Nhiều chị em khổ sở vì BV (Viêm âm đạo do vi khuẩn) tái phát, dù chữa trị hết lần này tới lần khác. Dưới đây là những điều bạn cần biết về bệnh này để phòng và chữa hiệu quả hơn.
Viêm âm đạo do vi khuẩn (BV) là bệnh nhiễm trùng âm đạo phổ biến nhất ở phụ nữ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Mỹ, tình trạng viêm này ảnh hưởng đến gần 30% phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi. Ở phụ nữ da đen, tỷ lệ này còn được ước tính là hơn 50%.
Theo tổ chức Mayo Clinic (Mỹ) BV xảy ra khi có sự phát triển quá mức của vi khuẩn, làm mất cân bằng độ pH tự nhiên của âm đạo.
Nhiều phụ nữ bị viêm nhiễm vùng kín tái đi tái lại. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn?
Viêm âm đạo do vi khuẩn xảy ra do sự phát triển quá mức của một loại vi khuẩn phổ biến có tên gardnerella vaginalis. Một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như thụt rửa, có thể phá vỡ sự cân bằng của môi trường âm đạo, dẫn đến sự sụt giảm vi khuẩn tốt, gia tăng vi khuẩn xấu, dẫn đến sự phát triển quá mức của gardnerella vaginalis.
Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào, ngay cả khi bạn không hoạt động tình dục. Ngoài ra, một phụ nữ sẽ có nguy cơ mắc bệnh BV cao hơn nếu đang mang thai hoặc có nhiều bạn tình, không sử dụng bao cao su hoặc thường dùng dụng cụ thụt rửa...
Các nghiên cứu cho thấy, không có cách nào có thể tránh triệt để bệnh nhiễm trùng âm đạo do vi khuẩn. Bệnh rất dễ bị tái lại. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ bị mắc bệnh bằng cách không thụt rửa, hạn chế quan hệ tình dục không an toàn, mặc đồ lót bằng vải bông thay vì nilon...
Các triệu chứng của viêm âm đạo do vi khuẩn
Tiến sĩ Jennifer Wider (Mỹ) nói với tờ Yahoo Life: "Đôi khi bệnh không biểu hiện bằng bất cứ triệu chứng nào. Nếu có, thì triệu chứng phổ biến nhất bao gồm tiết dịch âm đạo trắng đục, xám hoặc xanh lục. Một số trường hợp, bạn sẽ thấy dịch có mùi tanh, đặc biệt khi sắp có kinh nguyệt hoặc sau khi quan hệ tình dục. Một triệu chứng ít phổ biến hơn là ngứa ngáy hoặc đau nhức".
Tình trạng viêm âm đạo khiến phụ nữ gặp nhiều phiền toái, khó chịu. (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Kecia Gaither - giám đốc các dịch vụ phụ khoa tại Mỹ - nói rằng một số người nghĩ rằng viêm âm đạo do vi khuẩn là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và ngại nói về nó, do e ngại sự kỳ thị. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Viêm âm đạo do vi khuẩn chỉ có thể làm tăng nguy cơ khiến bạn bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia hoặc bệnh lậu... Nhiễm BV khi đang mang thai cũng làm tăng nguy cơ sinh non, tức là trước tuần 37 của thai kỳ.
BV đôi khi bị nhầm lẫn với nhiều bệnh phụ khoa khác như trichomonas hoặc nhiễm trùng nấm men, chlamydia và bệnh lậu... Tuy nhiên, khác với các bệnh đó, khi bị BV, bạn sẽ cần được kê thuốc kháng sinh theo đơn để trị triệt để bệnh.
Làm thế nào để bạn điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn?
Thông thường, việc bạn có bị BV hay không thường được xác định thông qua lấy mẫu dịch âm đạo. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân một đợt kháng sinh kéo dài bảy ngày, chủ yếu là metronidazole, clindamycin và tinidazole.
Một số người hậu điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn vẫn cứ bị tái phát. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, việc không dùng hết liệu trình kháng sinh có thể gây tình trạng này. Ngoài ra, một số tỷ lệ nhỏ các trường hợp bệnh nhân cần đến một liều điều trị thứ hai, thay vì chỉ uống 7 ngày kháng sinh. Một nghiên cứu còn cho thấy BV có tỷ lệ tái phát cao. Khoảng hơn 50% bệnh nhân bị BV sẽ tái phát trong vòng sáu tháng, sau lần điều trị đầu. Do đó, bạn cần kết nối chặt chẽ với bác sĩ sản phụ khoa để được tư vấn, đặt thuốc hiệu quả nhất.