Sau bữa ăn với món “đặc sản” cả gia đình bị ngộ độc, một người hôn mê, suy đa tạng

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 12/08/2021 15:59 PM (GMT+7)

Sau bữa ăn với món “đặc sản” bắt ngoài tự nhiên về, cả gia đình bị đau bụng và phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nặng.

Mới đây, gia đình anh B.T.K ở Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình sau khi đi làm đồng về đã bắt được số lượng lớn bọ xít nên sử dụng làm thức ăn trong bữa cơm gia đình. Theo chia sẻ của gia đình, ăn bọ xít cũng là thói quen của người dân nơi đây, thậm chí còn coi đây là món “đặc sản” vì chỉ có theo mùa.

Trong bữa hôm đó, anh K cùng gia đình ăn khoảng 0,5kg bọ xít đã chế biến cùng một số món khác như thịt lợn, măng xào, rau muống, uống cùng rượu chuối hột và bia. 

Ăn xong, cả gia đình xuất hiện đau bụng, buồn nôn, đau mỏi người. Đến khoảng 22h, anh K buồn nôn, nôn 2 lần, đi ngoài phân lỏng 5 lần. Những thành viên khác cũng có biểu hiện ngộ độc và được đưa vào điều trị ở tuyến cơ sở, riêng anh K bị nặng nhất, đỉnh điểm còn xuất hiện chuột rút, co cứng các cơ và đau cơ toàn thân nên được chuyển lên BV Bạch Mai cấp cứu.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi bệnh nhân vào viện đã ở trong tình trạng hôn mê, kích thích, toan chuyển hóa với chẩn đoán: Suy đa tạng do ngộ độc bọ xít. 

Loại bọ xít khiến cả gia đình ngộ độc hiện chưa có thông tin về độc tố và gây ngộ độc trên người trong y văn thế giới.

Loại bọ xít khiến cả gia đình ngộ độc hiện chưa có thông tin về độc tố và gây ngộ độc trên người trong y văn thế giới.

Xét nghiệm máu cho thấy trong máu bị nhiễm axit nặng, tổn thương cơ, liệt cơ và suy đa tạng. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực, thở máy, lọc máu liên tục, dùng kháng sinh liều cao, thuốc vận mạch… Hiện bệnh nhân sau quá trình điều trị đã ổn định và xuất viện vào ngày 12/8.

Với kinh nghiệm điều trị, TS Nguyên cho biết trung tâm đã tiếp nhận một số trường hợp người dân ăn bọ xít lại ăn nhầm phải sâu ban miêu và bị nhiễm độc. Tuy nhiên, các biểu hiện của anh K không phù hợp với ngộ độc sâu ban miêu, mà đây là một trường hợp ngộ độc một loài bọ xít. 

Sau đó, hình ảnh loại bọ xít gia đình bệnh nhân K ăn đã được gửi đến Viện Hàn Lâm và khoa học công nghệ Việt Nam để nhận dạng và các chuyên gia xác định loài bọ xít này có tên khoa học là Agonoscelis nubilis. Tuy nhiên thông tin về độc tố, tình hình gây độc trên người chưa thấy ghi nhận trên y văn thế giới.

Theo TS Nguyên, có rất nhiều loại bọ xít được chứng minh có chứa chất gây ngộ độc. Bên cạnh đó, ngay cả khi những loại côn trùng không có độc nhưng có nguy cơ rất cao, vì mang các mầm bệnh và có thể lây bệnh cho người (như các ký sinh trùng, vi khuẩn, virus). 

Hiện thông tin y học về độc tính của các loài sâu, bọ xít hiện nay còn ít. Do đó có rất ít loài sâu, bọ xít được khoa học chứng minh là an toàn để ăn. Người bình thường, bao gồm các bác sĩ cũng không thể nhận dạng để xác định loài bọ xít cụ thể và rất dễ nhầm lẫn. 

“Nếu bệnh nhân ăn các loài sâu, bọ xít và bị ngộ độc thì các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn trong chẩn đoán và cứu chữa, đồng nghĩa với tính mạng của người bệnh gặp nhiều rủi ro. 

Để phòng tránh ngộ độc và mắc bệnh, bên cạnh một vài dạng côn trùng đã được biết rõ ràng có thể dùng làm thực phẩm (ví dụ nhộng tằm), người dân không nên ăn các sinh vật lạ hoặc không chắc chắn, dù chế biến bằng bất kỳ cách nào”, TS Nguyên cảnh báo.

Món ăn được ví là kháng sinh trong thực phẩm nhưng lưu ý 2 điều khi ăn kẻo ngộ độc
Mộc nhĩ không chỉ ngon miệng mà còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu chế biến mộc nhĩ không đúng cách có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng đến...

Thực phẩm phòng bệnh

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương