Dù bắp cải tím rất tốt, giàu vitamin và khoáng chất, tuy nhiên thực tế sử dụng mọi người lại không dùng nhiều bằng bắp cải trắng trong bữa ăn hàng ngày.
Tiến sĩ, bác sĩ Từ Ngữ - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam
Ông thường xuyên tham gia các tọa đàm lớn về dinh dưỡng,...
Bắp cải là loại rau phổ biến tại Việt Nam và vụ thu hoạch chính vào mùa đông. Tuy nhiên, tại các siêu thị, các loại bắp cải vẫn được bày bán quanh năm và nhiều người rất ưa thích loại rau này. Khi sử dụng bắp cải làm thực phẩm, hầu hết các gia đình chỉ ăn bắp cải trắng (bắp cải xanh), rất ít sử dụng bắp cải tím (đỏ). Nhưng thực tế cho thấy, nguồn dinh dưỡng trong bắp cải tím không thua kém so với bắp cải trắng, thậm chí một số chất quan trọng trong loại rau này còn vượt trội nhiều lần.
TS.BS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, nhìn tổng thể thì khó nhận định loại rau nào tốt hơn loại rau nào vì tùy vào nhu cầu, số lượng ăn của mỗi người. Thực tế, mỗi loại rau đều có giá trị dinh dưỡng riêng, nhưng tựu chung khi nói đến rau quả sẽ nhắc đến chất xơ, vitamin và khoáng chất là chủ yếu.
Riêng đối với bắp cải trắng và bắp cải tím, dù không so sánh tỉ mỉ cụ thể từng loại chất, vitamin với nhau, nhưng chắc chắn một điều bắp cải tím nhiều beta-caroten (tiền chất của vitamin A) hơn bắp cải trắng. Không chỉ riêng bắp cải mà tất cả các loại rau sẫm màu đều có lượng beta-caroten nhiều hơn rau củ nhạt màu.
Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam (Viện Dinh dưỡng), trong 100g phần ăn được của bắp cải trắng chứa 65μg beta-caroten. Cùng trọng lượng như vậy, bắp cải tím chứa 670μg beta-caroten, nhiều gấp hơn 10 lần so với bắp cải trắng. Ngoài ra, lượng canxi, kali, vitamin C trong bắp cải tím cũng nhiều hơn so với bắp cải trắng.
Beta-caroten là tiền chất của vitamin A và cũng là nguồn cung cấp vitamin A tự nhiên, dồi dào cho cơ thể. Vitamin A đóng vai trò quan trọng với khả năng thị giác nên nó cũng có tác dụng làm mắt thêm sáng, nhìn thêm tinh. Chất này cũng rất tốt cho trẻ em và người cao tuổi. Ngoài ra, nó còn có chức năng làm lành mạnh hoá hệ miễn dịch nên tốt cho người mới ốm dậy.
Bên cạnh đó, beta-caroten còn sở hữu khả năng chống oxy hoá ưu việt vì nó có tác dụng khử hết gốc tự do dư thừa trong cơ thể. Vì thế, beta-caroten có thể giúp bảo vệ màng tế bào, chậm lại lão hoá, ngăn ngừa ung thư.
Việc bổ sung caroten từ thực phẩm là an toàn nên mọi người hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng không nên bổ sung lượng beta - caroten quá lượng quy định của vitamin A. Liều quy định của vitamin A là 900μg cho nam và 700μg cho nữ. Liều lượng an toàn của beta-caroten tương đương là khoảng 10mg trong một ngày. Tuy nhiên, nếu bổ sung beta-caroten dưới dạng tự nhiên trong thực phẩm thì sẽ không lo sợ bị quá liều.
Từ những phân tích trên, TS Từ Ngữ khẳng định nếu ăn được bắp cải tím sẽ rất tốt. Thế nhưng, do đặc điểm và vị (đắng) của loại rau này nên nhiều người chỉ dùng làm nộm, ăn kèm rau sống, trộn salad nên ít người sử dụng thường xuyên để luộc, nấu canh hay xào. Còn với bắp cải trắng do dễ trồng với số lượng lớn, giá thành rẻ, chế biến được nhiều món, mùi vị cũng hấp dẫn hơn bắp cải tím nên được nhiều người sử dụng hơn.
“Việc ăn uống nhất là với các loại rau hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích và mang tính cá thể. Vì thế, chúng ta không thể ép mọi người vì loại rau này tốt nên phải ăn nhiều, mà chỉ nên khuyến cáo mọi người nên ăn đủ và đa dạng các loại rau là tốt nhất”, TS Từ Ngữ tư vấn.
Tin liên quan
Ngọn su su là loại rau xanh không chỉ chế biến được nhiều món ăn ngon mà còn rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên có 2 kiểu người nên tránh ăn...
Tết với mọi người là giây phút đoàn viên, sum họp bên gia đình. Nhưng với những đứa trẻ không may mắc ung thư, Tết chỉ là thời gian tạm nghỉ...
Các chuyên gia nhận định, thường xuyên ăn những loại rau này cực kỳ tốt cho sức khỏe, đặc biệt hỗ trợ phòng ngừa ung thư.
Những thực phẩm dưới đây sẽ giúp bạn thoát khỏi những cơn đau do viêm loét dạ dày và vi khuẩn HP.
Tin bài cùng chủ đề Ăn gì mới đúng
Bí ngô là loại rau bổ dưỡng có chứa nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm đường, tinh bột, carotene, vitamin B, vitamin C, fructose, glucose, axit amin, chất xơ, sắt, magiê, kẽm, selen...