Sở thích ăn đồ tái sống có thể khiến cho ký sinh trùng có cơ hội xâm nhập vào cơ thể, từ đó ăn mòn lá gan.
Gan là “lính gác” mạnh nhất của cơ thể con người - đảm nhiệm chức năng hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng, phân hủy độc tố và đông máu của cơ thể. Dù mang trách nhiệm cao cả, năng lực mạnh mẽ nhưng gan cũng rất mong manh. Một số thói quen ăn uống hàng ngày có thể gây ra những tổn thương cho gan mà không thể cứu vãn.
Nhiều người chỉ biết đến rượu bia có thể làm hại gan mà không biết còn có mối nguy hiểm khác làm tổn thương gan chẳng kém đó là sán. Một người đàn ông 55 tuổi ở Hàng Châu (Trung Quốc) sau một thời gian về quê sống thường ăn các món tái sống và uống nước sông không đun sôi vì cho rằng môi trường ở đây trong sạch. Kết quả sau một thời gian đã bị nhiễm sán lá gan.
Người đàn ông bị nhiễm sán lá gan sau một thời gian ăn đồ tái sống nhiều và uống nước sông không đun sôi. (Ảnh minh họa)
Khi tới viện kiểm tra, bác sĩ phát hiện gan trái của người đàn ông đã bị "đục rỗng" và chứa đầy mủ. Sau khi điều trị và cắt phần gan bị tổn thương, bác sĩ phát hiện có rất nhiều ổ áp xe và đặc biệt là sự xuất hiện của ấu trùng sán Clonorchis sinensis hay còn gọi là sán lá gan nhỏ, một trong những loại ký sinh trùng có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở gan. Nếu không điều trị, tròng vòng 30 năm, chúng sẽ dần dần "giết chết" cơ thể.
Sự nguy hiểm của sán lá gan
Sán lá gan có thể ký sinh trong gan và đường mật của con người. Chúng phá hủy các tế bào biểu mô ống mật và các mạch máu dưới niêm mạc. Đồng thời, các chất tiết và chất chuyển hóa của ký sinh trùng có thể gây ra các phản ứng quá mẫn và viêm trong lớp nội mạc ống mật và các mô xung quanh, dẫn đến viêm cấp tính như viêm gan hoặc viêm túi mật cấp, viêm đường mật,…
Nếu không được điều trị kịp thời và sán ở trong cơ thể một thời gian dài, hệ thống gan, túi mật của toàn cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, có thể gây ung thư gan, ung thư ống mật.
Nang ấu trùng của sán có thể xâm nhập vào cơ thể người khi con người ăn cá bị nhiễm bệnh. (Ảnh minh họa)
Hai thói quen có thể khiến sán lá gan xâm nhập cơ thể
Nhiều người hoang mang, tại sao trong người lại có sán lá gan? Trong trường hợp bình thường, trứng sán lá gan sẽ theo phân vào nước ngọt, khi đó trứng sán sẽ phát triển thành ấu trùng lông. Những ấu trùng lông này sẽ di chuyển tự do trong nước và tìm đến cư trú trong các loài ốc. Trong cơ thể ốc, ấu trùng lông sẽ phát triển thành những ấu trùng đuôi. Các ấu trùng đuôi sau đó sẽ rời ốc và tìm đến cư trú trong các loài cá nước ngọt, phát triển thành nang ấu trùng trong cơ thể cá.
Một số loài động vật và con người có thể ăn phải cá chứa nang ấu trùng, nang này khi vào cơ thể sẽ lớn dần nở ra sán và ký sinh trong cơ thể, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Những người có thói quen sau đây rất có thể bị nhiễm sán lá gan.
1. Người thích ăn tôm cá sống
Nhiều người có sở thích ăn gỏi cá sống vì cho rằng ăn vậy mới tươi và ngon. Ở một số vùng, món gỏi cá sống còn được xem là đặc sản. Điều này có thể gây nguy hiểm cho gan nếu bạn ăn phải cá có nang ấu trùng sán.
Nhiều người có thể cho rằng chỉ có cá nước ngọt mới bị còn cá biển sâu sẽ an toàn hơn. Thực tế, dù so với nước ngọt, áp suất thẩm thấu trong nước biển cao hơn, điều này gây ra "mối đe dọa" lớn hơn đối với sự sống sót của ký sinh trùng và không dễ sống sót. Tuy nhiên, ký sinh trùng có sức sống ngoan cường như Anisakis (một loại giun tròn có thể ký sinh trong cơ thể người) cũng có thể lây nhiễm cho một số loài cá biển. Do đó, cách an toàn nhất là thực phẩm nấu chín.
2. Dao, thớt dùng chung cho đồ sống và đồ chín
Khi xử lý các nguyên liệu như tôm, cá nước ngọt tại nhà, dao, thớt nhà bếp có thể bị dính trứng ký sinh trùng. Điều quan trọng nhất là trứng của chúng có thể ẩn náu trong những vết nứt trên bề mặt thớt mà không dễ dàng loại bỏ được chỉ bằng cách rửa nước đơn giản.
Nếu sau khi dùng thớt để chế biến cá, tôm tươi, bạn lại dùng tiếp để thái đồ ăn chín thì trứng sẽ dễ dính vào thức ăn chín và từ đó đi vào trong cơ thể khi bạn ăn.
Phòng tránh sán lá gan, bạn có đang làm đúng?
Nhiều người khó lòng từ chối việc thưởng thức các món ăn tái sống nên đã lan truyền nhau bí quyết diệt ký sinh trùng như uống rượu trắng, ăn kèm với gừng, hành, tỏi,... Tuy nhiên những phương pháp này có thực sự hiệu quả?
Các chuyên gia đã làm một thí nghiệm như vậy trong chương trình y tế Great Doctor:
Họ đổ nước tương, giấm, nước tỏi, mù tạt, rượu trắng vào các vật chứa ký sinh trùng, lúc đầu ký sinh trùng còn hoạt động mạnh hơn, sau 3 phút, ký sinh trùng trong bất kỳ vật chứa nào cũng đều không bị tiêu diệt hoàn toàn.
Cuối cùng, kết quả thí nghiệm cho thấy, cần 30 phút để diệt ký sinh trùng với rượu trắng, 18 ngày với nước tương, 50 phút với mù tạt, 7 giờ với tỏi nghiền và 100 giờ với giấm. Với lượng thời gian lâu như vậy, chắc chắn chẳng ai có thể đợi được để ăn.
Rượu, gừng, tỏi hay giấm không thể giết chết sán ngay lập tức. (Ảnh minh họa)
Do đó, cách để diệt sán lá gan tốt nhất chính là ăn chín-uống sôi. Với nhiệt độ 90-100°C, chỉ sau hơn 15 giây có thể giết chết sán lá gan ở cá. Ngoài ra, cần lưu ý rằng thớt, dao, đũa và các dụng cụ ăn uống khác phải được tách riêng đồ sống và đồ chín , đồng thời phải được đun sôi và khử trùng thường xuyên.