Việt Nam được đánh giá là nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao, có những loại vi khuẩn tỷ lệ kháng lên gần 90%.
10 triệu người trên thế giới có thể tử vong mỗi năm do vi khuẩn kháng thuốc. Con số này cao hơn cả số người tử vong do ung thư hằng năm. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các vi khuẩn kháng thuốc.
Đáng báo động ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng đặc biệt ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với carbapenem thế hệ mới. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới.
Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” và là một trong số các nước đi đầu trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 (Quyết định số 2174/QĐ-BYT ngày 21/6/2013), với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
“Kế hoạch phòng chống kháng thuốc là Kế hoạch liên ngành, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết thực hiện của tất cả các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc chứ không chỉ riêng của ngành y tế”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, kháng sinh ra đời không chỉ có lợi ích to lớn trong điều trị, chăm sóc người bệnh mà còn được sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất. Song song với điều này cũng đã xuất hiện tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn.
Bộ Y tế chỉ ra rằng: có 3 nguyên nhân dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam, đó là bán thuốc không kê đơn, nhiễm khuẩn bệnh viện và lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản. Đặc biệt, có những loại kháng sinh thế hệ mới cũng bị kháng.
Thống kê của ngành y tế, hơn 90% thuốc kháng sinh được bán không cần đơn. Nguy hiểm là hiện nay các vi khuẩn bệnh viện kháng nhiều loại kháng sinh đặc trị chiếm từ 50% đến 80%. Nếu cứ tiếp tục sử dụng kháng sinh như hiện nay, việc không có thuốc kháng sinh để điều trị sẽ là điều khó tránh khỏi tại Việt Nam.
Có ba loại kháng sinh được kháng nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin; cephalexin và azithromycin.
Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra 5 khuyến cáo cho Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tới việc thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc sử dụng kháng sinh; xây dựng chính sách phù hợp; can thiệp vào các bệnh viện, trang trại và cộng đồng và các thuốc kháng sinh trên thị trường phải đảm bảo chất lượng để tránh lạm dụng. Tổ chức Y tế Thế giới cũng cam kết sẽ đồng hành với Chính phủ Việt Nam để đẩy lùi tình trạng kháng kháng sinh.