Tập thể dục có gây đột quỵ không? Vì sao có người bị đột quỵ trong lúc tập luyện?

Ngày 03/05/2022 20:40 PM (GMT+7)

Tập thể dục là thói quen được nhiều bác sĩ khuyến khích nhưng cũng có người lo lắng khi thấy một số trường hợp bị tai biến trong hoặc sau khi tập luyện. Liệu tập thể dục có gây đột quỵ không, PGS.BS gốc Việt Trần Huỳnh sẽ giải đáp thắc mắc này.

Đỗ Trung Hà (Hatrun**@gmail.com)

Tôi là người thích tập luyện và ngày nào cũng tập thể dục. Gần đây, tôi thấy một số trường hợp gặp tai biến trong hoặc sau lúc tập luyện. Tôi lo lắng không biết tập thể dục có gây đột quỵ không và làm sao để tránh gặp phải vấn đề này? 

Tập thể dục có gây đột quỵ không? Vì sao có người bị đột quỵ trong lúc tập luyện? - 1
PGS.BS Trần Huỳnh

Đầu tiên, tôi có thể trả lời ngắn gọn rằng: Tập thể dục không gây đột quỵ. Đột quỵ là một quá trình diễn ra từ từ, như ly nước dần đầy, tới một giai đoạn nào đó chỉ cần thêm một giọt là tràn ra ngoài. Đột quỵ xảy ra khi một người đã bị nghẽn mạch máu hoặc vỡ mạch máu. 

Thể dục và thể thao là một trong những cách quan trọng giúp chúng ta ngăn ngừa đột quỵ, vấn đề là tập có đúng không, tập có phù hợp với tình trạng sức khỏe, sức chịu đựng của cơ thể mình không. 

Một số nghiên cứu từ Châu Âu và Mỹ chỉ ra điểm quan trọng nhất của việc tập luyện tránh trở thành “giọt nước tràn ly” liên quan tới đột quỵ là tập vừa phải, tập theo khả năng của mình. Chẳng hạn, một người 50 tuổi không thể tập với cường độ như của thanh niên 18 tuổi. Ngược lại, người 18 tuổi cũng không nên tập như một cụ ông 75 tuổi. 

Ngoài ra, chúng ta cần biết một số yếu tố khác cũng đáng quan tâm như bệnh tiểu đường, bệnh cao huyết áp có được kiểm soát tốt không. Đôi khi, có một số lý do quan trọng mà chúng ta không thấy hoặc không biết được mà nghĩ rằng khi ai đó đột quỵ là do họ tập thể dục. Thực tế, có thể họ đã có vấn đề từ trước đó mà chưa được phát hiện. 

Nếu bạn đã có thói quen tập luyện hằng ngày, hãy duy trì. Cần tập đúng và vừa đủ, đều đặn. Khi thấy mệt ngưng lại, tập mỗi ngày một chút hơn là dồn lại tập nhiều một lúc. Ngoài ra, nếu có các bệnh hay vấn đề sức khỏe nào đó, cần kiểm soát hoàn toàn. Chẳng hạn, chúng ta tập thể dục thường xuyên nhưng tiểu đường không được kiểm soát, đang chạy đường huyết tụt, có thể té, ngã. 

Thực sự, tập thể dục là loại thuốc tốt nhất, cực kỳ rẻ tiền, miễn phí, hầu như không có tác dụng phụ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh thể dục là phương thức vận động hữu hiệu nhất, tốt hơn nhiều loại thuốc đắt tiền.

Tất nhiên, không phải bài tập thể dục nào cũng tốt. Nguyên tắc chung với bất cứ điều gì áp dụng cho sức khỏe, không chỉ tập thể dục là: Làm đúng, đủ liều mới tốt, cái gì quá đều không tốt. Trước khi tập luyện nên tham khảo ý kiến bác sĩ, nhất là những người bị khớp, tàn tật, mắc ung thư, có bệnh mãn tính…

Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý độc giả đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe.

Món canh thần dược của người Nhật: Ăn mỗi ngày làm sạch máu, ngừa đột quỵ, chống ung thư
Chuyên gia Nhật Bản khuyến nghị muốn mạch máu sạch, ngừa ung thư, phòng chống đột quỵ thì không thể bỏ qua món canh này.

Sống khỏe

Linh Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề PGS.BS Trần Huỳnh (Huỳnh Wynn Tran)