Người phụ nữ giảm 53kg nhờ phẫu thuật thu nhỏ dạ dày, ai nên và ai tránh giảm béo bằng cách này?

DIỆU THUẦN - Ngày 23/02/2024 19:43 PM (GMT+7)

Sau khi áp dụng nhiều cách giảm cân nhưng không đạt kết quả, người phụ nữ từng nặng 116 kg đã quyết định thực hiện phẫu thuật tạo hình dạ dày và giảm 53kg, sức khỏe cũng cải thiện.

Chị Kristy Anne Smith là một người Nam Phi và từng ở Việt Nam vài năm trước. Vốn là một người béo phì, với cân nặng lên tới 120 kg, chị đã thử nhiều phương pháp giảm cân như tập luyện, ăn kiêng… nhưng đều thất bại.

Năm 2021, khi đang đang làm việc tại TP HCM, chị Smith quyết định thực hiện phẫu thuật thu nhỏ dạ dày hình ống  để giảm cân.

Hình ảnh của chị Kristy Anne Smith trước và 3 năm sau khi phẫu thuật cắt tạo hình dạ dày (Ảnh: NVCC)

Hình ảnh của chị Kristy Anne Smith trước và 3 năm sau khi phẫu thuật cắt tạo hình dạ dày (Ảnh: NVCC)

ThS.BS Phan Văn Thái, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV, cho biết, sau phẫu thuật và thực hiện chế độ dinh dưỡng cũng như tập luyện phù hợp theo tư vấn, hiện chị Smith đã giảm được 53kg. Hiện cân nặng của chị duy trì ở mức 63kg, sức khỏe ổn định.

Theo bác sĩ Thái, phẫu thuật thu nhỏ dạ dày hình ống giúp giảm khả năng tiêu thụ thức ăn. Bên cạnh đó, cắt dọc dạ dày cũng loại trừ phần phình vị chứa nhiều hormone Ghrelin gây cảm giác đói, giảm sự thèm ăn nhưng không làm mất đi cảm giác ngon miệng, từ đó giúp bệnh nhân giảm cân hiệu quả mà vẫn tận hưởng niềm vui trong ăn uống. 

Bác sĩ Thái cũng cho biết, thực tế, hơn 30 bệnh nhân béo phì từng phẫu thuật thu nhỏ dạ dày hình ống tại bệnh viện vài năm qua trung bình đều giảm 35kg cân nặng trong 12 tháng và mức BMI (chỉ số khối cơ thể) giảm xuống còn 25 so với trước khi mổ là 37,5. Ngoài ra, các bệnh nhân này cũng có sự cải thiện rõ rệt những bệnh lý kèm theo như: tiểu đường, rối loạn mỡ máu, cao huyết áp, ngưng thở khi ngủ…

Mặc dù phẫu thuật thu nhỏ dạ dày hình ống là một phương pháp hiệu quả để giảm cân cho người béo phì, bác sĩ Thái nhấn mạnh, đây không phải là phép màu và bệnh nhân cần tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng, thay đổi lối sống sau phẫu thuật để duy trì kết quả lâu dài, đồng thời tránh các biến chứng. Bệnh nhân cũng cần tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày, để tăng cường sức khỏe, đốt cháy calo và cải thiện tâm trạng.  

Phương pháp này mang lại hiệu quả cho những bệnh nhân béo phì trong độ tuổi từ 16 đến 60 với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 35 trở lên, hoặc từ 30 trở lên nếu có các bệnh lý liên quan như tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, ngưng thở khi ngủ… và không thành công khi thử các phương pháp điều trị khác.

Theo bác sĩ Phan Văn Thái, phẫu thuật thu nhỏ dạ dày có thể hỗ trợ giảm cân cho người béo phì. Ành: BVCC.

Theo bác sĩ Phan Văn Thái, phẫu thuật thu nhỏ dạ dày có thể hỗ trợ giảm cân cho người béo phì. Ành: BVCC.

Người mắc béo phì phải đối diện với nhiều căn bệnh nguy hiểm

Theo Bệnh viện Trung ương quân đội 108, béo phì là tình trạng lượng mỡ tích lũy trong cơ thể tăng lên nhanh chóng và bất thường. Hiệp hội Y khoa Mỹ chính thức công nhận béo phì là một bệnh vào năm 2013, hiện có xu hướng tăng trên phạm vi toàn cầu.

Thống kê năm 2015 cho thấy, thế giới có khoảng 1,9 tỷ người thừa cân và 609 triệu người béo phì. Tỷ lệ thừa cân, béo phì trên thế giới đã tăng gấp đôi so với năm 1980 đến mức hơn 1/3 dân số thế giới hiện nay được phân loại thừa cân và béo phì. Ước tính tới 57,8 % dân số thế giới sẽ rơi vào tình trạng này vào năm 2030. Chi phí y tế cho điều trị bệnh béo phì tại Mỹ lên tới 147 tỷ USD, chiếm tới 9% chi phi y tế hàng năm.

Các bác sĩ khuyến cáo, béo phì không chỉ khiến người bệnh khó khăn trong đi lại, sinh hoạt, hòa nhập cộng đồng, dễ gặp rối loạn về tâm lý mà đáng lo ngại hơn khi tình trạng này làm gia tăng nguy cơ các bệnh lý khác như: tim mạch, phổi, bệnh về ống tiêu hóa, hệ thống cơ xương khớp… Tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn uống, uống thuốc giảm cân là các phương pháp áp dụng phổ biến trong điều trị béo phì hiện nay. Tuy nhiên, kết quả thường không ổn định và tỷ lệ tái béo phì sau đó cao hơn trước. 

“Hiện có rất nhiều phương pháp giảm cân khác nhau, từ châm cứu, chọn thức ăn, tập luyện hoặc dùng thuốc. Những phương pháp này phù hợp với các bệnh nhân bị thừa cân nhẹ hoặc béo phì giai đoạn 1 hoặc 2. Còn với những bệnh nhân đã mắc bệnh ở giai đoạn 3, chỉ số khối của cơ thể (BMI) ở mức từ 37,5 trở lên thì khó có thể áp dụng các biện pháp giảm cân không xâm lấn. Khi đó bác sĩ có thể chỉ định phương án phẫu thuật”, bác sĩ chia sẻ.

Ai cần cân nhắc việc phẫu thuật thu nhỏ dạ dày?

Theo Trang thông tin Johns Hopkins Medicine: Phẫu thuật giảm cân không được khuyên dùng cho những người lạm dụng thuốc lá hoặc rượu, hoặc những ai không thể cam kết thay đổi thói quen ăn uống và tập thể dục suốt đời. 

Nếu có hút thuốc, bạn sẽ cần ngừng hút vài tháng mới có thể thực hiện phẫu thuật này. Người muốn phẫu thuật cũng sẽ cần ngừng dùng aspirin, ibuprofen và các loại thuốc làm loãng máu khác trong một số ngày trước ca mổ.

Với những người không thuộc nhóm "chống chỉ định", trước khi phẫu thuật thu nhỏ dạ dày, bạn cần được tư vấn kỹ lưỡng để hiểu rõ và có tâm thế sẵn sàng cho ca phẫu thuật cũng như cuộc sống sau đó. Bạn cũng được tư vấn dinh dưỡng, đánh giá về tâm lý và khám sức khỏe để xác định xem có phù hợp với phương pháp này không. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ cần xét nghiệm máu và có thể được thực hiện các nghiên cứu hình ảnh về dạ dày hoặc nội soi phần trên trước ca mổ.

Khôn ăn cái, dại ăn nước có đúng? Bác sĩ chia sẻ cách ăn để khỏe mạnh, giảm cân khiến nhiều người bất ngờ
Theo các bác sĩ, nước rau củ luộc chứa nhiều vitamin, ít chất đạm và chất béo nên rất tốt cho người muốn giảm cân, ngừa bệnh tật.

Chế độ ăn ảnh hưởng sức khỏe

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tăng cân béo phì