Măng có giá trị dinh dưỡng rất ít, thậm chí chỉ có chất xơ nhưng đây lại là chất xơ không hòa tan, gây khó khăn khi tiêu hóa.
Canh măng là món ăn quen thuộc và dường như không thể thiếu trong mâm cơm mỗi gia đình dịp Tết. Đây còn là món ăn khoái khẩu của nhiều người từ trẻ đến già, bởi ngày Tết khi ăn nhiều thịt mỡ, bánh chưng, măng lại là món ăn chống ngán.
Dù là món ăn yêu thích của nhiều người nhưng các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo tuyệt đối không nên ăn nhiều, thậm chí ăn không đúng cách còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Tường Vi - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện 198) cho biết, măng được sử dụng chủ yếu ở 2 dạng đó là măng tươi và măng khô. Trong đó, măng khô thường được sử dụng nhiều trong dịp Tết.
Măng có nhiều chất xơ, nhưng ít giá trị dinh dưỡng, không nên ăn nhiều.
Theo bác sĩ Vi, xét về gia trị dinh dưỡng măng dường như không có giá trị gì. Chất xơ có trong măng nhiều nhất, tuy nhiên đây lại là chất xơ này không giống như các loại rau củ khác. Thông thường chất xơ có tác dụng chống táo bón, có vai trò kích thích tiêu hoá, thức ăn cho hệ vi sinh đường ruột, chất xơ ngấm nước giúp kiểm soát cân nặng, mềm phân…
Còn chất xơ của măng là chất xơ không hòa tan, ăn nhiều có thể gây cản trở quá trình hấp thụ dinh dưỡng và làm tăng nguy cơ tắc ruột.
“Khi chế biến các món ăn từ măng, đa số các gia đình thường nấu cùng với các thực phẩm khác như thịt, xương hay một số loại rau gia vị. Chính điều đó tạo nên vị ngon ngọt của canh măng. Vì có vị ngon như vậy nên nhiều người ăn không kiểm soát, thậm chí ăn vã, điều đó tạo thành viên bã thức ăn gây nên tình trạng tắc ruột, đặc biệt ở những người già, trẻ nhỏ, người có hệ tiêu hóa kém”, bác sĩ Tường Vi cho hay.
Từ những phân tích trên, bác sĩ Tường Vi khuyến cáo món canh măng dù ngon tới đâu cũng chỉ nên ăn có chừng mực, tuyệt đối không ăn trừ bữa. Theo vị chuyên gia này, khi ăn măng chỉ nên ăn vài miếng cho ngon miệng, khoảng 1/2 bát ăn cơm. Với người già, trẻ nhỏ không nên ăn, nếu có chỉ ăn vài miếng nhỏ.
Khi ăn và chế biến canh măng cần phải hết sức lưu ý để không gây hại cho sức khỏe.
Ngoài vấn đề khó tiêu hóa, trong măng còn có hàm lượng glucozit khá cao, nếu ăn nhiều và liên tục khi vào cơ thể dưới tác động của các enzyme đường tiêu hóa sẽ chuyển thành thành chất acid xyanhydric. Acid xyanhydric là chất gây độc cho cơ thể và gan, trong khi đó gan có vai trò thải độc cho cơ thể.
Để hạn chế tác động từ những chất có hại từ măng đối với cơ thể, bác sĩ Tường Vi khuyến cáo khi mua măng về mọi người cần luộc trước khoảng 2-3 nước trước khi chế biến. Khi nấu cũng lưu ý cần phải luộc và ngâm nhiều nước để glucozit giảm đi. Đây cũng là lý do vì sao măng tươi tới tay người tiêu dùng nó đã chua.
Bác sĩ Tường Vi khuyến cáo, hiện nay trên thị trường có những loại măng củ ngọt tươi được rất nhiều người ưa chuộng. Nhưng khi sử dụng loại măng tươi này cần phải lưu ý phải luộc và ngâm trước khi ăn.
Trường hợp nếu không luộc và ngâm măng có thể gây ngộ độc măng do acid xyanhydric. Thậm chí, nếu ăn nhiều sẽ gây ngộ độc giống như bị say sắn (củ sắn).