Hơn 2 năm qua, mỗi lần đi tái khám, chị Trà My đều nhận kết quả kiểm soát tốt tế bào ung thư vú.
Mắc ung thư vú dù có lối sống lành mạnh
Chị Nguyễn Thị Trà My (46 tuổi), hiện là giám đốc một công ty dịch vụ ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), từng có tiền sử mắc bệnh men gan cao. Vì vậy, chị luôn xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học và tập yoga mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe.
Cuối năm 2021, chị thấy vòng ngực bị đau, sờ có cục u cứng. Tìm hiểu qua thông tin, chị nghi ngờ có thể mình đã mắc ung thư vú nên đến Bệnh viện K (Hà Nội) khám. Các kết quả chụp chiếu cho thấy, chị bị ung thư vú thể nội tiết giai đoạn 2B.
Ở tuổi U50, chị Trà My có dáng người cân đối - Ảnh: NVCC.
Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý, có thể bản thân sẽ mắc căn bệnh quái ác trước đó, nhưng khi nghe bác sĩ chẩn đoán mình mắc ung thư, chị suy sụp. Được chồng con động viên và khi nghe bác sĩ khuyên, ung thư vú ở giai đoạn 2B vẫn có thể kiểm soát được, tỷ lệ sống trên 5 năm cũng cao nên chị Trà My quyết tâm chiến đấu. Ngoài tuân thủ phác đồ, phương pháp điều trị của bác sĩ, chị Trà My luôn giữ tinh thần lạc quan và ăn uống một cách khoa học.
“Tôi đã nhanh chóng gạt đi tâm lý mình đang bị ung thư và luôn nghĩ, cần phải sống khỏe mạnh, sống lạc quan, có ích hơn”, người phụ nữ sinh năm 1978 chia sẻ.
Ca phẫu thuật cắt khối u của chị Trà My được các y bác sĩ Bệnh viện K thực hiện ngay sau đó và thành công. “Sau phẫu thuật tôi phải trải qua các đợt hóa trị, uống thuốc nội tiết bậc 1. May mắn, tôi không phải cắt buồng trứng”, chị Trà My chia sẻ.
Tháng 7/2022, chị Trà My trải qua hết các đợt hóa trị để kiểm soát tế bào ung thư. Khi xuất viện về nhà, cũng như nhiều bệnh nhân ung thư khác, chị cũng bị các tác dụng phụ như bị rối loạn nội tiết, rong kinh, đau ở vị trí phẫu thuật, căng cơ ở tay… Nhờ tìm hiểu kỹ thông tin, được bác sĩ tư vấn, uống thuốc phù hợp, ăn uống đủ chất và luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, chị đều vượt qua nhẹ nhàng. Chị chia sẻ trên một hội nhóm đồng hành với bệnh nhân ung thư: “Thân dù có bệnh nhưng tâm phải khỏe, cố gắng mỗi ngày để chiến thắng với bệnh tật các chị em nhé”.
Giữ tinh thần thoải mái, tập yoga mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe
Chị Trà My cho biết bắt đầu tập yoga từ vài năm trước. Khi phải ở bệnh viện điều trị ung thư, sức khỏe không đảm bảo, chị phải nghỉ tập một thời gian, chỉ đi bộ, vận động nhẹ nhàng.
Sau khi sức khỏe hồi phục, chị quyết định quy trở lại với yoga để rèn luyện sức khỏe nhưng có sự hướng dẫn, theo dõi sát của huấn luyện viên cũng như làm đúng các khuyến cáo của bác sĩ. Theo chị, thường xuyên tập yoga sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, có cơ thể dẻo dai và linh hoạt, giảm đau, cải thiện sức khỏe tim mạch, cải hiện hệ miễn dịch và nhiều lợi ích sức khỏe khác.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, những người bệnh nhân ung thư như chị Trà My có thể giảm mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ, hỗ trợ phục hồi sau phẫu thuật, giảm lo lắng và trầm cảm. Tiến sĩ Maggie DiNome thuộc Viện Ung thư John Wayne ở Santa Monica, California (Mỹ) cho biết, bệnh nhân ung thư thường xuyên tập yoga sẽ có chất lượng cuộc sống tốt hơn, vui vẻ, lạc quan hơn.
Hiện chị Trà My có thể tập được các động tác yoga khó, nhưng có sự hướng dẫn, theo dõi sát của huấn luyện viên. Ảnh: NVCC.
Khi mới xuất viện về nhà, chị Trà My chọn tập yoga tại nhà, với các động tác nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe. Sau đó, chị dần tập các bài tập từ đơn giản đến khó. “Hiện tôi có thể tập các động tác yoga như người bình thường rồi. Với những bệnh nhân ung thư khác, các bác sĩ sẽ khuyến cáo cần hạn chế tập các bài liên quan đến lực tay, vì họ phải mổ nạo vét hạch nách, nếu tập nặng hay mang vác nặng sau mổ sẽ bị phù tay, không tốt. Tôi may mắn hơn nên có thể tập các bài về tay được”, chị Trà My chia sẻ.
Ngoài tập luyện, chị Trà My còn ăn uống đủ chất, hạn chế các thực phẩm không tốt cho sức khỏe và dễ nguy cơ gây bệnh. Chị cũng thường xuyên cùng gia đình, bạn bè, chồng con đi du lịch, tham gia các hoạt động xã hội để giúp tinh thần thoải mái, có thể quên những nỗi lo về bệnh tật. Nhờ vậy, hơn 2 năm qua, mỗi lần tái khám ung thư, các kết quả chụp chiếu, xét nghiệm của chị đều ở mức bình thường, nhận được lời khen của bác sĩ.
“Bây giờ, cứ 3 tháng tôi tái khám ung thư một lần. Lần gần nhất là vào tháng 5 vừa qua, kết quả được bác sĩ đánh giá tốt. Ngày 21/8 tới đây, tôi sẽ đi tái khám lần nữa, hi vọng tôi lại được bác sĩ khen”, chị Trà My tâm sự.
Mới đây, chị đã chia sẻ niềm vui chiến thắng ung thư vú của mình lên một hội nhóm có nhiều thành viên là bệnh nhân mắc ung thư tham gia. Chị cũng chia sẻ những hình ảnh đang tập yoga của mình, kèm chú thích: “Cũng vì bị bệnh, tôi đã tìm cho mình một môn thể thao để có thể cải thiện sức khỏe và đã bị đam mê môn này. Nhờ nó, sức khỏe tôi ngày càng tốt hơn. Chúc mọi người cũng có thể tìm được môn thể thao yêu thích để cải thiện sức khỏe, chiến thắng anh K nhé”.
Theo Bệnh viện K, ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ giới và có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện, điều trị sớm. Nguyên nhân gây bệnh ngoài yếu tố di truyền còn do môi trường, lối sống, khả năng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều không xác định được một nguyên nhân cụ thể. Những yếu tố về vật lý, phóng xạ, hóa chất, suy giảm miễn dịch, lối sống… chỉ là các “yếu tố nguy cơ”, không phải là nguyên nhân chính được xác định gây bệnh. Hơn nữa, các dấu hiệu của ung thư vú thường diễn ra âm thầm, dễ nhầm thành các bệnh khác. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, các chị em cần tầm soát ung thư vú 6 đến 12 tháng một lần và nên đi khám khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường để biết chính xác nguyên nhân, điều trị bệnh sớm. |
* Tên người bệnh đã thay đổi.