Loại đặc sản nhìn rùng mình mà nhiều người mê, bổ hơn thịt bê nhưng cũng dễ gây nhập viện

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 12/11/2021 09:20 AM (GMT+7)

Rươi có theo mùa và là loại đặc sản nhiều người ưa thích, chế biến được nhiều món ăn khác nhau. Dù có giá trị dinh dưỡng cao nhưng rươi cũng có thể gây dị ứng, ngộ độc nếu không biết cách sử dụng.

Rươi ngon, bổ nhưng lại dễ gây dị ứng, ngộ độc

Tại Việt Nam, mùa rươi bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch hàng năm. Nó được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nhiều người rất ưa thích. Rươi cũng có giá trị dinh dưỡng rất cao, đặc biệt là hàm lượng đạm còn cao hơn cả một số loài hải sản khác như tôm, cua…

Thạc sĩ, lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, nếu so sánh 100 gram rươi với 100 gram thịt bê, hàm lượng dinh dưỡng của rươi còn cao hơn. Cụ thể, cứ 100g rươi có chứa 81,9g nước, 12,4g protid, 4,4g lipit, cung cấp cho cơ thể 92 calo. Trong khi cùng khối lượng tương tự, thịt bê nạc có chứa 78,2g nước, 20g protid, 0,5g lipit, cung cấp được 87 calo.

Dù có giá trị dinh dưỡng cao nhưng lương y Trung cho rằng không phải ai cũng có thể ăn được loài vật có theo mùa này vì có thể gây dị ứng. Theo đó, rươi cũng giống như một số loài hải sản khác, có chứa chất histamin có thể gây dị ứng cho người dùng. Những người dễ dị ứng với histamin nếu nhẹ có thể gây ngứa, nôn mửa, trường hợp nặng có thể gây mệt mỏi, khó thở, sốc.

Rươi có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng dễ bị dị ứng khi ăn, nên những ai có tiền sử dị ứng cần lưu ý.

Rươi có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng dễ bị dị ứng khi ăn, nên những ai có tiền sử dị ứng cần lưu ý.

Tình trạng dị ứng có thể xuất hiện từ từ sau vài giờ hoặc nửa ngày sau khi ăn. Trường hợp cấp tính có thể xuất hiện sau ăn khoảng 30 phút, gây ra phản ứng sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Những lưu ý khi ăn rươi để tránh ngộ độc

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về công nghệ thực phẩm) cho rằng, ngoài vấn đề có thể gây dị ứng, người dân khi ăn rươi cần lưu ý đến vấn đề vệ sinh.

PGS Thịnh cho biết, rươi là loại nhuyễn thể, sống ở môi trường đáy nước, nhiều bùn đất nên dễ nhiễm chất độc từ môi trường sống. Vì thế, nếu không chú ý đến khâu vệ sinh thì dễ bị nhiễm khuẩn Salmonella, E.coli, gây tiêu chảy… Do đó, khâu chế biến sạch sẽ, đúng cách được nhấn mạnh hàng đầu khi ăn rươi.

“Rươi chỉ có ở một số tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình… nhưng sản phẩm từ rươi có mặt ở khắp cả nước. Vì thế quá trình sơ chế, bảo quản, vận chuyển cần hết sức chú ý đến khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm

Nếu không lựa chọn kỹ (cần loại bỏ con rươi đã chết trước khi bảo quản), việc bảo quản lạnh quá lâu, không đúng quy định, không hợp vệ sinh có thể khiến rươi bị nhiễm độc tố của vi khuẩn, trong đó thường gặp nhất là độc tố tụ cầu gây tiêu chảy”, PGS Thịnh cảnh báo.

Rươi rất dễ nhiễm khuẩn nên quy trình xử lý, bảo quản phải hết sức lưu ý.

Rươi rất dễ nhiễm khuẩn nên quy trình xử lý, bảo quản phải hết sức lưu ý.

Để tránh ngộ độc, dị ứng khi ăn rươi, PGS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo với những người lần đầu ăn rươi không nên ăn nhiều, chỉ nên ăn thử xem có phù hợp không. Với những người có tiền sử dị ứng với một số thức ăn giàu đạm như hải sản, nhộng... không nên ăn rươi. 

“Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ cũng không nên ăn rươi, vì đây là thực phẩm giàu đạm. Bà bầu ăn vào sẽ khó tiêu, đầy bụng, còn trẻ nhỏ hệ tiêu hóa còn non yếu cũng không nên sử dụng, hoặc chỉ ăn rất ít nếu không bị dị ứng”, ông Thịnh cho hay.

Vì sao chế biến rươi với vỏ quýt?

Trong cách chế biến rươi, đặc biệt là chả rươi, có một nguyên liệu đi kèm dường như không thể thiếu đó là vỏ quýt. Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, đây là sự kết hợp hoàn hảo vừa tăng độ ngon, vừa có tác dụng hỗ trợ nhau, thậm chí còn là vị thuốc.

Rươi và vỏ quýt kết hợp với nhau không chỉ tăng hương vị món ăn, mà còn là vị thuốc.

Rươi và vỏ quýt kết hợp với nhau không chỉ tăng hương vị món ăn, mà còn là vị thuốc.

Theo đông y, vỏ quýt (hay còn gọi là trần bì) có vị cay, đắng, the, mùi thơm, tính ấm có tác dụng điều khí, hóa đờm, tiêu chảy, kém ăn, khó tiêu... Khi kết hợp vỏ quýt với rươi sẽ có tác dụng hỗ trị chữa đầy bụng, khó tiêu, làm tiêu đờm.

Ngoài vỏ quýt, trong đông y rươi cũng có thể kết hợp với một số vị thuốc khác, có tác dụng tốt cho cơ thể. Cụ thể: Rươi 50g, Đại táo 10 quả, Xương lợn 200g cho nước vào hầm uống, mỗi ngày 1 thang, chữa huyết hư, bồi bổ cơ thể.

Có thể dùng rươi đem sấy khô, tán nhỏ, trộn với nước thành dạng keo, đắp lên vùng bị bệnh. Nếu mụn chưa vỡ thì có thể giúp tiêu sưng, giảm đau. Nếu mụn đã vỡ rồi thì có thể giúp mụn mau khỏi, chóng lên da non.

Xem bữa ăn của 92.000 người Nhật biết bí quyết sống thọ: Ăn ít 1 món, ăn nhiều 7 món
Người Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới một phần là nhờ những thói quen ăn uống dưới đây.

Sống khỏe

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm