Dù mới xuất hiện tình trạng đau tức ngực khoảng 2 tuần, nhưng khi đi khám các bác sĩ phát hiện có khối u khủng ở trong và chỉ định phẫu thuật ngay sau đó.
Khoảng 2 tuần trở lại đây, chị P.T.H (43 tuổi, ở Hà Nội) xuất hiện tình trạng bị đau vú phải, đồng thời sờ thấy khối cứng phía trong to lên bất thường nên đã vội vàng đi khám. Tại bệnh viện, qua thăm khám bác sĩ phát hiện vú phải có khối chiếm 3/4 phía ngoài vú, đẩy lồi bề mặt da, mật độ chắc, ranh giới không rõ, ấn đau. Vì vậy, bác sĩ chỉ định chị H làm các xét nghiệm và chụp MRI vú.
Kết quả chụp MRI vú cho thấy, có hình ảnh nghi ngờ khối u ác tính khi bờ đa cung ngấm thuốc dạng type I, nên các bác sĩ hướng đến u xơ tuyến vú. Do nghi ngờ ung thư, bệnh nhân được thực hiện sinh thiết để hỗ trợ chẩn đoán. Kết quả sinh thiết của bệnh nhân và chẩn đoán xác định, chị H mắc u xơ tuyến vú.
Ngay sau đó, ê kíp bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật và lấy ra thành công khối u khủng có kích thước 10x7x5,5cm. Tiếp tục cắt lấy mô u vừa được phẫu thuật để làm sinh thiết, kết quả khiến chị H thở phào nhẹ nhõm và mừng rơi nước mắt khi đây không phải khối u ác tính.
Kết quả chụp MRI vú cho hình ảnh khối u tuyến vú phải, bờ đa cung với đường kính lên tới 72mm. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh Nguyễn Công Duy cho biết, u xơ tuyến vú là tổn thương lành tính, nhưng khó phát hiện với những khối u ác tính, vì thế cần phải thăm khám và kiểm tra chuyên sâu để phát hiện bất thường.
Do vậy, bác sĩ Duy khuyến cáo, chị em nên đi khám định kỳ, hoặc đi kiểm tra ngay nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường tại vùng vú như sờ thấy khối tại vùng vú, hoặc khu vực xung quanh như dưới nách/ cánh tay, dịch tiết từ núm vú, núm vú thay đổi, da tại vùng vú nhăn nheo...
Theo bác sĩ Duy, người mắc u xơ tuyến vú không phải điều trị ngay lập tức mà cần theo dõi định kỳ. Tùy thuộc kích thước, vị trí, số lượng khối u xơ vú, bác sĩ có chỉ định điều trị phù hợp, cụ thể như sau:
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Khi khối u có kích thước nhỏ;
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u xơ tuyến vú để tránh chèn ép lên các mô xung quanh, hoặc khi khối u tăng kích thước. Hiện có 2 phương pháp phẫu thuật mổ u vú gồm:
+ Phẫu thuật mổ hở để bóc nhân xơ tuyến vú. Phương pháp truyền thống này còn tồn tại nhược điểm như để lại sẹo gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti, mặc cảm vì sẹo để lại khi bác sĩ rạch một đường mổ để lấy khối u.
+ Kỹ thuật hút chân không VABB: Thực hiện kỹ thuật VABB, bác sĩ đưa kim vào, cắt khối u và hút ra, nên khắc phục được những hạn chế của phương pháp truyền thống bởi những ưu điểm vượt trội đem lại như bệnh nhân ít đau, không có sẹo mổ, không làm biến dạng vú, bảm đảm tính thẩm mỹ, không cần nằm viện, thời gian thực hiện nhanh, an toàn cho người bệnh.
Với nhiều ưu điểm, hiện nay kỹ thuật hút chân không là lựa chọn đầu tay của các bác sĩ chuyên khoa trong điều trị và chẩn đoán với các trường hợp như các u vú lành tính kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 3cm. Hoặc bệnh nhân có kết quả sinh thiết lõi và hình ảnh không tương xứng; Các khối u khó tiếp cận được bằng sinh thiết mở hoặc sinh thiết lõi thất bại.