Ung thư cổ tử cung là ung thư phổ biến tại Việt Nam. Nhưng ai nên đi sàng lọc bệnh này?
Ngày 17/8, Hội Sản phụ khoa Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học phương pháp mới trong phát hiện sớm nguy cơ Ung thư cổ tử cung.
Theo các chuyên gia sản phụ khoa, ung thư cổ tử cung (UTCTC) là ung thư phổ biến hàng thứ tư tại Việt Nam và nguyên nhân chính là do nhiễm dai dẳng HPV (virus gây u nhú ở người).
Mỗi năm tại Việt Nam có hơn 5.000 trường hợp được chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Ảnh minh họa
“Mỗi năm tại Việt Nam có hơn 5.000 trường hợp được chẩn đoán ung thư cổ tử cung và hơn nửa số đó tử vong do phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn” – GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Tuy nhiên, UTCTC có thể ngăn ngừa nếu chúng ta phát hiện nguy cơ bệnh sớm. Tại Việt Nam, hiện có 3 phương pháp sàng lọc phát hiện bệnh nay gồm: Xét nghiệm tế bào cổ tử cung, VIA (là phương pháp quan sát cổ tử cung bằng mắt thường với dung dịch axit Axetic 3 đến 5%) và mới nhất, tháng 7/2016, Bộ Y tế đã phê duyệt Xét nghiệm cobas HPV - xét nghiệm chính ban đầu (xét nghiệm đầu tay) trong sàng lọc UTCTC.
Xét nghiệm HPV giúp bác sỹ đánh giá xem người phụ nữ có nguy cơ bị UTCTC hay không, để từ đó có hướng theo dõi và xử lý thích hợp, kịp thời.
“Kỹ thuật sàng lọc tiên tiến này giúp phát hiện các phụ nữ bị nhiễm chủng HPV nguy cơ cao. Tôi khuyến khích phụ nữ trong độ tuổi từ 25 trở lên hãy làm xét nghiệm sàng lọc UTCTC” - BS. Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ.
Chuyên gia khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi từ 21-70 đã quan hệ tình dục, đặc biệt là độ tuổi từ 30-50 cần phải làm xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Theo đó, phụ nữ từ 21-29 tuổi cần làm xét nghiệm sàng lọc bằng tế bào cổ tử cung hoặc VIA 2 năm/lần.
Virus HPV gây nên 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung ảnh hưởng đến 500.000 phụ nữ trên toàn cầu và hơn 50% số này tử vong mỗi năm. Phần lớn tỷ lệ tử vong đến từ các nước châu Á.