Nữ giám đốc ngân hàng lo lắng, mất ăn mất ngủ vì COVID-19 tới mức phải nhập viện

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 22/06/2021 08:30 AM (GMT+7)

Do dịch COVID-19, không ít người đã bị rối loạn tâm thần, đáng chú ý bệnh nhân lại là những người có học thức, địa vị.

Bác sĩ bất ngờ vì số người đến khám tâm thần tăng sau mỗi đợt dịch COVID-19

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Viết Chung, khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện E) cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp đang âm thầm ảnh hưởng tới nhiều người, trong đó có vấn đề sức khỏe tâm thần. 

Theo bác sĩ Chung, COVID-19 không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra những rối loạn tâm thần, nhưng đây là yếu tố tác động làm khởi phát một số rối như lo âu, trầm cảm, stress, rối loạn giấc ngủ…

Trong quá trình khám và tư vấn, bác sĩ Chung vô cùng bất ngờ khi bệnh nhân đến khám vì bị rối loạn tâm thần tăng rõ rệt sau mỗi đợt dịch COVID-19. Đáng chú ý, không ít người trong số đó là những người có học thức, địa vị trong xã hội.

Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân là giám đốc chi nhánh một ngân hàng tại Hà Nội. Theo chia sẻ của người bệnh, dịch COVID-19 đã khiến mọi hoạt động của ngân hàng không còn như trước, một số bộ phận phải làm việc tại nhà. 

Nữ giám đốc ngân hàng lo lắng, mất ăn mất ngủ vì COVID-19 tới mức phải nhập viện - 1

COVID-19 khiến nhiều người bị rối loạn tâm thần phải nhập viện gia tăng. (Ảnh minh họa)

Trước tình trạng trên, bệnh nhân thường xuyên lo nghĩ không biết nhân viên làm việc ở nhà có hiệu quả, có ca mắc nào ở gần chi nhánh ngân hàng mình không? Liệu có nhân viên y tế nào khai báo y tế gian dối?…

Cộng với việc tiếp nhận nhiều luồng thông tin trên mạng, bệnh nhân thêm lo lắng nên đã bị tăng huyết áp với các biểu hiện như: đỏ bừng mặt, tim đập nhanh, run, chóng mặt… Kèm theo đó là một loạt triệu chứng khác như lo lắng, mất ngủ, xuất hiện những cơn rối loạn chức năng thần kinh thực vật (tăng huyết áp-tim đập nhanh, chóng mặt).

Trước khi đến với bác sĩ tâm thần, bệnh nhân đã đi khám tim mạch, uống thuốc huyết áp nhưng không đỡ. Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn thích ứng với phản ứng lo âu. Sau thời gian điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.

Một trường hợp khác là trưởng nhóm trình dược viên, cũng phải đến viện vì rối loạn tâm thần. Trước khi có đại dịch, bệnh nhân thường đến các cơ sở y tế để giới thiệu sản phẩm.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, bệnh nhân không thực hiện được công việc của mình và đã có nhiều triệu chứng trầm cảm: buồn chán, mất động lực, không hào hứng với các dự định, kế hoạch mới, luôn cảm thấy mệt mỏi, mất tập trung, dễ nổi nóng và cáu gắt. Sau khi đến viện thăm khám, với những tư vấn và hướng dẫn điều trị của bác sĩ, bệnh nhân đã dần ổn định.

Nữ giám đốc ngân hàng lo lắng, mất ăn mất ngủ vì COVID-19 tới mức phải nhập viện - 2

Cần phải hết sức lưu ý đến các dấu hiệu cảnh báo sớm vấn đề tâm thần để đi khám và điều trị kịp thời.

Khi nào cần đi khám tâm thần?

Bác sĩ Chung cho biết, dịch COVID-19 đang thay đổi và tác động đến cuộc sống, công việc của mọi người. Có người bị mất hoặc giảm việc làm, nhưng cũng có người phải làm việc nhiều hơn… dẫn tới tình trạng căng thẳng. 

Rất nhiều người do dịch bệnh, công việc sẽ phải dừng lại hoặc có nhiều thay đổi, chẳng hạn như nếu dịch kéo dài họ có thể phải chuyển việc. Tuy nhiên, cách đối mặt với vấn đề này lại khác nhau ở mỗi người. Một số người lạc quan, suy nghĩ tích cực bởi trong giai đoạn dịch bệnh, họ có thể dành nhiều thời gian hơn với gia đình và có những cơ hội công việc mới. 

Tuy nhiên, không ít người lại tự trách mình không đủ năng lực, bi quan về tương lai,… sau đó rơi vào mất ngủ, ăn uống kém, lúc nào cũng buồn, không có mong muốn làm gì, dễ nổi nóng, cáu gắt, hay quên.

Theo vị bác sĩ này, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của nhiều người. Vì vậy, khi có các biểu hiện bất thường về tâm thần cần đến các cơ sở để được thăm khám kịp thời. Cụ thể các biểu hiện:

- Khó ngủ, ngủ không tốt, dễ gặp ác mộng, ngủ hay tỉnh dậy giữa đêm, ngủ dậy vẫn thấy mệt mỏi…

- Trạng thái hay gặp nhất đó là mệt mỏi mãn tính, cơ thể uể oải, không có động lực làm việc, không có năng lượng làm gì.

- Cảm xúc thay đổi, dễ cáu gắt, nóng giận, nhỏ nhen hơn trước đây, không kiểm soát được cảm xúc của mình.

- Rất hay lo lắng, suy nghĩ quá nhiều, mất tập trung dẫn tới không làm được việc gì.

Để phòng các rối loạn tâm thần trong mùa dịch, bác sĩ Chung khuyến cáo:

- Khi phải làm việc tại nhà, cần thu xếp những khoảng thời gian nghỉ ngơi, nên tạo thời gian biểu mỗi ngày và thực hiện theo. Cần có phòng làm việc đủ yên tĩnh để hoàn thành công việc. Chỉ nên làm đủ thời gian như khi ở văn phòng, công ty.

- Ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn uống tại nhà phải đảm bảm dinh dưỡng, đủ các nhóm chất, ăn đúng giờ.

- Cần có những hoạt động thể chất tại nhà, ví dụ như nhảy dây là bài tập khá tốt cho người có công việc phải ngồi nhiều.

- Cần kết nối với các thành viên khác trong gia đình, bạn bè. Kết nối là có thời gian nói chuyện, tâm sự, bộc bạch và chia sẻ cả những cảm xúc với nhau.

- Tránh đọc các tin tức mới trên mạng xã hội sẽ khiến cho bạn mất thời gian và không tập chung vào cộng việc của mình.

Người vợ Hà Nội bị chồng bỏ vì luôn cho rằng mình tài giỏi, đến viện mới biết mắc bệnh
Luôn tự đắc mình giỏi giang, người phụ nữ ở Hà Nội đã làm những điều không tưởng. Do không thể khuyên ngăn được vợ nên người chồng đã ra tòa ly hôn.

Bệnh tâm thần

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh tâm thần