Bầu ngực có cục cứng, đau là biểu hiện khiến nhiều chị em lo lắng. Liệu đây có phải dấu hiệu ung thư vú, bác sĩ Lê Chính Đại sẽ giải thích trong phần trả lời dưới đây.
Tôi 31 tuổi, có 2 con, cháu nhỏ nhất 2 tuổi. Sau sinh lần đầu tôi từng bị u xơ ở vú và đã phẫu thuật. Sau khi cai sữa cho bé thứ hai, tôi lại thấy ngực mình cũng nổi lại một khối cứng, gây đau, nhất là mỗi lần gần tới ngày “đèn đỏ”.
Tôi lo có thể mình mắc ung thư vú nên định đi khám nhưng lo sợ đến bệnh viện khi dịch bệnh hoành hành mà mình lại có con nhỏ nên chần chừ mấy tháng nay. Vậy với dấu hiệu như của tôi thì có khả năng bị ung thư vú không và làm thế nào để biết chắc chắn? (Trương Hồng Vân)
Chào bạn,
Cũng như bạn, không ít chị em lo lắng khi phát hiện ngực mình có cục cứng, nhất là khi hiện nay, tỷ lệ ung thư vú ngày càng tăng cao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ có cục cứng ở ngực như:
- Do viêm nhiễm (thường gặp ở phụ nữ cho con bú, gây ra tình trạng áp xe vú.
- Thoái hóa mỡ và xơ nang tuyến vú
- Có nang ở vú.
- U vú lành tính
- Ung thư vú...
Với mỗi nguyên nhân trên lại có cách điều trị khác nhau, và điều quan trọng là cần xác định được cục cứng ở ngực đó là lành tính hay ác tính. Thông thường, ở phụ nữ trẻ, những cục cứng có kích thước không lớn lên theo thời gian, thường chỉ gây đau khi sắp đến ngày hành kinh… đa phần là lành tính. Ngược lại, u ác tính sẽ phát triển nhanh, cảm giác cứng và đau không phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt. Trường hợp này thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi hơn.
Bạn cần chú ý xem, ngoài tình trạng ngực nổi cục cứng và đau có kém một hoặc một số dấu hiệu sau không: Bầu ngực thay đổi hình dáng và kích thước; Vùng da ở bầu ngực hay núm vú thay đổi, có thể co rúm, tấy đỏ, bong tróc, có màu sắc khác biệt so với các vùng da xung quanh; Núm vú chảy dịch...
Hiện nay, ung thư vú là loại bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ tại nước ta. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, đây cũng là loại bệnh có cơ hội điều trị thành công khá cao. Tốt nhất, khi thấy cơ thể có những bất thường, bạn nên sắp xếp đi khám tầm soát càng sớm càng tốt.
Nếu thực sự mắc bệnh, bạn sẽ được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị kịp thời. Bệnh ung thư không chờ đợi chúng ta, nó có thể tiến triển rất nhanh và trong nhiều trường hợp nếu phát hiện muộn là lỡ “thời cơ vàng” để điều trị. Trong điều trị ung thư, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là hai yếu tố quan trọng nhất giúp nâng cao cơ hội điều trị thành công…
Trong trường hợp nếu khối cứng của bạn là khối u lành hoặc không phải vấn đề nghiêm trọng, bản thân bạn cũng bớt được mối lo lắng không cần thiết, từ đó có thể yên tâm chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn.
Hiện nay, mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng các bệnh viện đều thực hiện nghiêm ngặt những biện pháp sàng lọc, bảo vệ an toàn cho bệnh nhân đến khám, điều trị. Vì vậy, bạn không cần quá lo lắng về nguy cơ lây bệnh dịch khi đi khám, chữa bệnh. Để hạn chế tối đa nguy cơ, bạn cần tuân theo quy tắc 5K, thực hiện đúng quy định của bệnh viện, chọn cơ sở y tế uy tín, không quá đông đúc, sử dụng hệ thống khám, chữa tích hợp để vừa đảm bảo an toàn, vừa được khám và điều trị kịp thời nếu cần.