Sau khi uống trà gừng và lái xe về nhà, một bác sĩ Ireland đã bị chảy máu cam. Vị này sau đó lên tiếng cảnh báo về những tác dụng phụ cần chú ý của trà gừng cũng như những đồ uống nhiều người nghĩ là tốt cho sức khỏe.
Cách đây không lâu, một bác sĩ Ireland từng cảnh báo trên mạng xã hội về mối nguy của trà gừng cũng như một số loại đồ uống ngày càng được nhiều người mách nhau sử dụng. Khi đọc được thông tin này, bác sĩ nhi khoa Niamh Lynch chia sẻ trải nghiệm của chính cô: Khi đang lái xe về nhà sau giờ làm, cô bỗng dưng bị chảy máu mũi và phải dừng xe. Trước đó, cô có sử dụng trà gừng.
Bác sĩ Niamh Lynch cảnh báo mọi người về một tác dụng phụ ít ai để ý của trà gừng. Ảnh: The Sun.
Bác sĩ Niamh Lynch khuyến cáo: Một số loại thực phẩm chức năng, bao gồm gừng, có thể làm loãng máu và gây chảy máu kéo dài. Một số sản phẩm khác cũng có tác dụng phụ này, bao gồm vitamin E, chiết xuất cúc thơm, tỏi, bạch quả (ginkgo biloba) và nhân sâm, theo Healthline.
Bác sĩ cũng cảnh báo việc uống nước chanh hằng ngày - thói quen thường được coi là có lợi cho sức khỏe đường ruột. Cô nói: “Không nên uống nước chanh hằng ngày. Việc này có thể ăn mòn men răng. Nếu bạn muốn thêm hương vị cho nước thì có thể dùng bạc hà hay dưa chuột”.
Trong khi nhiều người sử dụng thực phẩm chức năng để đảm bảo mình nạp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, những sản phẩm này có thể gây một số vấn đề nếu sử dụng không đúng.
Bác sĩ cảnh báo việc dùng thực phẩm chức năng mà không biết tại sao mình cần dùng hay chúng có thể tiềm ẩn các mối hại nào là điều không nên.
Trà gừng thực sự có lợi gì? Những tác dụng phụ cần lưu ý
Trà gừng thường được xem là an toàn với hầu hết mọi người khi dùng thường xuyên. Tuy nhiên, nếu có ý định dùng một lượng lớn hàng ngày, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ, đặc biệt là khi bạn đang sử dụng thuốc chữa bệnh.
Gừng được sử dụng trong nấu ăn và là thành phần của nhiều bài thuốc. Ảnh minh họa
Trà gừng có một số lợi ích, bao gồm:
Giúp tăng cường hệ miễn dịch, từ đó giúp bạn chống lại một số loại virus, vi khuẩn nhất định. Nó chứa vitamin C, B6, magie và một chút sắt, canxi. Theo các nghiên cứu, hợp chất phenol và tinh dầu dễ bay hơi trong gừng có đặc tính chữa lành, giúp chúng ta được bảo vệ khỏi các bệnh theo mùa, nhất là trong mùa lạnh. Trà gừng có thể giúp giảm ho, cảm lạnh, viêm họng và một số vấn đề hô hấp khác.
Gừng cũng giúp tiêu hóa và cải thiện sức khỏe đường ruột. Vì chất gingerol trong gừng có đặc tính giãn cơ, nó có lợi cho những người bị trào ngược axit, khó tiêu hay ấm ách bụng.
Gừng cũng có đặc tính kháng viêm và điều này giải thích tại sao nó thường được dùng để giảm các cơn đau nhẹ, chứng chuột rút cũng như các tình trạng viêm nhiễm nói chung.
Gừng cũng có tác dụng làm dịu các căng thẳng tâm lý, giúp chúng ta phấn chấn hơn, giảm huyết áp.
Cũng nhờ đặc tính kháng viêm, trà gừng có thể giúp duy trì sức khỏe của miệng, da và tóc. Nó cũng giúp mờ sẹo và cải thiện độ đàn hồi của da, có lợi chống lão hóa. Khả năng khử trùng của loại đồ uống này khiến nó giúp trị gàu hiệu quả, đồng thời làm tóc mọc nhanh nhờ tăng cường lưu thông máu ở da đầu.
Cũng như các loại thực phẩm khác, trà gừng chỉ nên dùng vừa phải. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, các nghiên cứu cho biết uống trà gừng cũng có thể giúp bạn đạt được một số lợi ích như: Giảm đường huyết và hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường; Giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ; Giảm tình trạng buồn nôn ở những người dùng hóa trị; Phòng và chống ung thư; Giảm đau khi kinh nguyệt. Ngăn chặn tình trạng thèm ăn và có thể giúp giảm cân; Làm chậm ảnh hưởng lão hóa và giảm nguy cơ mắc Alzheimer; Chống nhiễm nấm và làm lành vết thương.
Tuy nhiên, uống trà gừng quá nhiều mỗi ngày có thể gây ra các tác dụng phụ.
Gừng tươi là một gia vị được sử dụng trong nhiều loại món ăn, đồ uống và đồ tráng miệng. Củ gừng có thể xay bột, nấu lên hay dùng sống.
Bên cạnh các lợi ích, sử dụng quá nhiều gừng dù ở dạng nào cũng có thể dẫn tới những tác dụng phụ như:
- Tăng khả năng chảy máu
- Đầy bụng, khó chịu
- Nếu dùng quá nhiều có thể gây: Rối loạn nhịp tim, Suy nhược hệ thần kinh trung ương, Viêm da.
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Ợ nóng
- Ngứa ở miệng hay họng
Các hợp chất trong củ gừng gây kích thích màng nhầy của đường tiêu hóa. Vì thế, loại thực phẩm này không được khuyên dùng cho những người bị tổn thương đường tiêu hóa.
Nếu bạn bị tiểu đường và đang dùng thuốc, gừng có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc.
Nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu uống trà gừng khi có thai.
Nên dùng trà gừng bao nhiêu mỗi ngày là an toàn?
Các bác sĩ khuyên rằng không nên dùng quá 3-4 gam chiết xuất gừng tươi mỗi ngày. Nếu đang mang thai, cần giới hạn mức này ở khoảng một gam. Không nên cho trẻ dưới 2 tuổi dùng trà gừng.
Có một điều bạn cần chú ý: Đừng dựa vào các bài thuốc tại nhà để chữa bệnh gì. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ, dùng thuốc theo đơn cũng như hỏi lời khuyên về việc sử dụng bất cứ cách nào hỗ trợ điều trị.
Thường không hại gì khi dùng trà gừng nhưng vấn đề phát sinh khi lượng tăng lên. Sử dụng quá nhiều bất cứ thứ gì, dù cho nó có lợi với sức khỏe thế nào, đều không tốt. Gừng là một dược liệu mạnh với nhiều lợi ích y học nhưng nó cũng chỉ nên dùng vừa phải.