Đau nhức xương khớp đi khám, điều trị nhiều nơi không khỏi, có lúc bệnh nhân chán nản muốn tìm đến cái chết để giải thoát, không phải sống trong cảnh đau đớn.
Bệnh nhân Nguyễn Thị H (62 tuổi, ở Hà Nội) đến Bệnh viện E khám vì bị đau xương khớp nhiều năm. Trước đó, bà đã đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, các bác sĩ xương khớp đã mời Ths.BS Nguyễn Viết Chung (khoa Sức khỏe Tâm thần) cùng tham gia hội chẩn cho bệnh nhân.
Theo chia sẻ của người bệnh, do bị đau xương khớp nhiều năm, khám và điều trị không thuyên giảm nên bà sinh ra cảm giác chán nản, buồn bã và tuyệt vọng, thậm chí có lúc muốn tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời và không phải chịu đựng những cơn đau dằn vặt nữa.
Phụ nữ trầm cảm không có biện pháp can thiệp, phát hiện sớm rất dễ dẫn đến hành vi tự sát. (Ảnh minh họa)
Sau khi nghe bệnh nhân chia sẻ, cùng với việc thăm khám cụ thể, bác sĩ Chung chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm. “Khi tôi thông báo, bệnh nhân đã đứng phắt dậy đi về và nói rằng không tin vào chẩn đoán đó”, bác sĩ Chung nói.
Thời gian sau đó, bệnh nhân H tiếp tục đi khám ở nhiều nơi, thậm chí có được kê thuốc điều trị tâm thần nhưng không đỡ. Khi đó, bệnh nhân tiếp tục quay lại Bệnh viện E để xin tư vấn.
“Khi gặp tôi ở khoa, bệnh nhân gửi lời xin lỗi vì đã không tin tưởng vào chẩn đoán ban đầu của bác sĩ, chỉ vì nhìn tôi... còn trẻ quá”, bác sĩ Chung kể lại.
Khi bác sĩ và bệnh nhân thống nhất phương án và bước vào quá trình điều trị, kết quả tiến triển tốt ngoài sự tưởng tượng của chính người bệnh. Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhân tinh thần tốt lên, cười nói nhiều hơn và lạc quan hơn hẳn “Sau 2 tháng điều trị, 80% các triệu chứng của trầm cảm và đau xương khớp trước đây đã hết”, bác sĩ Chung thông tin.
Bác sĩ Chung khuyến cáo khi có biểu hiện bất thường về sức khỏe tâm thần cần phải đi khám sớm.
Qua trường hợp của bệnh nhân trên, bác sĩ Chung khuyến cáo bất cứ ai cũng có nguy cơ bị trầm cảm. Đặc biệt ở nhóm tuổi già, khi đã về hưu. Trầm cảm không chỉ đơn thuần là cảm xúc buồn bã mà có những trường hợp bệnh lại xuất hiện các triệu chứng về cơ thể: đau khớp, đau đầu, hồi hộp, mệt mỏi, cảm giác khó ở...
Do vậy, mọi người cần quan tâm tới sức khoẻ tinh thần của mình hơn để tránh bị chẩn đoán và điều trị nhầm như trường hợp bệnh nhân trên. Mọi người cần đi khám khi có một vài biểu hiện như: ăn uống, ngủ, nghỉ… không còn được bình thường.
Các biểu hiện cần đi khám, tham vấn ý kiến bác sĩ:
- Khó ngủ, ngủ không tốt, dễ gặp ác mộng, ngủ hay tỉnh dậy giữa đêm, ngủ dậy vẫn thấy mệt mỏi…
- Trạng thái hay gặp nhất là mệt mỏi mãn tính, cơ thể như không có năng lượng, không có động lực làm việc.
- Cảm xúc thay đổi, dễ cáu gắt, nóng giận, nhỏ nhen hơn trước đây, không kiểm soát được cảm xúc của mình.
- Lo lắng thái quá, suy nghĩ quá nhiều, mất tập trung dẫn tới khó hoàn thành được việc gì.