới, viêm vùng chậu; các bệnh nam khoa như tuyến tiền liệt, viêm bàng quang cũng có thể áp dụng.
Lưu ý: Tuy xoa bóp tốt nhưng tuyệt đối không được xoa trong thời kỳ mang thai, hành kinh, da bị lở loét, viêm mủ…
Chườm nóng tại huyết Bát Liêu
Xào muối thô, dùng vải bọc lại rồi chườm nóng lên huyệt Bát Liêu khoảng 15 phút. Lưu ý không nên để nhiệt độ chườm nóng quá cao để tránh bị phồng rộp.
Ngoài 2 cách có thể tự làm ở trên, bạn có thể áp dụng phương pháp đốt ngải cứu ở huyệt Bát Liêu. Đây là liệu pháp y học cổ truyền được thực hiện bằng cách hơ nóng các huyệt vị trên cơ thể, sử dụng vật liệu đốt là các nhiên liệu thảo mộc khác nhau, thường là lá ngải cứu.
Tuy nhiên phương pháp này cần được người có chuyên môn thực hiện để đảm bảo an toàn, đừng tự thực hiện nếu không có kinh nghiệm.