Nghỉ dịch làm việc ở nhà với những áp lực từ chồng con và công việc khiến không ít chị em bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần phải nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ.
Đi khám vì chồng mê game, không giúp vợ việc nhà
Thời gian vừa qua, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và xuất hiện ở nhiều địa phương, nhiều cơ quan công sở đã cho nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà để phòng nguy cơ lây lan bệnh dịch.
Tuy nhiên, thời gian làm việc tại nhà kéo dài đã khiến không ít người phát sinh các vấn đề về sức khỏe, trong đó có sức khỏe tâm thần. Thực tế, không ít trường hợp vì áp lực chồng con, công việc đã bị rối loạn trầm cảm phải tới bệnh viện nhờ sự can thiệp của bác sĩ.
Ths.BS Nguyễn Viết Chung, khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E) cho biết, khoa mới tiếp nhận 2 phụ nữ tới khám vì triền miên đau đầu, lo âu, rối loạn giấc ngủ…
Trường hợp thứ nhất là một phụ nữ ở Hà Nội, đến khám vì bị áp lực cuộc sống gia đình dẫn đến đau đầu, lo âu, mất ngủ… Điều đáng nói, vấn đề bệnh nhân này gặp phải lại xuất phát chủ yếu từ người chồng.
Vì chồng ham chơi không chia sẻ công việc nên vợ đã bị áp lực. Ảnh minh họa.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, trong thời gian dịch COVID-19, hai vợ chồng đều làm việc ở nhà. Tuy nhiên người vợ vừa lo việc công ty, vừa chăm cả gia đình, trong khi ông chồng chỉ chúi mũi chơi game, thậm chí khi các con tới gần còn bị bố "đuổi" ra.
Thường xuyên chứng kiến cảnh này, người vợ ngày càng trở nên căng thẳng, thường xuyên bị đau đầu từng cơn, mất ngủ và cảm thấy áp lực, dễ bực tức, cáu gắt, hay hồi hộp, đánh trống ngực.
Khi tới bệnh viện khám, người vợ chia sẻ với BS Chung rằng chị cảm thấy tủi thân, không được chia sẻ khi chồng mải chơi game không quan tâm đến vợ, không chơi cùng con, dồn hết mọi công việc gia đình lên vai chị.
Bệnh nhân khóc nức nở khi được hỏi về con cái và công việc
Trường hợp thứ hai là một bà mẹ Hà Nội có con vừa tròn một tuổi. Chia sẻ với BS Chung, nữ bệnh nhân cho biết, sau sinh 6 tháng, chị quay lại với công việc nhưng do dịch bệnh nên phải làm tại nhà.
Ở nhà, ngoài làm việc cơ quan, chị một tay chăm con nhỏ, từ cho bú, dỗ ngủ, tới lo ăn dặm... Sau một thời gian ngắn, chị hay đau đầu ở nhiều vị trí không rõ ràng và bị mất ngủ, mệt mỏi, chán nản, cảm giác trào ngược dạ dày thực quản...
“Bệnh nhân chia sẻ, khi đến cơ quan thì chỉ tập trung cho công việc, còn ở nhà, đang làm thì con quấy lại phải bỏ đó ra bế con, dỗ dành… Tình trạng này khiến bệnh nhân vừa không hoàn thành được công việc, vừa bị áp lực, căng thẳng và mệt mỏi”, BS Chung kể lại.
Không ít người mẹ vì áp lực công việc, trông con dẫn đến rối loạn trầm cảm. Ảnh minh họa.
Các triệu chứng trên xuất hiện ngày càng nhiều nên bệnh nhân đã đến viện kiểm tra. Tại đây, quá trình chụp chiếu và kiểm tra sọ não cho kết quả bình thường. Tại phòng tư vấn, BS Chung cho biết người mẹ này rất xúc động và dễ khóc.
“Khi tôi hỏi thăm sức khỏe con thế nào, cháu có ăn được không, công việc ra sao?... thì bệnh nhân òa khóc. Bệnh nhân luôn tự trách mình, suy nghĩ rằng bản thân không làm tròn trách nhiệm với cơ quan, không tốt với con, luôn bi quan tiêu cực và bị rối loạn giấc ngủ dẫn tới mệt mỏi, không muốn làm gì”, BS Chung chia sẻ.
Sau khi được BS Chung tư vấn và hướng dẫn điều trị cũng như lên thời khoá biểu hợp lý hàng ngày, hiện hai bệnh nhân cơ bản đã ổn định.
Hãy chia sẻ cùng nhau và lên thời gian biểu cho các hoạt động
Từ trường hợp 2 bệnh nhân trên, BS Nguyễn Viết Chung cho biết, trong đại dịch COVID-19, người phụ nữ dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần nhiều hơn là nam giới. Trong đó, vấn đề thường gặp nhất là rối loạn lo âu, trầm cảm ở nhiều mức độ khác nhau.
Để phòng rối loạn trầm cảm, BS Chung khuyên hai vợ chồng cần thấu hiểu, đồng cảm và thường xuyên trò chuyện với nhau. Ngoài ra, luôn phải có tinh thần san sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc gia đình và cùng tháo gỡ vướng mắc trong cuộc sống.
Trường hợp người phụ nữ gặp hoàn cảnh như hai bệnh nhân trên cần bình tĩnh xử lý vấn đề, tránh suy nghĩ quá nhiều dẫn đến căng thẳng vợ chồng, từ đó tình trạng nặng nề hơn.
Ngoài ra, những người vừa phải lo việc gia đình, vừa phải làm việc online nên có một thời khóa biểu sinh hoạt sao cho hợp lý. Đặc biệt, hàng ngày nên dành thời gian ít nhất 30 phút để tập thể dục, có thời gian chăm sóc cho bản thân, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ nghỉ 7-8 tiếng/ngày.
Cuối cùng, khi gặp bất cứ vấn đề gì như rối loạn giấc ngủ, lo âu, đau đầu,…BS Chung khuyến cáo chị em cần đến các cơ sở y tế, tốt nhất là cơ sở có chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được thăm khám, can thiệp kịp thời.