Không hề yếu mệt nhiều, chỉ bị ra máu kinh bất thường, người phụ nữ sững sờ khi nghe bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thông báo mình bị ung thư giai đoạn muộn.
Phó giám đốc tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cơ sở 2
Tưởng rong kinh thông thường, không ngờ phải cắt bỏ tử cung
Qua quá trình thăm khám, Ths.BS Tạ Việt Cường, Phó Giám Đốc Trung tâm khám và điều trị (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2) cho biết, hiện nay có một thực tế rất đáng buồn, đó là chị em khi nói đến bệnh phụ khoa, ung thư vùng phụ khoa ai cũng rất sợ, nhưng sự lo sợ đó lại không đi liền với hành động.
“Chị em chỉ sợ bệnh qua lời nói, còn thực tế rất ít người có thói quen hay tự giác đi khám sức khỏe định kỳ nói chung hoặc khám sản phụ khoa nói riêng, nếu không có triệu chứng. Đây là thực tế đáng buồn, vì đã có không ít trường hợp vì sự chủ quan đó mà phải trả giá”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Mới đây nhất, bác sĩ Tạ Việt Cường đã gặp một nữ bệnh nhân tên Nguyễn Thanh Hòa, 35 tuổi, đến khám vì rong kinh. Vì sức khỏe vẫn bình thường, không có triệu chứng gì khác, bệnh nhân không nghĩ mình bị trọng bệnh. Chị cũng chưa từng đi khám sức khỏe định kỳ hay khám phụ khoa và sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Nữ bệnh nhân không ngờ mình bị ung thư cổ tử cung sau dấu hiệu rong kinh. Ảnh minh họa.
Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán chị Hòa mắc ung thư cổ tử cung. Chính dấu hiệu rong kinh là do khối u bị xuất huyết, gây chảy máu.
“Khi nhận kết quả, bệnh nhân vô cùng bàng hoàng, không tin mình lại bị ung thư. Thực tế, đây không phải là trường hợp hiếm gặp, đã có rất nhiều chị em không đi khám định kỳ, chỉ phát hiện ra bệnh khi khối u đã có kích thước lớn, thậm chí di căn”, bác sĩ Cường cảnh báo.
Chị Hòa sau đó phải làm phẫu thuật cắt tử cung và đang điều trị hóa chất. Hiện sức khỏe của chị sa sút nhiều, việc điều trị chưa thể hiện rõ hiệu quả.
Ngoài khám sức khỏe định kỳ, cần tiêm vắc xin phòng bệnh
Theo bác sĩ Cường, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới. Bệnh gây ra bởi sự phát triển bất thường, không kiểm soát của các tế bào ở cổ tử cung. Các tế bào phát triển nhanh chóng và tạo ra khối u tại cổ tử cung.
Bác sĩ Cường cho biết, ung thư cổ tử cung có thể dự phòng, điều quan trọng nhất cần tầm soát sớm.
Điều đáng mừng là ung thư cổ tử cung có thể dự phòng, nếu phát hiện sớm thì tiên lượng rất tốt. Tuy nhiên, phần lớn những người mắc bệnh phát hiện muộn do bệnh thường không có những dấu hiệu nổi bật và nhiều người không có thói quen khám sức khỏe định kỳ.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư cổ tử cung có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Khối u dễ xâm lấn các cơ quan lân cận hoặc tế bào ung thư di căn đến phổi, gan, xương… khiến việc điều trị trở nên phức tạp và làm giảm khả năng chữa khỏi bệnh. Ở giai đoạn tế bào ung thư đã phát triển mạnh và lan rộng, bệnh nhân phải xạ trị hoặc buộc phải cắt bỏ tử cung và buồng trứng, gây mất khả năng sinh con.
Ngoài khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1-2 lần, bác sĩ Cường khuyến cáo phụ nữ nên tiêm vắc xin HPV đúng độ tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung được đánh giá là an toàn và có thể chống lại các tác nhân gây ra ung thư, tiền ung thư và mụn cóc sinh dục. Độ tuổi an toàn để tiêm vắc xin đạt hiệu quả cao nhất là từ 9 đến 26 tuổi.
Theo bác sĩ, những người đã quan hệ tình dục, nhưng xét nghiệm âm tính với HPV thì vẫn có thể tiêm vắc xin phòng bệnh được. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, vắc xin HPV không bảo vệ và chống lại tất cả các loại HPV có thể gây ung thư, do đó, phụ nữ đã được tiêm vắc xin vẫn cần tuân theo các khuyến cáo sàng lọc ung thư cổ tử cung giống như phụ nữ chưa được tiêm chủng.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Tin liên quan
Rửa chén bát tưởng chừng là công việc đơn giản, ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng cách có thể sẽ gây nhiều ảnh...
Tin bài cùng chủ đề Ung thư cổ tử cung
Phát hiện mắc ung thư cổ tử cung trong giai đoạn điều trị hiếm muộn khiến chị Thùy bàng hoàng, khóc lên khóc xuống. Nhờ được chồng động viên, có tinh thần lạc quan, các bác sĩ giúp chị kiểm...
Bệnh ung thư khác