Đu đủ ngon ngọt nhưng hầu như khi ăn ai cũng bỏ hạt mà không biết đây chính là một vị thuốc quý, giúp phòng được cả bệnh ung thư.
Đu đủ là loại quả thân thuộc trong cuộc sống của người Việt. Quả khi còn non màu xanh lục, khi chín màu vàng cam, trong quả có khoảng rỗng lớn, chứa nhiều hạt. Đủ đủ chín thường mềm, có vị ngọt, thơm nhẹ, được nhiều người yêu thích. Đu đủ xanh thường được dùng chế biến các món như nộm, hầm canh...
Cây đu đủ được trồng nhiều ở Việt Nam
Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, đu đủ dù xanh hay chín đều có nhiều tác dụng cho sức khỏe.
Đu đủ chín chứa khoảng 70% nước, 13% đường, không có tinh bột, có nhiều carotenoit, axit hữu cơ, vitamin A, B, C, 0rotit, 0,9% chất béo, canxi, photpho, magiê, sắt, thiamin, riboflavin...
Đu đủ xanh cũng rất giàu vitamin như vitamin A, C, B1, B2 và các khoáng chất như kali, magiê, canxi, sắt, kẽm. Đặc biệt, nó chứa nhiều enzyme tự nhiên, trong đó enzyme papain rất tốt cho cơ thể và có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh tuyệt vời.
Đa số mọi người khi ăn đu đủ đều bỏ hạt, mà không biết rằng chính hạt mới là vị thuốc tốt.
Trong thực tế người dân dùng đu đủ chín nhiều hơn đu đủ xanh. Khi sử dụng đu đủ chín, 100% mọi người vứt bỏ hạt đen ở phía trong. Ít ai biết phần hạt phía trong là một vị thuốc quý, phòng được cả ung thư.
Theo lương y Bùi Hồng Minh, hạt đu đủ rất giàu enzyme papain, đây là một chất tự nhiên có hoạt tính mạnh nhất giúp phá vỡ protein khó tiêu trong đường tiêu hóa, tăng cường khả năng tiêu hóa.
“Hạt và nhựa đu đủ thường được sắc làm thuốc chống các loại ký sinh trùng đường ruột như giun, sán, chữa hen phế quản trẻ em và kích thích chức năng hoạt động của gan, mật”, lương y Hồng Minh chia sẻ.
Ngoài hỗ trợ tiêu hóa, hạt đu đủ còn có hàm lượng axit oleic và palmitic. Các loại axit béo có trong hạt đu đủ có thể giúp phòng chống ung thư.
Hạt đu đủ có thể sử dụng bằng nhiều cách để chữa bệnh hoặc hỗ trợ phòng bệnh.
Hạt đu đủ có thể dùng bằng cách: Thứ nhất là nhai hỗn hợp cả hạt và thịt đu đủ. Cách thứ 2, có thể rửa sạch, sấy khô, nghiền nhuyễn hạt để dùng dần khi kết hợp với một vị thuốc khác.
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết, điểm khá thú vị là hương vị hạt đu đủ gần giống hạt tiêu đen, vì thế có thể phơi khô, nghiền nhỏ để làm gia vị dùng trong các bữa ăn.
Vị lương y này khuyến cáo, dù hạt đu đủ tốt nhưng tuyệt đối không nên ăn nhiều, vì trong hạt đu đủ có chứa chất carpine. Khi ăn với số lượng lớn, carpine có thể khiến cơ thể bị rối loạn mạch đập và làm suy nhược hệ thống thần kinh.
Không chỉ riêng hạt mà quả đu đủ chín cũng không nên ăn quá nhiều một lúc hay ăn liền tục bởi có thể khiến da bị vàng, nhất là lòng bàn tay, bàn chân. Ngoài ra, cũng không nên ăn đu đủ lạnh vì vốn loại quả này có tính hàn.
Do loại quả này có chứa lượng đường nhất định, chuyên gia khuyến cáo người có đường huyết cao không nên ăn nhiều. Một số người đang bị tiêu chảy cũng hạn chế ăn đu đủ. Phụ nữ có thai không nên ăn đu đủ xanh vì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi, thậm chí gây sảy thai ngoài ý muốn.