Uốn ván- Nguyên nhân và cách điều trị

Uốn ván là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván có tên khoa học là Clostridium tetani gây ra.

Tổng quan

Uốn ván là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván có tên khoa học là Clostridium tetani gây ra. Ở dạng nha bào, vi khuẩn có thể tồn tại nhiều năm trong một số môi trường và kháng với nhiều loại thuốc khử khuẩn, không bị tiêu diệt khi bị đun sôi 20 phút. Nha bào uốn ván có trong đất, cát bụi, phân trâu, bò, ngựa và gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt khuẩn kỹ, sắt thép gỉ... Nha bào uốn ván xâm nhập cơ thể qua vết thương, sau đó thoát nha bào thành thể hoạt động, giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công các bản vận động thần kinh - cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền co cứng đó xuất hiện các cơn co giật. Bệnh nhân bị tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim. Uốn ván có tỷ lệ tử vong rất cao 25 - 90%, đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tử vong trên 95%.

Nguyên nhân

Trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani

Nguyên nhân gây bệnh uốn ván chủ yếu do nhiễm trùng vết thương, chủ yếu là vết thương hở với những bào tử vi khuẩn sinh sôi sẽ gây bệnh uốn ván. Khi các bào tử này xâm nhập vào vết thương trên da sẽ sinh sôi, nảy nở và tạo độc tố gây tê liệt các dây thần kinh. Ở trẻ sơ sinh, uốn ván thường bắt nguồn từ sự nhiễm trùng do cắt dây rốn.

Dấu hiệu

Sau khi bị thương, khoảng 15% trường hợp khởi phát bệnh trong vòng 3 ngày và 10% phát bệnh sau 14 ngày, trung bình là 7 ngày. Uốn ván toàn thân là thể bệnh hay gặp nhất với dấu hiệu điển hình là tăng trương lực cơ và co cứng toàn thân. Mới đầu tăng trương lực cơ ở các cơ nhai, nuốt khó và cứng hay đau các cơ cổ, vai, lưng. Tiếp theo các cơ khác cũng bị tăng trương lực gây ra cứng bụng và cứng các cơ ở gốc chi; do co cứng liên tục các cơ mặt, bệnh nhân có vẻ mặt nhăn nhó hay kiểu cười khẩy, cười nhăn. Co cứng cơ lưng tạo ra một tư thế lưng cong ưỡn lưng. Có bệnh nhân xuất hiện các cơn co cứng toàn thân kịch phát, với cường độ mạnh, những cơn đau làm cho bệnh nhân xanh tím và đe dọa ngừng thở. Các cơn này có thể lặp đi lặp lại, có thể là tự phát hoặc do kích thích dù là rất nhẹ.

Thể bệnh nhẹ: bệnh nhân chỉ bị tình trạng cứng cơ và có một vài cơn co cứng hoặc không có cơn co cứng nào.

Thể vừa: bệnh nhân có dấu hiệu cứng hàm, khó nuốt, cứng cơ và các cơn co cứng.

Thể nặng: bệnh nhân bị nhiều cơn kịch phát, có thể bị sốt (phần lớn không sốt). Các phản xạ gân sâu tăng. Nuốt khó hoặc trướng bụng làm cho bệnh nhân ăn uống khó khăn.

Ngoài ra, có thể gặp rối loạn hệ thần kinh thực vật: huyết áp tăng thất thường, hoặc thường xuyên; nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim; sốt cao, vã mồ hôi. Một số biến chứng về tim mạch có thể gặp là hạ huyết áp và chậm nhịp tim, có khi ngừng tim đột ngột. Những biến chứng khác là viêm phổi, gãy xương, vỡ cơ, loét do nằm.

Uốn ván ở trẻ sơ sinh: thường khởi phát trong 2 tuần đầu sau khi sinh với các dấu hiệu là trẻ bỏ bú, cứng cơ và các cơn co cứng; thường là uốn ván toàn thân và dễ dẫn đến tử vong nếu không điều trị.

Uốn ván cục bộ ít gặp, biểu hiện chỉ giới hạn ở các cơ gần vết thương, đây là thể nhẹ, tiên lượng tốt. Uốn ván đầu là thể hiếm gặp của uốn ván cục bộ, diễn ra sau chấn thương đầu hay nhiễm khuẩn tai. Các triệu chứng gồm: cứng hàm, rối loạn chức năng một hoặc nhiều dây thần kinh sọ, hay gặp là dây số VII, tỷ lệ tử vong cao.

Đối tượng nguy cơ

Những người có nguy cơ mắc bệnh là: người lao động nông nghiệp, làm việc ở các trang trại, các nông lâm trường, chăn nuôi gia súc và gia cầm, dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại, công nhân xây dựng...

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh uốn ván sơ sinh chủ yếu căn cứ vào các triệu chứng thực thể như cứng hàm, co cứng toàn thân, co giật từng cơn với dấu hiệu ngạt thở và nét mặt đau đớn rất đặc biệt của trẻ. Trong trường hợp không điển hình, chẩn đoán phải phân biệt với các bệnh lý gồm: xuất huyết não và màng não xuất hiện trong vài ngày đầu sau khi sinh, trẻ co giật, tím tái, ngừng thở nhưng không cứng hàm liên tục, không có nét mặt đau khổ... Viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh với biểu hiện trẻ không bị cứng hàm ngoài cơn co giật, cần tìm ổ nhiễm khuẩn với các triệu chứng màng não như thóp phồng, cổ cứng, dấu hiệu Kernig. Bệnh Tetani ở trẻ sơ sinh với biểu hiện cơn co giật, có dấu hiệu Chvosteck, trường hợp nghi ngờ phải xét nghiệm canxi huyết. Bị dị tật khớp hàm làm cho trẻ không há miệng được nhưng trường hợp này ít gặp.

Điều trị

Điều trị bệnh uốn ván trẻ sơ sinh nhằm mục đích trung hòa độc tố uốn ván còn lưu hành ở trong máu, săn sóc trẻ sơ sinh trong thời gian độc tố còn bám vào tổ chức thần kinh, điều trị vết thương rốn có trực khuẩn uốn ván gây bệnh. Chủ yếu việc điều trị bệnh uốn ván trẻ sơ sinh bao gồm các phương pháp điều trị đặc hiệu, điều trị cơn co giật, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ.

Điều trị đặc hiệu bằng cách tiêm huyết thanh chống uốn ván. Có hai loại huyết thanh là huyết thanh chống uốn ván lấy từ người với ưu điểm không gây phản ứng, tồn tại lâu, tiêm từ 5.000 - 10.000 đơn vị và huyết thanh chống uốn ván lấy từ huyết thanh ngựa được dùng rộng rãi hơn với liều lượng tiêm từ 10.000 - 20.000 đơn vị; huyết thanh chống uốn ván thường được tiêm dưới da hay tiêm bắp thịt.

Điều trị các cơn co giật có vai trò khá quan trọng vì các cơ co giật có thể gây tử vong đột ngột. Có thể dùng các thuốc an thần và giãn cơ như: Penthobarbital và Secobarbital tiêm tĩnh mạch để làm giãn cơ bắp, sau đó dùng Barbiturate có tác dụng lâu như Phenobarbital. Dùng Meprobamate làm tăng tác dụng của Barbiturate. Có thể cho thêm Chlorpromazine hoặc siro Chloral uống và Diazepam, cần theo dõi chặt chẽ vì thuốc Hydrate Chloral có tác dụng ức chế hô hấp. Lưu ý phải bảo đảm thường xuyên làm thông đường thở. Trường hợp nhẹ, dùng một hoặc hai loại thuốc an thần như Chlorpromazine,  Diazepam; nếu có dấu hiệu suy hô hấp phải đặt nội khí quản, mỗi giờ cần hút đờm dãi cho đến khi giai đoạn cấp tính vượt qua. Đối với trường hợp nặng, theo một số nhà khoa học phải đặt nội khí quản lúc đầu, sau đó mở khí quản đặt ống thông để thông khí cho cả hai phổi; phương pháp điều trị phải được một tập thể bác sĩ lành nghề theo dõi chặt chẽ.

Việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ cũng cần được quan tâm, phải đặt trẻ trong lồng ấp có nồng độ oxy và nhiệt độ thích hợp; nếu không có lồng ấp phải đặt trẻ trong một phòng yên tĩnh, ít ánh sáng. Không nên lay động hoặc bế ẳm trẻ để tránh các cơ co giật. Trong giai đoạn đầu nếu trẻ co giật nhiều thì nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, bảo đảm nhu cầu về nước, điện giải và các chất dinh dưỡng; khi trẻ đỡ co giật nên cho trẻ ăn sữa mẹ qua ống thông mũi-dạ dày số lượng khoảng 50ml với 8 lần mỗi ngày. Nếu không có điều kiện nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, nên đặt ống thông mũi-dạ dày ngay sau khi vào bệnh viện để có thể bơm sữa mẹ và cho uống thuốc kháng sinh, vitamin...

Điều trị vết thương ở rốn bằng cách rửa sạch rốn nhiễm trùng với nước oxy già và dùng kháng sinh. Kháng sinh chỉ có tác dụng kiềm chế trực khuẩn uốn ván nhưng không kiềm chế được việc sản xuất độc tố của vi khuẩn, đồng thời kháng sinh cũng có thể điều trị được tình trạng bội nhiễm.

Phòng bệnh

Biện pháp cơ bản nhất để phòng bệnh uốn ván trẻ sơ sinh là cần tăng cao chi phí cho việc chủ động phòng ngừa bệnh uốn ván; phải loại trừ một số tập quán, thói quen sinh đẻ, đỡ đẻ phản khoa học; cần cải thiện điều kiện vệ sinh của các cơ sở y tế ở tuyến đầu nhất là phòng sinh của các nhà hộ sinh.

Đồng thời cần trang bị đầy đủ các phương tiện đỡ đẻ và phương tiện tiệt trùng theo quy định của ngành y tế; phải theo dõi tốt phụ nữ có thai, tránh tình trạng sinh đẻ tại nhà và trường hợp đẻ rơi; phải đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để có nữ hộ sinh lành nghề; tiêm chủng vắc xin đầy đủ cho trẻ em, đối với trẻ sơ sinh mắc bệnh uốn ván ngoài việc tiêm huyết thanh chống uốn ván cần tiêm giải độc tố uốn ván; lưu ý trong tuần lễ thứ 4 đến tuần lễ thứ 6 phải tiêm lần thứ hai và sau đó tiêm lần thứ ba lúc đó mới có miễn dịch chắc chắn phòng bệnh uốn ván.

Ngoài ra phải tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván cho sản phụ vì người mẹ có thể truyền cho thai nhi miễn dịch chống uốn ván, một số nhà khoa học đã đề xuất tiêm cả giải độc tố cho người mẹ; phương pháp này tỏ ra an toàn và có hiệu quả; các nhà khoa học cũng khuyến cáo nên tiêm 2 lần, khoảng cách giữa 2 lần tiêm càng lớn càng tốt, các kháng thể của người mẹ truyền sang con qua nhau thai sẽ tăng nếu khoảng cách giữa hai lần tiêm càng dài; đối với sản phụ chưa lần nào tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván thì tốt nhất là tiêm lần thứ nhất vào tháng thứ ba đến tháng thứ năm của thời kỳ thai nghén, lần thứ hai vào tháng thứ sáu hoặc tháng thứ bảy; tuy nhiên lần thứ nhất có thể tiêm muộn hơn nhưng lần thứ hai phải tiêm trước ngày sinh khoảng 2 tuần.

Thông Tin Cần Biết

Bệnh lây nhiễm khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY