Ca mắc sởi đầu tiên trong năm tại Hà Nội là một bé gái 10 tuổi, ở huyện Chương Mỹ. Được biết, trước đó bệnh nhi này đã được tiêm 3 mũi vắc xin phòng sởi.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận 1 ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024. Cùng kỳ năm trước, thành phố không ghi nhận ca mắc nào.
Bệnh nhi mắc sởi là bé gái 10 tuổi, ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, đã được tiêm 3 mũi vắc xin phòng sởi. Bệnh khởi phát ngày 27/3, kết quả xét nghiệm ELISA IgM sởi và rubella của bệnh nhi cho kết quả dương tính.
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 42 ca mắc sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố, không ghi nhận ổ dịch tập trung.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, trong năm 2024, nguy cơ dịch sởi bùng phát tại nước ta là rất cao, do trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, nhiều trẻ không được tiêm phòng vắc xin phòng sởi. Ngoài ra, trong năm 2023, có thời điểm nước ta bị thiếu vắc xin sởi cục bộ, nên ảnh hưởng đến việc tiêm phòng. Cuối cùng, dù xét trên bình diện cả nước, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi cao đạt khoảng 90-95%, thì vẫn còn 5-10% trẻ không được tiêm vắc xin.
Năm 2024, bệnh sởi có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, sởi là bệnh lây qua đường hô hấp và lây lan rất nhanh. Người không có miễn dịch (không được tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc sởi) mà tiếp xúc với bệnh nhân sởi thì gần như đều bị lây.
Do vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin phòng sởi đúng lịch. Tuy nhiên, người đã tiêm vẫn có nguy cơ mắc sởi, nhưng thường sẽ bị nhẹ và ít bị biến chứng hơn so với trẻ không được tiêm phòng.
Để phòng bệnh hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi, mũi thứ nhất lúc 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi 18 tháng tuổi. Nếu tiêm một mũi vắc xin phòng sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu được tiêm thêm mũi vắc xin thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.
TS.BS Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, để phòng bệnh sởi bùng phát trên diện rộng, điều quan trọng nhất hiện nay là cần rà soát lại số trẻ chưa được tiêm phòng, nhất là ở những khu vực không có vắc xin dịch vụ để tổ chức tiêm bù ngay.
Đối với những trường hợp trẻ chưa đủ tháng tuổi để tiêm vắc xin phòng sởi hoặc trẻ chưa tiêm đủ mũi, trẻ mới được tiêm, chưa đủ thời gian để sinh kháng thể miễn dịch, các bậc cha mẹ lưu ý phòng bệnh cho bé bằng những biện pháp sau:
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây. Nếu trong các khu vực nhà trẻ, mẫu giáo hoặc trong gia đình có bệnh nhân sởi thì cần cách ly không cho trẻ tiếp xúc trong khoảng cách gần.
- Khi phát hiện trẻ bị bệnh, cha mẹ không nên đưa trẻ đi học, cần cách ly ngay với các trẻ khác và người già, người đang bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai... Người chăm sóc trẻ nên đeo khẩu trang, đồng thời khuyến khích bệnh nhi đeo khẩu trang để hạn chế nguy cơ lây lan.
- Tăng cường ý thức cho trẻ trong việc vệ sinh bàn tay. Hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc sử dụng các dung dịch sát khuẩn tay. Người lớn trong gia đình cũng cần chú ý đến việc vệ sinh bàn tay trong các hoạt động thường ngày cũng như khi chăm sóc trẻ.
- Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên lưu ý tiêm vắc xin phòng sởi. Việc tiêm chủng trước khi mang thai sẽ giúp cho cơ thể của mẹ sản sinh ra các kháng thể giúp bảo vệ em bé ít nhất 6 tháng sau khi chào đời.