Ung thư tuyến giáp - Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Ung thư tuyến giáp là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất, chiếm khoảng 1% các loại ung thư. Đây là một loại ung thư có tiên lượng tốt và có thể điều trị khỏi, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Tổng quan

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết hình cánh bướm, nằm ở trước cổ, tiết ra chất nội tiết tố thyroxin (T4) có vai trò điều hòa sự phát triển của các cơ quan, thúc đẩy sự hoạt động, trưởng thành của mọi tế bào. Sự hoạt động của tuyến giáp được điều hòa bởi tuyến yên theo cơ chế: tuyến yên tiết ra chất TSH (thyroid stimulating hormon), thúc đẩy tuyến giáp trạng tiết ra T4. Khi nồng độ T4 trong máu giảm, tuyến yên lại tiết thêm TSH, thúc đẩy tuyến giáp tiết đủ lượng T4 cần thiết. Ngược lại nếu nồng độ T4 trong máu đã đủ hoặc cao thì tuyến yên tiết ít TSH đi, theo đó tuyến giáp sẽ tiết ít T4 phù hợp với nhu cầu cơ thể. Do đó khi có rối loạn về thần kinh và thể dịch, sẽ dẫn đến các bệnh của tuyến giáp. 

Ung thư tuyến giáp hình thành khi các tế bào trong tuyến giáp bị thay đổi, phân chia quá nhanh mà không chịu sự kiểm soát của cơ thể. Khi tới ngưỡng vừa đủ, chúng tạo thành một khối u có khả năng xâm lấn tới các mô xung quanh và di căn tới những cơ quan xa hơn trên cơ thể.

Ung thư tuyến giáp có tiên lượng bệnh tốt hơn so với nhiều loại ung thư khác vì loại tế bào biệt hóa tốt (dạng nang, dạng nhú có mức độ ác tính thấp) chiếm tới 90% trong các loại ung thư ở tuyến giáp. Đặc biệt, bệnh nhân dưới 45 tuổi, phát hiện bệnh khi khối u có kích thước nhỏ, chưa di căn sẽ có cơ hội chữa khỏi cao hơn (lên tới 90 - 97%).

Dấu hiệu nhận biết

Trên lâm sàng ung thư tuyến giáp biểu hiện có u tuyến giáp, hạch cổ và di căn.

U tuyến giáp

Nhân giáp: Một nhân đơn độc ở tuyến giáp, xạ hình cho thấy nhân lạnh( nhân không bắt i-ốt), giảm tập trung. Nhân to nhanh, mật độ cứng, không đau, phần còn lại của nhu mô giáp không bị phì đại, không có dấu hiệu rối loạn chức năng giáp và liệt dây thần kinh quặt ngược.

Thoái hóa ác tính của bướu giáp: Thường là các bướu giáp nhiều nhân, nhất là các bướu giáp đa nhân không đồng nhất. Các dấu hiệu ác tính là: bướu to nhanh, mật độ trở nên cứng như gỗ, nhất là khi có dấu hiệu chèn ép hoặc có hạch cổ.

Ung thư toàn khối: Phần lớn tương ứng với ung thư không biệt hóa, có thể xảy ra trên một bướu giáp có đã lâu, nhất là ở người lớn tuổi. Diễn tiến thường qua hai giai đoạn kế tiếp: Giai đoạn trong vỏ bọc: tuyến giáp tăng khối lượng nhanh ở một thùy hoặc toàn bộ tuyến, mật độ trở nên cứng; Giai đoạn ngoài vỏ bọc: làm thành một khối u lớn, cứng, không đồng nhất, không di động. Có thể có dấu hiệu chèn ép, có hạch cổ ở một hoặc cả hai bên.

Hạch cổ

Hạch cổ có khi là triệu chứng phát hiện, có thể xuất hiện đồng thời với một nhân giáp sờ thấy mà trước đó không để ý và thường cùng ở một bên với nhân giáp. Hạch lớn nhưng không đau. Tuy nhiên hạch cổ là biểu hiện đầu tiên, đơn độc của ung thư giáp, đặc biệt là ở trẻ em và người trẻ tuổi. Các hạch, hoặc chỉ có một hạch, có thể ở các vị trí vùng động-tĩnh mạch cảnh, cơ thanh quản (cơ nhị thân, cơ trâm) mặt trước, hoặc cơ trên đòn. Khi sờ nắn kỹ tuyến giáp vẫn không có gì bất thường”.

Di căn

Hay gặp nhất là xương và phổi. Di căn xương với tính chất tiêu hủy gây ra đau xương hoặc gãy xương tự nhiên; ở cột sống gây gãy lún đốt sống, có khi ép tủy. Di căn phổi thường âm thầm, kiểu hạt kê nhiều hơn là dạng nốt lớn hoặc nhỏ. Di căn não, gan, buồng trứng ít gặp hơn, hầu như chỉ gặp ở loại ung thư biểu mô tủy giáp trạng.

Yếu tố nguy cơ

Có hai nguy cơ thường gặp đối với ung thư biểu mô giáp là:

- Tiền sử chiếu xạ ở vùng đầu - cổ để điều trị u thanh quản, tuyến hạnh nhân quá phát, hạch cổ, u vòm họng v.v...; Tần suất ung thư giáp tăng rõ rệt sau nhiễm phóng xạ.

- Tiền sử gia đình có thân nhân bị ung thư giáp, nhất là ung thư tủy giáp trạng. Khoảng 6% người bệnh bị ung thư giáp dạng nhú có yếu tố gia đình và loại ung thư này cũng thường xảy ra ở người bệnh mắc bệnh polip gia đình, bệnh đa nội tiết, hội chứng Pendred...

Ai dễ bị bệnh

Ung thư giáp hay gặp ở phụ nữ, tuổi từ 40 - 60, tuy nhiên cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi tùy thể bệnh. Bệnh thường xảy ra trên người bệnh có bướu giáp nhân đơn độc, tiền sử bướu giáp (bướu giáp địa phương), giảm tiết hormon giáp có thể làm bộc phát ung thư giáp, đặc biệt sau khi phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn phần...

Chẩn đoán

Hiện nay để chẩn đoán bệnh tuyến giáp cũng như ung thư giáp y học dùng siêu âm và chọc hút tế bào bằng kim nhỏ. Đây là phương pháp an toàn không độc hại, độ nhạy cao.

Siêu âm giáp giúp đánh giá chính xác kích thước, vị trí của nhân giáp và phát hiện các nhân giáp không sờ thấy trên lâm sàng... Các dấu hiệu của một nhân giáp ác tính nghi ngờ trên siêu âm bao gồm tăng sinh mạch máu ở trung tâm, u giáp giảm hồi âm, bờ không đều, vôi hoá bên trong. Ngoài ra siêu âm để hướng dẫn chọc hút tế bào nhân giáp bằng kim nhỏ.

Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ(FNA) là phương tiện được lựa chọn hàng đầu để đánh giá nhân giáp. Phương tiện này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trên 90%. Chọc hút tại u giáp hoặc tại hạch qua hướng dẫn của siêu âm nếu khối u nhỏ.

Các phương pháp khác như: Chụp cắt lớp điện toán (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến giáp là phương tiện để đánh giá sự lan rộng ung thư tuyến giáp vào cấu trúc lân cận và di căn hạch. Ngoài ra, xạ hình tuyến giáp, định lượng hoóc môn giáp cũng có thể được chỉ định để chẩn đoán.

Nguyên tắc điều trị

Khi kết quả siêu âm và chọc hút nghi ngờ ác tính thì các khuyến cáo của các hiệp hội về tuyến giáp trên thế giới khuyên bệnh nhân nên phẫu thuật. Sau phẫu thuật bác sĩ sẽ gửi nhân giáp đi làm giải phẫu bệnh lại. Có hai tình huống có thể gặp: Nếu nhân giáp lành tính, thì tiếp tục điều trị nội khoa sau mổ để bù hormon giáp. Nếu nhân giáp ác tính thì sẽ có kế hoạch điều trị xạ trị bổ sung trong một số trường hợp và uống bù hormon giáp suốt đời.

Thông Tin Cần Biết

Bệnh ung thư khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY