Về cơ bản, khi trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, hãy đảm bảo các yếu tố trung thực, biết đưa câu trả lời vào một câu chuyện, có tìm hiểu thông tin chi tiết, không lan man và đừng thể hiện rằng mình đang quá lo lắng.
Trong một cuộc phỏng vấn, có rất nhiều điều để bạn nói về bản thân mình. Một trong những phần khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng nhất khi đối diện nhà tuyển dụng chính là yêu cầu bạn nói với họ về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.
"Nếu phải chọn 1, đâu là điểm bạn nghĩ yếu nhất của mình", "Điểm mạnh nhất của bạn là gì?" hoặc cả 2 câu này sẽ là những gì mà hầu hết bạn đều phải trải qua trong quá trình tuyển dụng. Việc chuẩn bị trước câu trả lời sẽ giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Tại sao người phỏng vấn lại hỏi những câu hỏi này?
Trước khi bạn bắt đầu lập kế hoạch cho câu trả lời của mình, sẽ rất hữu ích khi bạn hiểu vì sao các nhà tuyển dụng lại hay hỏi hai câu này và họ hy vọng nhận được thông tin gì từ chúng.
Angela Smith, huấn luyện viên nghề nghiệp và là người sáng lập của Loft Consulting chia sẻ: “Mọi cuộc phỏng vấn đều là một buổi làm quen. Nhiều người có thể cảm thấy như đối phương đang cố đặt mình vào thế khó xử song thực chất là họ đang muốn tìm hiểu bạn để có thể đưa ra quyết định tốt nhất có thể."
Theo cô, những điểm mạnh và điểm yếu thực tế mà bạn nêu ra có thể ít quan trọng hơn cách mà bạn nói về chúng. Smith nói: “Tôi đã thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn trong nhiều năm và thú thực là tôi không thực sự nhớ được hết các câu trả lời. Điều đó không có nghĩa là các câu hỏi hoàn toàn không quan trọng, mà điều này có nghĩa rằng nhà tuyển dụng có thể không cố đi sâu vào điểm mạnh hoặc điểm yếu cụ thể nào mà bạn nêu ra. Họ đang cố gắng hiểu bạn là kiểu nhân viên nào và bạn sẽ thực hiện vai trò của mình ra sao.
Đối với tôi thì điều đó là: Bạn có trung thực không? Bạn có nhận thức được về bản thân không? Bạn có thể sử dụng các nguồn lực mình có một cách chuyên nghiệp và thuần thục không? Bạn có biết lắng nghe không."
Về cơ bản, khi trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, hãy đảm bảo các yếu tố trung thực, biết đưa câu trả lời vào một câu chuyện, có tìm hiểu thông tin chi tiết, không lan man và đừng thể hiện rằng mình đang quá lo lắng.
Làm thế nào để trả lời "Điểm mạnh của bạn là gì?" trong một cuộc phỏng vấn
Chìa khóa để nói về điểm mạnh của bạn trong một cuộc phỏng vấn là sử dụng cơ hội để chứng minh rằng bạn là người phù hợp nhất với vị trí ứng tuyển.
Theo Smith, bạn nên đọc kỹ phần mô tả công việc và tìm hiểu càng nhiều càng tốt về những gì công ty đang phát triển và văn hóa tại nơi làm việc ở đó. Hãy xác định những điểm mạnh của mình và đâu là điểm mạnh phù hợp nhất với vị trí yêu cầu cũng như điều mà công ty đó hướng tới. Smith nói: “Mọi câu trả lời đều nên định vị bạn, để họ thấy được cách mà bạn có thể giải quyết một vấn đề và giúp công ty họ đạt được mục tiêu".
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên đi quá đà, thể hiện rằng mình đang khoe khoang. Chắc chắn bạn cũng không muốn biến mình thành người tự mãn. Hãy nói về điểm mạnh một cách tự tin và trung thực thay vì cường điệu.
Nếu bạn ứng tuyển vào vai trò điều hành tại một công ty khởi nghiệp, bạn có thể nói:
“Tôi muốn nói rằng một trong những điểm mạnh nhất của tôi là khiến không khí làm việc trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết và triển khai các quy trình để giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Trong vai trò hiện tại của tôi là trợ lý điều hành cho một CEO, tôi đã tạo ra các quy trình mới cho hầu hết mọi thứ, từ lên lịch họp cho đến lập kế hoạch các chương trình làm việc hàng tháng đến lựa chọn và chuẩn bị cho các sự kiện mới.
Mọi người trong công ty đều biết rõ mọi thứ hoạt động như thế nào và chúng sẽ tốn thời gian bao lâu. Tôi rất vui khi có thể đưa cách tiếp cận tương tự vào với vai trò là người quản lý hoạt động tại một công ty khởi nghiệp, nơi mọi thứ đều mới và không ngừng phát triển.”
Cách trả lời hay cho câu hỏi "Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?"
Dù bạn chắc chắn muốn gắn điểm mạnh của mình với vị trí và công ty mình đang ứng tuyển, hãy tránh cách tiếp cận đó khi nói về điểm yếu của mình. Smith nói: “Bạn không nhất thiết muốn họ liên kết điểm yếu với công ty họ hoặc với những gì họ đang tìm kiếm. Ví dụ: Nếu yêu cầu công việc bán hàng cần kỹ năng giao tiếp, bạn không nên nói rằng một trong những điểm yếu của mình là hay suy nghĩ lung tung khi gọi các cuộc gọi điện dù bản thân làm việc rất chăm chỉ và thấy mình hoàn toàn có năng lực".
Thay vào đó, hãy chuẩn bị một số phương án để bạn có thể lựa chọn và sử dụng trong mỗi cuộc phỏng vấn. Hãy nói về một điểm yếu không làm giảm đi khả năng thực hiện các chức năng cốt lõi trong vị trí công việc mà bạn ứng tuyển. Hãy chắc chắn rằng bạn nhận thức được điểm yếu của mình và kết thúc một cách mạnh mẽ, thể hiện sự cầu thị của mình.
Lời khuyên tiếp theo chính là đừng bao giờ đưa ra những “điểm yếu” như: “Tôi thật là một người quá chăm chỉ” hoặc “Tôi quá cầu toàn”. Việc đi theo con đường này sẽ dễ gây phản tác dụng bởi nó là hoàn toàn không cần thiết, thậm chí mang tính làm màu.
Nếu bạn đang nộp đơn cho một vị trí công việc về kỹ thuật, bạn có thể nói rằng:
“Điểm yếu lớn nhất của tôi có lẽ là thường không hỏi ngay những thắc mắc của mình về dự án mới để đảm bảo rằng bản thân liệu có đang đi đúng hướng không. Tôi nhận ra điều này trong công việc đầu tiên nhận sau khi ra trường. Tôi nghĩ rằng mình có thể làm việc độc lập và tôi đã lãng phí thời gian đi một con đường không hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cuối cùng. Sau đó, tôi đã phải dành thêm thời gian để thực hiện các thay đổi.
Tình huống tương tự xảy ra thêm 1, 2 lần và tôi đã bắt đầu hỏi người quản lý của mình nhiều câu hỏi hơn về lý do tại sao chúng tôi cần thêm một tính năng cụ thể, nó dành cho ai và điều gì về chức năng trước đó đã tạo ra những trải nghiệm tệ… Tôi biết rằng về lâu dài, điều này sẽ giúp ích tôi hoàn thành các dự án nhanh hơn và làm việc tốt hơn”.