Cô gái bị tiểu đường vì một thói quen gặp ở nhiều người trẻ

Ngày 13/09/2022 19:00 PM (GMT+7)

Tại Việt Nam, đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trong số các bệnh không lây nhiễm, sau tim mạch và ung thư. Nhiều người quan niệm đây là căn bệnh chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà ít biết răng một số thói quen xấu thường gặp lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người trẻ.

Là nhân viên thiết kế tại một công ty ở quận 8, TPHCM, Mai Thy (26 tuổi) hầu như ngồi cả ngày bên máy tính. Ngoài công việc tại công ty, buổi tối, Thy còn nhận thêm nhiều dự án bên ngoài để kiếm thêm thu nhập. Quỹ thời gian hạn hẹp, hầu như Thy không nấu nướng, chỉ ăn thức ăn nhanh đặt giao đến, hiếm khi tập thể dục hay vận động thể thao.

Thời gian gần đây, cô gái 9X liên tục thấy chóng mặt, mờ mắt, đau đầu. Tuy nhiên, cô chủ quan nghĩ do bản thân thiếu ngủ nên mệt mỏi. Một ngày trong giờ làm việc, Nhi choáng váng, sau đó ngất xỉu và được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ thông báo Thy mắc đái tháo đường tuýp 2 (ĐTĐ tuýp 2), mà nguyên nhân phần lớn có thể đến từ lối sống, đặc biệt là thói quen không vận động của cô gái này.

Thói quen làm việc quá sức, ăn uống thiếu cân bằng có thể khiến người trẻ tăng nguy cơ mắc tiểu đường. (Ảnh minh họa)

Thói quen làm việc quá sức, ăn uống thiếu cân bằng có thể khiến người trẻ tăng nguy cơ mắc tiểu đường. (Ảnh minh họa)

Đái tháo đường tuýp 2 - kẻ giết người thầm lặng

Theo TS.BS Lý Đại Lương, Giảng viên Khoa Y, Đại học Quốc Gia TPHCM, các bác sĩ nội tiết thời gian gần đây tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân trẻ tuổi nhưng đã mắc ĐTĐ túyp 2, thậm chí có những người chưa đến 20 tuổi. Trong khi trước đó, phần lớn bệnh nhân được phát hiện mắc bệnh ở độ tuổi ngoài 40.

Có nhiều lý do có thể giải thích cho việc trẻ hoá bệnh, ví dụ như chế độ ăn uống không lành mạnh: ăn nhiều thực phẩm chiên, xào, nướng, ít chất xơ, ăn thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn… 

“Chế độ ăn uống thiếu khoa học này dẫn đến nhiều mối nguy cho sức khoẻ. Ví dụ nhiều người tưởng lầm uống nước cam vắt hàng ngày sẽ có lợi cho sức khỏe. Thực tế dù chúng ta không bỏ đường thì trong nước cam vẫn cung cấp hàm lượng đường fructose rất cao. Do đó lạm dụng nước ép trái cây không tốt cho sức khỏe, trong khi ăn trái cây trực tiếp thì ngoài vitamin và muối khoáng còn bổ sung thêm được chất xơ. Đồ ăn của chúng ta ngày càng đậm đà gia vị hơn với rất nhiều chất đường và béo. Trong khi Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) đang lo ngại việc giao thức ăn tại nhà qua app dễ dàng đang góp phần tăng tình trạng béo phì, đặc biệt ở thiếu niên và trẻ em. Béo phì từ rất sớm cùng với tăng đường huyết, rối loạn lipid máu tạo thành hội chứng chuyển hoá ngày càng gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi. Những người có hội chứng này sẽ tăng nguy cơ bị bệnh tim gấp nhiều lần’’, BS Lương nói.

Bên cạnh việc ăn uống thì hút thuốc lá và ít vận động thể dục thể thao cũng là nguyên nhân dẫn đến ĐTĐ tuýp 2. Chuyên gia về nội tiết trích dẫn thống kê tại Việt Nam, có 23% thanh niên hầu như không vận động thể dục thể thao, 45% thanh niên thỉnh thoảng mới vận động.

Nhiều người trẻ không nhận ra các dấu hiệu âm thầm của ĐTĐ, khi phát hiện thì đã nặng. (Ảnh minh họa)

Nhiều người trẻ không nhận ra các dấu hiệu âm thầm của ĐTĐ, khi phát hiện thì đã nặng. (Ảnh minh họa)

ĐTĐ là căn bệnh nguy hiểm. Theo BS Lương, vào thời điểm được chẩn đoán ĐTĐ, có khoảng 50% người bệnh đã có ít nhất một biến chứng. Biến chứng của bệnh có thể là tổn thương mắt gây hỏng mắt, tổn thương ở thận gây suy thận, tổn thương thần kinh làm giảm cảm giác ở bàn chân, tăng nguy cơ bị cắt cụt chân. Ngoài ra, bệnh cũng làm tăng tỉ lệ đột quỵ, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và thiếu máu cơ tim.

