Ung thư đường tiêu hóa phát hiện được qua nội soi? Bác sĩ viện K tiết lộ sự thật ít người biết

DIỆU THUẦN - Ngày 02/06/2024 14:00 PM (GMT+7)

Theo các bác sĩ, khối ung thư đường tiêu hóa giai đoạn sớm rất nhỏ và chưa sùi loét, vì vậy, khi thực hiện nội soi đường tiêu hóa cho người bệnh, bác sĩ cần thực hiện kỹ và chụp nhiều ảnh mới có thể phát các bất thường.

Ths.BS Trần Đức Cảnh

Bác sĩ Cảnh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đường tiêu hóa và có nhiều công trình nghiên cứu, báo cáo khoa học về kỹ thuật nội soi và...

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Nếu nội soi nhanh, chỉ 1-2 phút đã xong sẽ dễ bỏ qua bất thường

Theo Ths.BS Trần Đức Cảnh, khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội), ung thư đường tiêu hóa có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm. “Phát hiện sớm là yếu tố tiên quyết giúp quá trình điều trị trở nên đơn giản, hiệu quả, giảm chi phí, kéo dài sự sống và chất lượng sống cho người bệnh”, bác sĩ Cảnh nhận định.

Ung thư đường tiêu hóa có thể điều trị khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Ảnh minh họa.

Ung thư đường tiêu hóa có thể điều trị khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn do chủ quan. Họ chỉ đi thăm khám khi các triệu chứng đã nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình chữa bệnh. Một phần cũng vì nhiều nơi nội soi quá nhanh, chụp ảnh ít nên dễ bỏ sót bệnh. “Tôi từng nhận được câu hỏi của một người nhà bệnh nhân: “tại sao mẹ em nội soi liên tục mà không phát hiện ung thư dạ dày sớm, cho đến khi phát hiện thì bệnh đã bước sang giai đoạn 3”, bác sĩ Cảnh chia sẻ.

5 năm trước, bác sĩ Cảnh sang Nhật Bản học về ung thư đường tiêu hóa. “Nhật là nước có  tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày cao nhất thế giới, chủng vi khuẩn HP cũng độc nhất thế giới, nhưng tuổi thọ của họ lại thuộc nhóm cao nhất. Các ca ung thư của họ hầu hết được phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị khỏi hoàn toàn qua can thiệp nội soi mà không cần phẫu thuật hay xạ trị, hóa chất đau đớn và tốn kém” bác sĩ Cảnh chia sẻ.

Bác sĩ Cảnh cũng cho biết, sau khi khỏi bệnh, họ có thể trở về với cuộc sống bình thường và hoàn toàn khỏe mạnh. “Nhật Bản đã làm như thế nào để phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm? Nước họ khác nước ta ở điểm nào?”, bác sĩ Cảnh đặt câu hỏi.

Trong quá trình theo học, bác sĩ Cảnh phát hiện, các ca nội soi với mục đích phát hiện ung thư dạ dày của Nhật rất kỹ, thường phải mất ít nhất 10 phút. Trong 10 phút này, các bác sĩ sẽ thực hiện chụp 22 ảnh với soi dạ dày và mất thêm 20 phút để chụp 50 ảnh với soi đại tràng. “Họ quan sát tỉ mỉ từng cm2 đường tiêu hóa của người bệnh, để đảm bảo rằng không có 1 tổn thương nào dù là nhỏ nhất bị bỏ sót”, bác sĩ Cảnh kể.

Bác Cảnh và các đồng nghiệp thực hiện nội soi cho người có nghi ngờ mắc ung thư đường tiêu hóa. Ảnh: BSCC.

Bác Cảnh và các đồng nghiệp thực hiện nội soi cho người có nghi ngờ mắc ung thư đường tiêu hóa. Ảnh: BSCC.

Theo bác sĩ Cảnh, không có một khối u nào vừa xuất hiện đã to đùng hay sùi loét. Nó đều phải bắt đầu từ những tế bào bị đột biến, rồi đến những biến đổi trên bề mặt. Lúc này, tế bào chưa hình thành khối u. Bởi, toàn bộ mặt trong của dạ dày phẳng không khác gì mấy so với niêm mạc lòng ống tiêu hóa bình thường. Nếu có tế bào khối u, kích thước có khi chỉ bằng hạt đỗ, hạt lạc. Vì thế, nếu soi quá nhanh 1 - 2 phút đã xong thì việc bỏ sót tổn thương ở giai đoạn đầu là điều chắc chắn.

 TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cũng cho rằng, nội soi đường tiêu hóa được xem là tiêu chuẩn vàng giúp phát hiện ung thư đường tiêu hóa giai đoạn sớm, hỗ trợ người bệnh điều trị khỏi, có cuộc sống bình thường. Khi thực hiện phương pháp này, ống soi mềm được gắn camera với dải tần ánh sáng hẹp NBI hoặc LCI, BLI phóng đại hình ảnh hơn 100 lần giúp bác sĩ quan sát toàn diện vùng nội soi, nhờ đó phát hiện tổn thương dù rất nhỏ, lấy mẫu tổn thương để sinh thiết niêm mạc làm xét nghiệm giải phẫu, từ đó đưa ra chẩn đoán và điều trị.

Bác sĩ Khanh chia sẻ trường hợp ông Nam (61 tuổi, ở Hà Nội), trước đó có sức khỏe bình thường, không mắc các bệnh lý nền. Ông thực hiện nội soi tầm soát khi đi khám bệnh định kỳ. Bác sĩ nội soi phát hiện tổn thương loạn sản độ cao ở dạ dày, kích thước 1,5 x 1,2 cm. Ngay sau đó, ông được phẫu thuật cắt bỏ khối u thành công và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường sau 1 ngày thực hiện thủ thuật.

TS.BS Vũ Trường Khanh đang nội soi cho người bệnh nghi ngờ mắc ung thư dạ dày. Ảnh: BVCC.

TS.BS Vũ Trường Khanh đang nội soi cho người bệnh nghi ngờ mắc ung thư dạ dày. Ảnh: BVCC.

Nếu nội soi không kỹ dễ nhầm thành bệnh lành tính

Bác sĩ Cảnh cho biết, có quá nhiều hình thái biến đổi niêm mạc trong ung thư giai đoạn sớm. Chưa kể, chúng còn rất giống với những tổn thương lành tính khác ở dạ dày như sẹo loét cũ, các nếp sung huyết, viêm niêm mạc. Chính những sự giống nhau này đòi hỏi bác sĩ thực hiện nội soi phải có kiến thức và kinh nghiệm sâu về nội soi nhất là về bệnh đường tiêu hóa, nếu không sẽ dễ bị lẫn lộn giữa tổn thương lành tính và ác tính.

Ngoài ra, hiện vẫn còn nhiều lầm tưởng không đúng trong phương pháp nội soi của người bệnh. Bác sĩ Cảnh cho rằng, nhiều người có quan niệm nội soi gây mê không tốt cho sức khỏe, nên chỉ soi sống. Việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát hiện ung thư giai đoạn sớm. Bởi vì khi tầm soát kỹ để phát hiện ung thư dạ dày, ung thư đại tràng hay nhiều loại ung thư khác thì đều cần thời gian lâu. Việc người bệnh khó chịu, có phản ứng nôn nóng sẽ ảnh hưởng đến kết quả nội soi, từ đó rất khó chẩn đoán bệnh. "Nội soi gây mê là tiền mê qua đường tĩnh mạch, không hề có ảnh hưởng gì tới sức khỏe như mọi người vẫn lầm tưởng”, bác sĩ Cảnh khẳng định.

Có dấu hiệu nào thì nên đi tầm soát ung thư đường tiêu hóa? Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư?

Tiến sĩ Khanh chia sẻ, ung thư đường tiêu hóa giai đoạn sớm không có triệu chứng rõ ràng nên dễ bị bỏ qua. Khi có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa kéo dài, thường xuyên chán ăn, đau chướng bụng, thiếu máu, mệt mỏi, sụt cân, nổi gò thành bụng… nên thăm khám ngay. Ngoài ra những người uống bia rượu nhiều thường xuyên, hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà dễ tăng nguy cơ ung thư thực quản. Đây cũng là những đối tượng cần nội soi để phát hiện ung thư thực quản giai đoạn sớm.

Các bác sĩ khuyến cáo, sau nội soi người bệnh không nên ăn cay. Ảnh minh họa.

Các bác sĩ khuyến cáo, sau nội soi người bệnh không nên ăn cay. Ảnh minh họa.

Bên cạnh những đối tượng nguy cơ, nếu gia đình có người ung thư dạ dày hoặc đại tràng, viêm teo niêm mạc dạ dày, nhiễm khuẩn HP, dị sản ruột nhiều, người có tiền sử có nhiều polyp đại tràng đặc biệt polyp kích thước trên 1 cm cần nội soi định kỳ để sớm phát hiện bệnh. Những người không có tiền sử bệnh đặc biệt, không có triệu chứng lâm sàng cũng nên nội soi tầm soát ung thư với nội soi dạ dày nếu trên 40 tuổi, nội soi đại tràng từ 45 tuổi trở lên.

“Đối với ung thư dạ dày và đại trực tràng, nội soi cho hiệu quả tầm soát lên đến 95-100%. Do vậy, nhận thức đúng vai trò của nội soi tầm soát là rất quan trọng. Việc xét nghiệm máu không thể phát hiện được ung thư dạ dày, đại tràng cũng như ung thư thực quản, vì các xét nghiệm ung thư như: pepsinogen I, II, CA72-4, CEA có độ nhạy thấp và có độ đặc hiệu kém. Có nghĩa là xét nghiệm dương tính cũng chưa chắc có ung thư và ngược lại có ung thư chưa chắc là dương tính”, bác sĩ Khanh khẳng định. 

Nam sinh bị tâm thần, cơ thể suy kiệt không thể đi lại được sau khi ăn thực dưỡng vì sợ mắc ung thư
Do gia đình có người bị ung thư qua đời, nam sinh lo lắng mình mắc bệnh, sau đó đã thực hiện chế độ ăn thực dưỡng để rồi phải nhập viện trong tình...

Chế độ ăn ảnh hưởng sức khỏe

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ung thư dạ dày