Những thực phẩm dưới đây sẽ giúp bạn thoát khỏi những cơn đau do viêm loét dạ dày và vi khuẩn HP.
Viêm loét dạ dày là một căn bệnh khá phổ biến ngày nay với các triệu chứng như khó tiêu, đau bụng nóng rát, buồn nôn và thường xuyên ợ hơi.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây viêm dạ dày, điển hình nhất là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori). Các nguyên nhân khác bao gồm sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), uống nhiều rượu và một số bệnh viêm nhiễm, chẳng hạn như bệnh Crohn.
Một số loại thực phẩm có thể làm giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn H. pylori và giảm bớt tình trạng xói mòn niêm mạc dạ dày hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm dạ dày. Dưới đây là những loại rau có thể giúp giảm bớt và phòng ngừa vi khuẩn H.pylory cũng như bệnh viêm dạ dày.
1. Súp lơ trắng
Súp lơ trắng là một thực phẩm rất tốt cho hệ tiêu hóa. Với hàm lượng chất xơ không hề thấp, súp lơ trắng giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, nhu động mạnh mẽ hơn nên có thể chống lại các bệnh do sự ứ trệ đường tiêu hóa gây ra.
Đặc biệt, súp lơ trắng có chứa các chất glucosinolate, glucoraphanin và sulforaphane có khả năng chống lại vi khuẩn H. pylori, do đó nó rất hữu hiệu trong việc chống lại bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
Thêm vào đó, chất isothiocyanate có trong súp lơ trắng còn giúp chống lại nguy cơ bị bệnh ác tính của dạ dày. Nếu thường xuyên ăn súp lơ trắng, bạn sẽ tránh được nguy cơ ung thư dạ dày, đại tràng và ung thư gan.
2. Bắp cải
Bắp cải là một phương thuốc chữa loét tự nhiên phổ biến. Từ nhiều thập kỷ trước, các bác sĩ đã sử dụng nó để giúp chữa lành vết loét dạ dày trước khi có thuốc kháng sinh.
Bắp cải rất giàu vitamin C, một chất chống oxy hóa được chứng minh là giúp ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng H. pylori. Vi khuẩn này là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm loét dạ dày.
Trên thực tế, một số nghiên cứu trên động vật cho thấy nước ép bắp cải có hiệu quả trong việc điều trị và ngăn ngừa một loạt các vết loét tiêu hóa, bao gồm cả những bệnh ảnh hưởng đến dạ dày.
Còn ở người, theo báo cáo từ Viện Sức khoẻ quốc gia, Thư viện y học quốc gia Mỹ, thời gian lành loét dạ dày trung bình ở những người uống nước ép bắp cải được rút ngắn so với những người không uống nước ép bắp cải.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được hợp chất nào thúc đẩy sự phục hồi này.
3. Củ cải
Củ cải được ví như nhân sâm trắng và nó cũng là thực phẩm có lợi cho đường tiêu hóa. Củ cải có khả năng hấp thụ tinh bột trong thực phẩm, có thể hóa giải thức ăn tích trữ trong dạ dày, có tác dụng chữa khó tiêu, kích thích tiêu hóa, phòng và điều trị viêm loét dạ dày.
4. Bông cải xanh
Bông cải xanh có chứa một chất hóa học gọi là sulforaphane, có đặc tính kháng khuẩn. Nó cũng chứa chất chống oxy hóa, có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh ung thư. Vì lý do này, ăn mầm bông cải xanh có thể giúp giảm hoặc ngăn ngừa viêm dạ dày và giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2009, phát hiện ra rằng những người tham gia bị nhiễm H. pylori ăn 70 gram mầm bông cải xanh mỗi ngày trong 8 tuần có mức độ nhiễm trùng và viêm thấp hơn những người không ăn. bông cải xanh.
5. Tỏi, hành tây, hành lá, tỏi tây
Mùi nồng của những loại rau này có thể khiến bạn không thích. Tuy nhiên, mùi này thực sự đến từ một chất kháng khuẩn mạnh được thiết kế để bảo vệ thực vật - và cũng có thể được sử dụng như một loại kháng sinh tự nhiên. Không có gì ngạc nhiên khi các nghiên cứu chỉ ra rằng những người ăn các thực phẩm trên có tỷ lệ nhiễm trùng H.pylori thấp hơn.
6. Nghệ
Curcumin là một thành phần hoạt chất được tìm thấy trong nghệ. Curcumin là một chất chống oxy hóa có đặc tính chống viêm mạnh mẽ.
Một nghiên cứu năm 2019 đã thảo luận về cách thức chất curcumin giảm viêm và ngăn vi khuẩn H. pylori xâm nhập và gây hại cho các tế bào dạ dày. Điều này giúp cải thiện lưu lượng máu đến khu vực này, chữa lành các tổn thương mô dạ dày. Nó cũng cải thiện phản ứng của hệ thống miễn dịch trong cơ thể.