Dù là cây mọc dại nhưng rau mã đề từ lâu đã được tận dụng để nấu các món ăn, vừa ngon lại thanh nhiệt giải độc, tốt cho sức khỏe.
Cây mã đề có tên khoa học là Plantaginaceae, là một loại dược liệu thân thảo thường mọc hoang ở nhiều nơi như Bắc Á, Trung Á và châu Âu. Ở Việt Nam, cây mã đề trồng nhiều các tỉnh đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Rau mã đề dễ mọc, không cần chăm sóc cầu kỳ, có nơi trồng để thu hoạch, không thì chúng cũng tự mọc dại gần như ở khu đất nào cũng thấy. Đặc biệt, mã đề sống ở những khu vực ẩm ướt hoặc những vùng đất mềm.
Rau mã đề mọc dại ở khắp mọi nơi, là thứ rau quen thuộc ở các vùng quê
Rất dễ để nhận diện loại rau này, lá của cây mã đề khá lớn và chúng mọc thành một cụm lớn ở phần thân của gốc. Khác với phần thân ngắn, phần cuống lá ở đây khá dài. Hình dạng lá cây bông mã đề có thể tương tự như hình một chiếc thìa lớn. Dọc theo các phiến lá đó là những đường gân lá. Phần hoa của cây cũng rất đặc biệt. Hoa có hương thẳng đứng và mọc thành một bông dài vươn thẳng lên cao. Bên trong mỗi quả như vậy sẽ chứa rất nhiều hạt với số lượng có thể dao động từ 8 – 20 hạt nhỏ. Những hạt nhỏ này sẽ có màu đen hoặc nâu bóng.
Lá rau mã đề
Dù là cây mọc dại nhưng rau mã đề từ lâu đã được tận dụng để làm thuốc vì có tính lạnh, nhiều canxi, khoáng chất. Từ phần lá, thân đến rễ, hạt có thể được sử dụng trong các bài thuốc khác nhau. Bên cạnh đó, một số địa phương còn chế biến loại rau này để làm các món rau, nấu canh được ưa chuộng hơn cả vì có vị ngọt, giải nhiệt rất tốt.
Tìm về thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để gặp ông Phạm Văn Mạnh - chủ một vườn trồng rau mã đề phục vụ nhu cầu kinh doanh. Ông Mạnh cho biết: “Cây mã đề già được nhổ nguyên cây phơi khô nấu nước uống lợi tiểu, khi còn non là món rau ngon đã dùng là khó quên. Lá non tướt dài theo sớ lá trộn trong đĩa rau sống là thức rau ngon hay xắt mỏng nấu canh thịt bò là món canh lành tính thích hợp cho người lớn tuổi, ăn rất tốt cho sức khỏe”.
Những món ngon từ rau mã đề.
Theo chân ông Mạnh vào bếp, có thể thấy rổ rau mã đề chọn ngọn non xắt nhỏ, rồi bắc nước sôi lửa đượm thả rau vào nấu mềm. Lửa to để rau chín nhanh mà vẫn giữ màu xanh, thịt bò ướp gia vị thả vào canh, nêm nếm rồi nhắc xuống. Món canh sẽ có vị ngọt tươi mới, hơi nhân nhẫn đặc trưng của rau mã đề mà đã ăn rồi là luôn nhớ vị. Dư vị đắng còn sót lại sau khi uống hết chén canh rau mã đề sẽ khiến người ăn nhớ mãi không quên.
Ngoài món canh rau mã đề, món rau mã đề ăn sống cũng vô cùng đặc biệt, ăn kèm với các loại rau sống khác để dung hòa vị đắng nhưng lại không gắt như rau cải. Ngoài ra, một số món ăn từ rau mã đề được người dân biến tấu như canh mã đề nấu với thịt bò, nấm, đậu hũ, giò sống… rau mã đề xào với thịt bò cũng là một món ăn lạ và được nhiều người yêu mến. Thông dụng nhất vẫn là trà mã đề, nấu không hoặc nấu với la hán quả hoặc râu bắp thanh nhiệt, giải độc.
Rau mã đề được bán 180.000 đồng/kg trên mạng.
Ngày nay, nhiều người biết tới công dụng của rau mã đề, chính vì vậy mà loại rau này được bày bán rộng rãi hơn trước. Không khó để tìm được loại rau này tại các hàng quán, quầy sạp rau hoặc trên các trang thương mại điện tử. Trung bình, giá của các bó rau mã đề không quá đắt đỏ, chỉ dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/bó khoảng 200gr. Tuy nhiên, giá rau mã đề đã sấy khô lại “thuộc hàng nhà giàu”, có giá lên đến 180.000 đồng/kg.
Sáng đi chạy bộ, chị Nhi (Hà Nội) tạt vào một chợ tạm trên phố mua được 2 bó rau mã đề tươi. “Mình thích loại rau này lắm, vừa thơm lại mát. Mình mua 2 bó, một bó nấu canh thịt bò và nấm, đậu hũ… Bó còn lại nấu nước uống để thanh nhiệt giải độc. Ở Hà Nội, thi thoảng đi chợ tạm thế này bắt gặp một vài bó rau mã đề là mừng rơn, cả nhà hôm nay được đổi bữa, lại là rau sạch tốt cho sức khỏe. Ngặt nỗi phải đi sớm, chứ đi chợ chiều thì không còn mà mua…”, chị Nhi chia sẻ.
Ngoài là loại rau bổ dưỡng, mã đề rất mát lại có tác dụng bổ thận, tăng cường đào thải chất độc cho thận. Chính vì vậy mà trong các bài thuốc dân gian điều trị các bệnh về thận bao giờ cũng có vị thuốc Mã đề. Lá mã đề có thể chữa đờm nhiều, ho lâu ngày, viêm phế quản, viêm thận và bàng quang, bí tiểu tiện, tiểu tiện đau rát ra máu hoặc ra sỏi, phù thũng, mắt đau nhức sưng đỏ (xung huyết),...