Nhãn là loại quả được nhiều gia đình lựa chọn để ăn vào mùa hè, dù là loại quả lành tính nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng một cách thoải mái.
Sai lầm khi ăn nhãn nhiều người gặp phải
Hiện miền Bắc đang bắt đầu vào mùa nhãn, rất nhiều gia đình lựa chọn loại quả này để ăn. Đây là loại quả không còn xa lạ đối với người Việt nhưng có thể do thói quen, một số người sử dụng chưa đúng cách. Ngoài ra, những người mắc phải một số bệnh lý còn không nên ăn nhãn vì có thể gây một số bất lợi cho sức khỏe.
Lương y Bùi Hồng Minh - Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình cho biết, quả nhãn đa số được người dân ăn tươi nhiều hơn dùng làm thuốc. Tuy nhiên, do nhãn có tính ngọt, chứa nhiều đường nên không phải ai cũng có thể sử dụng được.
Việc không rửa nhãn và cắn trực tiếp vào vỏ nhãn là một sai lầm thường thấy khi ăn nhãn.
Ngoài ra, lương y Minh cũng cho biết khi sử dụng loại quả này có thể là do thói quen nên nhiều người mắc sai lầm khá nghiêm trọng. Đó là không rửa nhãn trước khi ăn, dùng miệng trực tiếp cắn tách vỏ sau đó ăn cùi bên trong.
“Từ khi kết trái đến khi quả chín, nhãn trải qua quá trình phát triển khá lâu nên trên vỏ quả nhãn có thể chứa nhiều sâu, rệp gây hại. Trường hợp cắn phải quả nhãn có sâu rệp ký sinh có thể sẽ bị dị ứng hoặc bị đốt phồng rộp miệng.
Ngoài ra, quá trình chăm sóc, thu hái, bảo quản quả nhãn có thể sẽ dính chất hóa học ở bên ngoài vỏ. Bởi vậy, việc người dân không rửa nhãn mà trực tiếp cắn vỏ là vô cùng nguy hiểm, ngoài mất vệ sinh thì có thể sẽ bị nhiễm độc chất hóa học, có thể bị vi khuẩn, sâu rệp tấn công”, lương y Minh cảnh báo.
Quá trình phát triển có thể nhiều loại rệp, bọ ký sinh trên quả nhãn.
Không phải ai cũng ăn được nhãn
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết, quả nhãn trong đông y là một vị thuốc có tên long nhãn nhục hay long nhãn. Đây là vị thuốc được xếp trong nhóm thuốc bổ huyết, cùng thục địa hoàng, hà thủ ô, đương quy, bạch thược...
Long nhãn có vị cam, tính ôn, đi vào 2 kinh tâm và tỳ. Có tác dụng bổ ích tâm tỳ, dưỡng huyết an thần, phòng các chứng đánh trống ngực, hồi hộp loạn nhịp tim, đại tiện ra máu,… Tuy nhiên, để dùng thuốc thì cần phải dùng đủ liều lượng, với sự chỉ dẫn của lương y có chuyên môn, không được tùy ý sử dụng.
Phụ nữ mang thai không nên ăn nhãn, nhất là giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ.
Còn đối với nhãn tươi, vị lương y này khuyến cáo người đang phải giảm cân, bệnh nhân tiểu đường, phụ nữ mang thai không nên ăn hoặc chỉ nên ăn rất ít nhãn.
Nguyên nhân là do nhãn có vị ngọt, tính nóng ăn nhiều cơ thể dễ mẩn ngứa, nổi mụn. Với phụ nữ mang thai, nhất là 3 tháng cuối của thai kỳ thì không nên ăn nhãn, vì ăn vào có thể gây nóng trong, đau bụng, thậm chí gây tiểu đường thai kỳ làm ảnh hưởng đến thai nhi và người mẹ.
Với người tiểu đường, nếu ăn nhiều nhãn một lúc sẽ khiến cho lượng đường trong máu tăng đột ngột, gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì thế, với bệnh nhân tiểu đường chỉ nên thưởng thức một vài quả, tránh nên ăn nhiều.
Ăn nhãn sao cho hợp lý
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết, với một người trưởng thành bình thường chỉ nên ăn tối đa 300gram nhãn/ngày. Tốt nhất nên ăn nhãn sau bữa ăn, tuyệt đối không ăn lúc bụng đói vì có thể khiến cơ thể rơi vào tình trạng bị say nhãn.
Quả nhãn dù chỉ ăn phần cùi nhưng để đảm bảo vệ sinh tốt nhất nên rửa sạch, có thể ngâm trong dung dịch muối loãng khoảng 10 phút trước khi ăn. Kể cả khi quả nhãn đã được ngâm, người dân cũng nên dùng tay hoặc dụng cụ để tách vỏ nhãn, lấy phần cùi ăn, không cắn trực tiếp lên vỏ nhãn.
Không dùng miệng tách vỏ nhãn, gia đình có trẻ nhỏ cần đặc biệt lưu ý để trẻ không bị hóc.
Khi ăn nhãn, các gia đình có trẻ nhỏ cần hết sức lưu ý vì đã có rất nhiều trường hợp trẻ phải cấp cứu, thậm chí đã có bé tử vong do hóc hạt nhãn. Lý do hạt nhãn trơn, tròn, trẻ nhỏ lại chưa có ý thức trong việc ăn uống, vừa ăn vừa nô đùa nên rất dễ bị hóc.
Cuối cùng khi chọn nhãn nên chọn quả không dập nát, cũng không nên chọn quả bóng bảy vỏ ngoài vì có thể đã được ngâm hóa chất tẩy rửa trước đó. Nên chọn quả vải có màu vàng sậm, căng tròn, không có nốt lấm chấm nhỏ ở phần cuối vì đó có thể là dấu hiệu nhãn bị sâu bọ…