Do gia đình có người bị ung thư qua đời, nam sinh lo lắng mình mắc bệnh, sau đó đã thực hiện chế độ ăn thực dưỡng để rồi phải nhập viện trong tình trạng suy kiệt, tâm thần.
ThS.BS Nguyễn Viết Chung có nhiều năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh về tâm lý, thần kinh, đặc biệt là các rối loạn lo âu, ám ảnh,...
Đối với bất cứ ai, khi nghe tin người thân hay bản thân mắc ung thư đều vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, không ít người dù bản thân không mắc bệnh, nhưng luôn bị ám ảnh về căn bệnh này, từ đó tìm mọi cách để phòng tránh, trong đó có cả biện pháp phòng bệnh tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
ThS.BS Nguyễn Viết Chung, Trưởng Khoa sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E mới tiếp nhận một nam bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, cơ thể suy kiệt vì sợ mình mắc ung thư. Bệnh nhân tên Ngọc Quang (19 tuổi, ở Hà Nội) có người thân bị ung thư và qua đời. Từ đó, nam sinh này rất sợ bản thân cũng mắc bệnh, nên tìm mọi cách phòng tránh.
Quang học theo trên mạng, nghe lời truyền tai và thực hiện ăn chay thực dưỡng để không mắc ung thư. Quang cho biết, khi tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội, mọi người đều khuyên ăn chay là cách diệt tế bào ung thư đơn giản, hiệu quả. Chế độ ăn hàng ngày của Quang không có chất đạm và chất béo từ động vật, nam sinh chỉ ăn một bát cơm, còn lại là các loại rau quả. Đặc biệt, Quang cũng không ăn quả ngọt, vì cho rằng như vậy sẽ nạp đường vào cơ thể để nuôi ung thư.
Việc ăn chay cực đoan để phòng ung thư là sai lầm. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Chung cho biết, do Quang đang ở độ tuổi phát triển, việc ăn chay trường theo kiểu cực đoan khiến cơ thể ngày càng yếu dần, sức khỏe đi xuống, không thể đi học được. Không chỉ có vậy, nam sinh này còn bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề (tâm lý đám đông), khi bị lôi kéo, tham gia vào các hội nhóm, trào lưu về ăn uống thực dưỡng, phòng bệnh ung thư.
Kết quả, sau 2 năm ăn thực dưỡng, nam sinh đã phải nhập viện cấp cứu do rối loạn điện giải, suy kiệt cơ thể, không thể đi lại được. Ngoài ra, do bị lôi kéo vào các hội nhóm thực dưỡng, bệnh nhân giống như đã bị “tẩy não”, nên dần mất đi tư duy phản biện. Sau khi hội chẩn, ngoài vấn đề về suy dinh dưỡng, bệnh nhân còn được chẩn đoán bị rối loạn tâm thần liên quan tới ăn uống.
Khi nhập viện, ngoài các vấn đề về tâm thần cần phải điều trị, do không thể ăn uống, bệnh nhân được nuôi dưỡng bằng tĩnh mạch và ăn xông để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Theo quan điểm của bác sĩ Chung, ăn chay cũng có mặt tích cực, nhưng cần có kiến thức và cần được tư vấn xem cơ thể, độ tuổi, công việc có phù hợp với việc ăn chay hay không. Riêng với nam sinh trên, bác sĩ Chung cho rằng, do đang ở trong độ tuổi phát triển mạnh mẽ nhất về tư duy, thể chất nên việc ăn chay cực đoan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Việc bị đám đông lôi kéo, nếu không tỉnh táo sẽ rất dễ bị rối loạn tâm thần. Ảnh minh họa.
Đối với việc sợ bệnh tật, nhất là ung thư, bác sĩ Chung cho rằng, đây là tâm lý chung của nhiều người. Tuy nhiên, việc phòng bệnh cũng cần dựa trên bằng chứng khoa học, tuyệt đối không nghe theo tin đồn, sự lôi kéo của các hội nhóm để rồi rơi vào tâm lý đám đông. Khi bị lôi kéo vào các hội nhóm không chính thống, nếu không phát hiện và định hướng kịp thời, người bệnh rất dễ bị dẫn dắt vào các trào lưu, mất khả năng phản biện và lâu dần sẽ rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần.
“Với trường hợp bị rối loạn tâm thần do sợ hãi hay tác động từ tâm lý đám đông, ở giai đoạn ban đầu khi điều trị, bác sĩ sẽ đồng hành cùng người bệnh, giúp nâng cao tư duy phản biện. Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn duy trì, bệnh nhân cần có người thân (bố, mẹ, anh, chị, em) đồng hành để hỗ trợ thoát ra khỏi những rắc rối của bản thân”, bác sĩ Chung chia sẻ.
Về cách ăn uống phòng bệnh ung thư, GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên giám đốc Bệnh viện K Trung ương khuyến cáo, mọi người nên thực hiện 9 nguyên tắc:
- Thứ nhất: Ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt. Nên ăn sản phẩm càng tự nhiên càng tốt, ví dụ, ăn một quả táo chưa gọt vỏ sạch tốt hơn là uống nước táo;
- Thứ hai: Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ: rau, ngũ cốc nguyên hạt;
- Thứ ba: Nên ăn chất béo lành mạnh như chất béo không no (cá hồi, dầu oliu, các loại hạt, bơ) và omega-3; tránh các chất béo no như các sản phẩm chiên rán, hạn chế chất béo từ thịt đỏ và sữa;
Phòng bệnh ung thư bằng cách hạn chế thịt đỏ, ăn nhiều cá nhất là cá hồi là rất tốt. Ảnh minh họa.
- Thứ tư: Hạn chế đường và tinh bột;
- Thứ năm: Hạn chế thịt chế biến sẵn (thịt hộp, xúc xích) và thịt đỏ (bò, lợn);
- Thứ sáu: Hạn chế chiên, xào, nướng ở nhiệt độ cao;
- Thứ bẩy: Không ăn thức ăn có dấu hiệu ôi, thiu, mốc;
- Thứ tám: Đồ ăn cho vào lò vi sóng nên sử dụng giấy sáp (waxed paper), không nên dùng ni lông để bọc thức ăn;
- Thứ chín: Hạn chế rượu, bia.
Tin liên quan
Chỉ vì bố mẹ cả tin chữa ung thư theo thực dưỡng đã khiến con gái 30 tháng tuổi, mắc ung thư máu tử vong trong đau đớn.
Chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng có thể giúp da khỏe mạnh từ bên trong, mang lại vẻ ngoài tươi tắn, rạng rỡ. Tham khảo 12 loại...
MC Hạnh Phúc khẳng định bản thân cảm thấy khoẻ hơn kể từ khi loại bỏ hoàn toàn món mặn, thịt, cá… ra khỏi thực đơn hàng ngày. Bên cạnh đó...
Chế độ ăn chưa bao giờ được coi là một phương pháp điều trị ung thư, thậm chí đã có người tử vong vì suy kiệt khi áp dụng thực dưỡng mong...
Tin bài cùng chủ đề Chế độ ăn ảnh hưởng sức khỏe
Tết Nguyên đán là dịp mà mọi người cùng nhau sum vầy, thưởng thức các món ăn ngon. Tuy nhiên, không ít thực phẩm trong dịp này có thể "ngậm" nhiều chất có hại nếu không được lựa chọn và bảo...