“Theo một nghiên cứu tại Mỹ được công bố năm 2021, trong số những người mắc ĐTĐ, hơn 50% có biến chứng thận, 50% có bệnh lý về mắt. Ngoài ra, nếu mắc ĐTĐ từ khi còn trẻ, người bệnh sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch 3-4 lần. Do đó, việc phòng ngừa bệnh là hết sức quan trọng’’, chuyên gia nội tiết phân tích.

Việc điều trị ĐTĐ ở người trẻ sẽ bao gồm thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định. Tuy nhiên, BS Lương cũng cho rằng việc dùng thuốc kiểm soát ĐTĐ ở người trẻ sẽ gặp nhiều thử thách hơn so với người lớn tuổi, vì họ có cuộc sống bận rộn, khó giữ được chế độ ăn kiêng điều độ, uống thuốc đầy đủ.  

Dấu hiệu nhận biết đái tháo đường và lý do nhiều người trẻ thường phát hiện bệnh muộn?

Theo BS Lương, về lý thuyết, triệu chứng của ĐTĐ tuýp 2 thường bao gồm: Bệnh nhân sẽ có triệu chứng khát nước dù đã uống nhiều nước; tiểu nhiều; sụt cân không rõ nguyên nhân; mờ mắt, khô mắt; mệt mỏi. Tuy nhiên thực tế, 90% bệnh nhân đái tháo đường không có triệu chứng, do đó họ hoàn toàn không biết mình đang mắc bệnh.

Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa ĐTĐ tuýp 2. (Ảnh minh họa)

Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa ĐTĐ tuýp 2. (Ảnh minh họa)

Một khảo sát năm 2017 cho thấy 6% dân số Việt Nam trong độ tuổi 20-79 tuổi mắc ĐTĐ tuýp 2. Một nghiên cứu khác cũng cho rằng 40-60% bệnh nhân mắc ĐTĐ tuýp 2 hầu như không biết mình mắc bệnh. Bệnh diễn tiến âm thầm theo thời gian, thậm chí mất từ 10-20 năm biến chứng mới lộ ra rõ rệt.

Phân tích về vấn đề này, BS Lý Đại Lương cho biết, khác với người trung niên và lớn tuổi, phần lớn bệnh nhân mắc ĐTĐ tuýp 2 trẻ tuổi ít quan tâm đến bệnh của mình. Có lẽ một phần do họ là những người có lối sống bận rộn, ít có thời gian chăm sóc bản thân, ít có thói quen uống thuốc đều đặn như người cao tuổi, trong khi bệnh diễn tiến âm thầm và trải qua thời gian nhiều năm mới bắt đầu gây biến chứng. Một khi bệnh đái tháo đường đã có biến chứng suy thận, tổn thương mắt, mạch máu tim và não thì chi phí điều trị rất cao mà khó lòng hồi phục lại bình thường.

Theo bác sĩ, đối tượng người trẻ dễ mắc ĐTĐ tuýp 2 là bệnh nhân có cha, mẹ, anh chị em đã bị ĐTĐ. Ngoài ra, những bạn trẻ bị béo phì, đặc biệt béo phì trung tâm (vòng eo ở nữ giới >80 cm và > 90cm ở nam giới), người trẻ cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, hoặc có thói quen sống ít vận động, ăn nhiều đồ béo, ngọt và ít chất xơ đều có nguy có mắc bệnh.

Lối sống lành mạnh là phương pháp ngừa ĐTĐ ở người trẻ

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong một đĩa thức ăn hằng ngày nên chứa ½ là rau củ, ¼ là tinh bột và ¼ là đạm. Một chế độ ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước, ăn đủ chất xơ, hạn chế ăn nhiều đường, giảm nguy cơ béo phì, hạn chế rượu bia, thuốc lá sẽ giúp phòng ĐTĐ.

Bên cạnh đó, việc tăng cường vận động thể dục thể thao là vô cùng cần thiết để nâng cao sức khoẻ và phòng ngừa ĐTĐ tuýp 2. “Chúng ta nên vận động mức độ trung bình 150phút/tuần, ít nhất 5 ngày/tuần. Thay vì dùng xe gắn máy, có thể đi bộ ở đoạn đường ngắn, nên lựa chọn đi cầu thang bộ thay cho thang máy’’, BS Lương nhấn mạnh.

Công dụng bất ngờ của chanh leo: Ăn 1 quả tương đương 8 trái cam, 10 quả táo
Mặc dù quả này có kích thước nhỏ nhưng lại rất giàu chất chống oxy hóa, vitamin và các hợp chất có lợi cho sức khỏe.

Sống khỏe

Theo TUỆ MINH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh tiểu đường..