Khả năng bị lây bệnh xã hội khi đi vệ sinh tại các nhà vệ sinh công cộng là hoàn toàn có thể xảy ra, do vậy việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng, nhất là với các chị em.
Bác sĩ Phan Chí Thành là một chuyên gia tư vấn về các vấn đề tình dục ở nữ giới, nhất là rối loạn chức năng tình dục nữ.
Tại các cơ quan công sở, hay thậm chí là công viên, nơi công cộng, việc dùng chung nhà vệ sinh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, có không ít người, trong đó chủ yếu là chị em lo ngại về vấn đề liệu dùng chung nhà vệ sinh có bị lây bệnh ở vùng kín?
Chị Minh Hoa (34 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) đang làm việc cho một công ty nước ngoài chia sẻ, bản thân chị rất ngại việc đi vệ sinh ở công ty, vì một tầng của tòa nhà văn phòng với vài trăm người nhưng chỉ có vài nhà vệ sinh. Dù có người dọn dẹp, nhưng chị vẫn cảm thấy lo lắng, nhất là nguy cơ bị lây bệnh xã hội từ nhà vệ sinh chung.
Theo tâm sự của chị Hoa, bản thân chị có lần bị ngứa vùng kín rất khó chịu, may mắn đi khám chỉ là viêm nhiễm thông thường, chứ không mắc bệnh gì nghiêm trọng. Chị cho rằng, chính việc dùng chung nhà vệ sinh là nguyên nhân khiến chị bị ngứa ngáy. Do vậy, mỗi khi đi vệ sinh, ngoài lau thật sạch bệ ngồi, chị còn lót thêm rất nhiều giấy sau đó mới dám ngồi.
Nhiều phụ nữ lo ngại việc dùng chung nhà vệ sinh sẽ lây bệnh ở vùng kín. (Ảnh minh họa)
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, chia sẻ của chị Hoa cũng là lo lắng của rất nhiều chị em, bản thân bác sĩ cũng thường xuyên phải giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề này.
Theo bác sĩ Thành, trước hết phải chỉ ra những bệnh lây qua đường tình dục thường gặp nhất hiện nay đó là HIV, giang mai, lậu… đây là những bệnh lây qua sự tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan sinh dục và dịch tiết sinh dục như tinh dịch, dịch tiết âm đạo khi quan hệ tình dục. Còn việc tiếp xúc đơn thuần ngoài da như đi vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng, thì không làm tăng nguy cơ mắc các bệnh này.
Tuy nhiên, với bệnh sùi mào gà lại khác hoàn toàn. Hiện nay có nhiều bằng chứng y học chứng minh virus HPV (gây bệnh sùi mào gà) có thể lây truyền qua tiếp xúc da đơn thuần.
Bác sĩ Thành cho biết, virus HPV có thể tồn tại nhiều ngày ở các kẽ ngón tay, móng tay, hay các bề mặt tiếp xúc công cộng khác như tay nắm cửa, nút gạt xả nước bồn cầu... Do đó, nếu nhà vệ sinh công cộng không được vệ sinh cẩn thận, virus HPV có thể lây qua tiếp xúc ví dụ qua da tay, chân, tay nắm cửa nhà vệ sinh.
Cần gạt nước, tay nắm cửa là nơi dễ lây nhiễm bệnh khi tiếp xúc. (Ảnh minh họa)
Đáng lưu ý hơn, virus HPV có thể lây cho người khác ngay cả khi người nhiễm virus này không có biểu hiện dấu hiệu hay triệu chứng gì. Đa phần các trường hợp nhiễm HPV sẽ tự khỏi. Các trường hợp không tự khỏi sẽ gây ra một số vấn đề về sức khỏe như: mụn cóc ở cơ quan sinh dục, mụn cóc trên da, một số trường hợp có thể hây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và ung thư dương vật ở nam giới.
Do vậy, để phòng bệnh thì cần tiêm vắc xin phòng HPV, thời điểm tiêm tốt nhất là khi chưa quan hệ tình dục. Ngoài ra, cần phải có lối sống tình dục an toàn, chung thủy dùng các biện pháp bảo vệ như bao cao su vẫn vô cùng quan trọng. Quan hệ chung thủy với một bạn tình, một vợ một chồng cũng giúp hạn chế nguy cơ lây lan HPV.
Mặt khác, việc khám sàng lọc định kỳ các bệnh lây truyền qua đường tình dục là vô cùng quan trọng. Trong sinh hoạt hàng ngày cần vệ sinh sạch sẽ bàn tay trước và sau khi đi vệ sinh. Nhà vệ sinh cũng cần phải được lau dọn, khử khuẩn thường xuyên nhất là những vật dụng thường xuyên cầm nắm…
Tin liên quan
Việc ăn uống và sinh hoạt cân bằng trong dịp Tết Nguyên đán là rất quan trọng để vừa bảo vệ sức khỏe, vừa không bị đảo lộn nhịp sinh học của...
Tin bài cùng chủ đề Sùi mào gà
Sau một đêm vui vẻ với gái lạ, nam thanh niên ở Hà Nội đã phải nhận cái kết đắng khi mắc cùng lúc hai bệnh lây qua đường tình dục.
Bệnh tình dục khác